Cập nhật tin tức nóng hổi

Gia tăng dân số – Bài toán khó tại các nước đang phát triển

Dân số đông và tăng nhanh ở các nước đang phát triển được coi là nguyên nhân của mọi vấn đề tiêu cực như: kìm hãm sự phát triển kinh tế, cạn kiệt tài nguyên, suy thoái môi trường, giảm sút chất lượng cuộc sống, đói nghèo. Để bảo đảm đời sống cho số dân đông, tăng nhanh, các nước đang phát triển đã tăng cường khai thác tài nguyên, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Kết quả đã làm cho nguồn tài nguyên cả tự nhiên và nhân văn của các nước này đang bị cạn kiệt, suy thoái.
Gia tăng dân số – Bài toán khó tại các nước đang phát triển
Gia tăng dân số ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế. Trước hết là tăng trưởng kinh tế được biểu hiện ở tổng thu nhập của toàn bộ nền kinh tế hoặc thu nhập bình quân đầu người. Có thể thấy sự phát triển dân số tạo nên nguồn lực – nhân tố quyết định mọi quá trình phát triển. Nếu dân số quá thấp hạn chế sự phân công lao động xã hội, do đó không tận dụng được hết nguồn nhân lực đầu vào. Dân số tăng nhanh sẽ hạn chế sựu tích lũy để tái sản xuất trong phạm vi từng gia đình cũng như phạm vi toàn xã hội. Khi quy mô mở rộng sản xuất thì cả quy mô cũng như vốn đầu tư cho một quá trình làm việc giảm đi. Hậu quả của quá trình này là năng suất lao động tăng chậm hoặc không tăng, thu nhập trên người cũng như điều kiện sống và làm việc đều giảm. Sự gia tăng dân số ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, nền kinh tế phải đáp ứng thêm lương thực cho khoảng 1 triệu người mỗi năm, gây ra thách thức về an ninh lương thực. Dân số tăng còn đòi hỏi phải đáp ứng về điều kiện cơ sở hạ tầng.

Dân số cơ cấu trẻ cần phải giải quyết được việc làm. Khi chúng ta không thể giải quyết được việc làm thì số lao động thất nghiệp sẽ gây ra các tệ nạn xã hội và những hệ lụy của chúng. Gia tăng dân số còn gây ra thách thức về mặt y tế. Về mặt giáo dục dân số tăng nhanh có thể vượt mức đáp ứng của hệ thống giáo dục cộng với điều kiện kinh tế gia đình khó khăn làm tình trạng thất học, bỏ học dẫn đến trình độ dân trí trung bình thấp, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội cũng như chất lượng cuộc sống.

Dân số tăng nhanh tác động xấu đến môi trường. Gia tăng dân số gây sức ép đến môi trường sống. Dân số tăng nhanh làm cho môi trường không đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của con người. Muốn tồn tại con người buộc phải phá rừng để mở rộng diện tích canh tác và chăn nuôi gia súc.

Tại Việt Nam, dân số đông, lại tăng lớn, nên nguồn lao động vốn đã dồi dào, tạo áp lực cho việc giải quyết công ăn việc làm hằng năm; trong điều kiện quy mô kinh tế còn thấp thì năng suất lao động thấp (bình quân 1 năm lao động chỉ đạt khoảng 1.959 USD). Một vấn đề đáng bàn đến, là chất lượng dân số Việt Nam nhìn chung thấp. Mặc dù dân số nước ta khá trẻ, tỉ lệ người biết chữ và tuổi thọ cao, nhưng tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh cao, dinh dưỡng cho bà mẹ đang mang thai thiếu, chênh lệch mức sống giữa các nhóm dân cư lớn, chất lượng lực lượng lao động thấp, đời sống người già chưa được bảo đảm, chất lượng sống của người dân còn thấp và có sự chênh lệch giữa các vùng. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam mới đứng 109 trong 177 nước được so sánh

Đề xuất giải pháp đối với vấn đề gia tăng dân số tại Việt Nam

1. Phối hợp với các tổ chức quốc tế để vận động toàn dân nhận thức rõ tác hại cũng như những mặt trái của việc gia tăng dân số. Cần phải hướng ý thức của người dân tới những nguy hại của bùng nổ dân số ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ.

2. Nhà nước phải phối hợp với các tổ chức dân số thế giới để điều chỉnh tăng dân số về mức cân bằng.

3. Cần củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số kế hoạch hóa gia đình ở các cấp.

4. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới từng vùng, từng nhóm dân cư nhằm giảm gia tăng dân số.

5. Đẩy mạnh công tác giáo dục, đặc biệt là cho lứa tuổi vị thành niên thấy được mối đe dọa của gia tăng dân số đem lại.

6. Mở rộng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, tạo môi trường tâm lí xã hội tích cực, thúc đẩy phong trào thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

7. Nâng cao vai trò của phụ nữ, khắc phục tình trạng trọng nam khinh nữ.

8. Cán bộ nhà nước đi đầu, gương mẫu trong công tác dân số.

9. Bản thân mỗi công dân cần có nhận thức đầy đủ về dân số, sự gia tăng dân số chóng mặt và tác hại của nó.

Tóm lại có thể nói việc giải quyết vấn đề gia tăng dân số gặp nhiều khó khăn, tốn kém cả về thời gian và công sức nếu không được liên kết với các vấn đề môi trường và phát triển, giảm nghèo đói và tạo cơ hội cho phát triển, nâng cao trình độ dân trí, tăng cường vai trò của gia đình và thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo, dạy nghề và phân công lao động, cải thiện vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, đầu tư hợp lí cho các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa… Thiết nghĩ, việc thực hiện các chương trình phải được lồng ghép vào nhau là cách thức tốt nhất để đạt được các hiệu quả tổng hợp, hạn chế tỉ lệ gia tăng dân số, làm cho vấn đề dân số hài hòa với phát triển bền vững.
,

No comments:

Post a Comment