Tập đoàn Vingroup vừa công bố chính thức rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không. Việc “đóng cửa” Vinpearl Air gây chấn động bởi hồ sơ dự án này được các cơ quan thẩm định đánh giá “rất đẹp”, được hậu thuẫn tiềm lực tài chính mạnh cũng như danh tiếng của người giàu nhất Việt Nam – tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng bất ngờ tuyên bố “đóng cửa” hãng bay Vinpearl Air
Trong tuyến bố chính thức phát đi đầu giờ chiều nay (14/1), Tập đoàn Vingroup khẳng định rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không, nhưng Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không VinAviation sẽ vẫn duy trì hoạt động theo cam kết với các học viên.
Tập đoàn Vingroup đã gửi văn bản lên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chính thức xin rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không. Theo tập đoàn này, đây là bước đi nhất quán trong việc tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là công nghệ và công nghiệp của Vingroup.
Trong dự án trình Chính phủ, nếu được Thủ tướng phê duyệt thì hãng bay của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cất cánh khai thác thương mại vào tháng 7/2020
Theo Vingroup, quyết định này không ảnh hưởng đến mảng đào tạo phi công do Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không VinAviation đảm nhiệm. Khoá Đào tạo đang triển khai vẫn tiếp tục được duy trì với đầy đủ những cam kết đã có với học viên. Vingroup khẳng định vẫn tiếp tục tham gia các dự án xây dựng, cải tạo hạ tầng hàng không trên cả nước.
Phát biểu về quyết định nói trên, ông Nguyễn Việt Quang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup – cho biết: “Thị trường Hàng không Việt Nam rất tiềm năng và đang phát triển mạnh, nhưng cũng có các Công ty lớn đang tham gia. Việc Vingroup đầu tư mạnh vào hàng không có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây lãng phí cho xã hội, đồng thời chúng tôi cũng cần tập trung nguồn lực cho việc phát triển mảng công nghệ – công nghiệp của mình, vì vậy chúng tôi quyết định rút lui”.
Trước đó, ngày 24/7/2019, tập đoàn Vingroup công bố hợp tác với tập đoàn CAE (Canada) trong việc đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không nhằm cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao cho Việt Nam và thế giới. Vingroup cũng xúc tiến các thủ tục để thành lập hãng hàng không Vinpearl Air.
Trong chiến lược phát triển đã được công bố năm 2018, Vingroup đặt mục tiêu sẽ trở thành tập đoàn công nghệ – công nghiệp – thương mại dịch vụ hàng đầu Việt Nam trong 10 năm tới.
Vào tháng 12/2019, Vingroup đã rút khỏi mảng bán lẻ và nông nghiệp. Quyết định dừng đầu tư kinh doanh vận tải Hàng không là bước đi nhất quán trong việc tái cơ cấu hoạt động, tập trung vào các ưu tiên cốt lõi của tập đoàn.
Tập đoàn Vingroup chính thức khẳng định sự hiện diện trong lĩnh vực hàng không vào tháng 7/2019 với việc thành lập Công ty CP Hàng không Vinpearl Air, đăng ký đầu tư dự án theo mô hình hỗn hợp kết hợp giữa hãng hàng không truyền thống và chi phí thấp.
Mạng đường bay của Vinpearl Air bao gồm 62 đường bay nội địa và 93 đường bay quốc tế. Hãng này đặt ra mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng từ khai thác tới việc “xuất khẩu” phi công.
Vingroup cho biết Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không VinAviation sẽ vẫn duy trì hoạt động theo cam kết với các học viên.
Cuối tháng 12/2019, sau khi thẩm định dự án hàng không Vinpearl Air, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Theo đó, Dự án vận tải hàng không Vinpearl Air có tổng vốn đầu tư lên tới 4.700 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng, chiếm 27,66% tổng vốn đầu tư; vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác là 3.400 tỷ đồng, chiếm 72,34%. Hãng đặt căn cứ tại sân bay Nội Bài -Hà Nội.
Dự kiến, Vinpearl Air sẽ hoàn thành các thủ tục và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật để chính thức đưa vào vận hành, khai thác bay thương mại trong tháng 7/2020 với quy mô 6 tàu bay trong năm đầu tiên.
Kết quả thẩm định của Bộ KH&ĐT cũng cho biết, dự án Vinpearl Air có thời gian hoàn vốn trong 5 – 6 năm và dự kiến bắt đầu có lãi từ năm 2023. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lên kế hoạch mua 9 “siêu máy bay” Boeing 787-9 và Airbus 350-900 trong giai đoạn từ năm 2020 – 2025, nâng quy mô đội tàu bay lên 30 chiếc.
Trước đó, cho ý kiến về dự án này, Bộ GTVT cho biết quy mô đội tàu bay như đề xuất của Vinpearl Air là phù hợp với Quyết định 236 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến 2020, định hướng đến 2030. Bộ này cũng khẳng định kế hoạch của Vinpearl Air là phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng cho năm 2020.
Cần phải nhấn mạnh rằng, việc Vinpearl Air “đóng cửa” khi chưa một lần cất cánh gây chấn động trong giới kinh doanh hàng không. Ngay từ khi được thành lập, giới chức ngành hàng không cũng như các chuyên gia đã có những bình luận rất tích cực về việc Vinpearl Air gia nhập thị trường.
Điều này cũng dễ hiểu, bởi Dự án Vinpearl Air được các cơ quan chức năng thẩm định, đánh giá có “hồ sơ đẹp”, được hậu thuẫn bởi tiềm lực tài chính vững mạnh cũng như danh tiếng của người giàu nhất Việt Nam – tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Các chuyên gia dự báo, sự tham gia của Vinpearl Air sẽ khiến cho cục diện hàng không Việt Nam “rất khác”, trong thời gian tới sự cạnh tranh giữa các hãng cũng khốc liệt hơn. Tuy nhiên, không có gì là không thể khi tỷ phú Phạm Nhật Vượng bất ngờ quyết định “đóng cửa” hãng bay của mình.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam từng khẳng định với PV Dân trí rằng: “Hàng không là chỗ đốt tiền thực sự, kinh doanh vận tải hàng không đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì kiếm tiền trong lĩnh vực hàng không, đặc biệt là vận tải hàng không rất khó khăn”.
Châu Như Quỳnh/DT Kinh tế , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment