Lượng du khách tại các điểm du lịch của Hà Nội thời gian gần đây giảm mạnh do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19. Chợ Đồng Xuân- trung tâm mua sắm lớn của Thủ đô, điểm đến mua sắm của du khách quốc tế cũng không ngoại lệ, vẫn đang trong tình trạng ế ẩm, hàng quán vắng ngắt từ sau tết đến nay.
Chưa khi nào, tình hình kinh doanh tại khu chợ nổi tiếng bậc nhất Hà Nội lại gặp khó như hiện nay. Các tiểu thương chỉ biết ngồi lướt mạng.
Chẳng ai mua hàng
Khoảng 10h sáng ngày 23/2, khung giờ cuối tuần nhiều người đi mua sắm. Tuy nhiên, từ khi virus Corona xuất hiện tại Việt Nam, tình trạng chợ thưa vắng như thế này xuất hiện liên tục. Các tiểu thương ngồi túm tụm tán chuyện cho qua ngày.
Chợ Đồng Xuân có diện tích hơn 6.500m2, vốn là biểu tượng và địa điểm du lịch nổi tiếng không chỉ của Hà Nội mà còn cả ở khu vực miền Bắc. Nơi đây là chợ đầu mối chứa hàng trăm sạp hàng được xếp dọc lối đi hẹp với hầu hết tất cả các loại hàng hóa, nhưng phổ biến nhất vẫn là quần áo, đồ chơi trẻ em, đồ gia dụng, hàng lưu niệm và vải Việt Nam với nhiều hoa văn truyền thống. Thế nhưng, theo phản ánh của các tiểu thương, do ảnh hưởng dịch viêm phổi cấp Covid-19, gần nửa tháng nay tình trạng kinh doanh đang khá ảm đạm.
Trước đây, 10h sáng và 16h chiều là 2 khoảng thời gian chợ Đồng Xuân đón nhiều lượt khách đến mua sắm nhiều nhất. Kể từ khi virus Covid-19 xuất hiện, không khí mua sắm tại đây khá vắng vẻ do vắng khách du lịch trong và ngoài nước.
Tại khu mua sắm đồ lưu niệm, du khách vội lướt qua. Còn tại khu ăn uống, những hàng ghế trống xếp dài nối đuôi nhau. Bạn Đức Anh, nhân viên quá cà phê Trung Nguyên chia sẻ: “Không riêng gì quán em, mà quán nào cũng vắng hết. Người bán nhiều hơn người mua, đây là hình ảnh em chưa từng thấy trước đây. Mong sao sớm hết dịch chứ buôn bán kiểu này chán lắm. Cả ngày chỉ ngồi không bấm điện thoại nhìn vài người lác đác đi vào”.
Cũng giống bạn Đức Anh, bác Thùy Liên tiểu thương tại chợ Đồng Xuân cho hay, lượng hàng hóa bán ra giảm tới 80% so với thời điểm trước khi xuất hiện dịch. “Nếu tình trạng này xảy ra trong thời gian dài chắc chắn chúng tôi sẽ phải cho nhân viên nghỉ việc, chứ cứ thế này e là không trụ nổi”, bác Thùy Liên nói.
Tại các quận khác, nhiều hộ kinh doanh cũng làm đơn xin giảm thuế hoặc ngưng kinh doanh do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID -19.
Học sinh được nghỉ học kéo dài, nên balo, túi xách cho học sinh, trẻ nhỏ hầu như không dùng đến, chính vì vậy mặt hàng này được tiêu thụ rất chậm trong những ngày gần đây. Chủ ki ốt này cho biết đang lo sốt vó, nếu học sinh tiếp tục nghỉ học hết tháng 2, hoặc tệ hơn kéo dài sang cả tháng 3, việc kinh doanh của chị sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Lướt mạng, chơi game cho đỡ chán
Tình cảnh ế ẩm cũng diễn ra ở hàng quần áo cho trẻ nhỏ. Trẻ con hầu hết được bố mẹ giữ ở nhà, ít khi ra đường, đi chơi nên quần áo trong giai đoạn này dù bán buôn hay bán lẻ đều rất chậm. Chủ cửa hàng ngồi lướt mạng hoặc chơi game cho đỡ chán.
Tình cảnh khách khứa vắng hoe, các chủ ki ốt ngồi không như thế này theo nhiều tiểu thương, là chuyện gần như chưa từng xảy ra.
Lý giải nguyên nhân, các hộ kinh doanh tại đây cho biết do dịch COVID-19, người dân không dám tập trung vào những nơi đông người, không đến chợ mua hàng. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch, sản xuất kinh doanh của nhiều ngành cũng ngưng trệ. Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động mua bán tại chợ.
Rất nhiều sạp mở bán nhưng 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày, thậm chí từ ngày khai trương đến nay không bán được mặt hàng nào.
Trong bối cảnh này, các tiểu thương cho biết tuy nhận thức rất rõ tình hình thiên tai, dịch bệnh là điều hoàn toàn ngoài mong muốn, dù không có người mua hàng nhưng các tiểu thương không thể đóng cửa, bỏ sạp mà hằng ngày vẫn phải đến chợ, mở quầy.
Không bán được hàng, nhu cầu nhập hàng cũng không có nên các tiểu thương chợ đều mong muốn được giảm thuế để có thể tiếp tục mở quầy. Kinh tế , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment