Từ doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đều ngấm đòn vì đại dịch Covid-19. Số liệu từ báo cáo nhanh 22/63 tỉnh thành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy có tới hơn 800 doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, thu hẹp quy mô. Thực tế, sức khỏe doanh nghiệp đã sớm có dấu hiệu xấu đi trong năm 2019, và đại dịch Covid-19 tiếp tục làm gia tăng thêm những khó khăn này...
Công nhân đang sản xuất khẩu trang bảo vệ trong một nhà máy tại tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam vào ngày 6/2/2020.(Nhac NGUYEN/AFP/Getty Images)
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới đây có một báo cáo nhanh, tổng hợp số liệu báo cáo từ 22/63 tỉnh thành trên cả nước cho biết: hơn 800 doanh nghiệp (DN) tạm dừng hoạt động, giảm quy mô hoặc buộc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, và hơn 8.700 lao động bị ảnh hưởng, trong đó ngành nông, lâm và thủy sản chiếm hơn 30%. Hơn 300 doanh nghiệp đã phải đóng cửa vì Covid-19.
Không lạc quan như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tất cả các doanh nghiệp đều chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19
Ngành du lịch ước tính đóng góp khoảng 8,4% GDP cả nước đã chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề nhất. Theo Bộ KH&ĐT, thiệt hại từ doanh thu du lịch nếu dịch kéo dài hết quý 1 là 2,3 tỷ USD và đến hết quý 2 lên tới 5 tỷ USD.
Xuất khẩu nông sản giảm mạnh. Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 1/2020 đạt 280,79 triệu USD, giảm 20,6% so với tháng 1/2019. Xuất khẩu hàng rau quả tháng 1/2020 giảm mạnh do trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán, đặc biệt xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh còn do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19).
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng rau quả quan trọng của Việt Nam với tỷ trọng chiếm 64,8% tổng trị giá xuất khẩu trong năm 2019. Tháng 1/2020, trong các thị trường xuất khẩu rau quả chủ lực, Trung Quốc là thị trường có tốc độ xuất khẩu giảm mạnh thứ 2, sau Hà Lan, đạt 173,5 triệu USD, giảm 32,4% so với tháng 1/2019.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể mất thêm 1% vì tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 (theo VOV.VN).
Thị trường chứng khoán tiếp tục lao dốc
Cho tới nay (24/2/2020) Vnindex mất 122 điểm so với kỳ đạt đỉnh vào ngày 6/11/2019 và mất 91 điểm - tương đương với khoảng 9% - so với thời điểm có tin về dịch Covid-19 (22/1/2020). Vnindex không thể phục hồi dù truyền thông nhà nước phát đi tín hiệu tuyên bố hết dịch tại Việt Nam do không có thêm ca nghi nhiễm hay nhiễm virus Corona mới, cả 16 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đều phục hồi.
Đáng nói là thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc mạnh nhất trong khu vực cho thấy Việt Nam dễ bị tổn thương hơn các nền kinh tế lân cận khi đối mặt với bất ổn và thảm họa. Điều này một phần lớn đến từ cấu trúc kinh tế thiếu bền vững, độ mở quá lớn so với quy mô nền kinh tế trong khi tăng trưởng của thị trường chứng khoán năm 2019 dựa trên khối ngân hàng thương mại (NHTM) và doanh nghiệp bất động sản lớn.
Vnindex của Việt Nam hôm nay (24/2/2020) đánh mất 122 điểm so với thời kỳ đạt đỉnh là 1025 điểm (6/11/2019)
Sức khỏe doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên sàn 2019 đã xuất hiện dấu hiệu cảnh báo xấu, Covid-19 tiếp tục làm gia tăng thêm khó khăn trong năm 2020
Trong đại dịch Covid-19, doanh nghiệp Việt khó đứng vững hơn không chỉ vì phụ thuộc vào Trung Quốc (thị trường đầu vào, đầu ra) mà còn bởi tình hình kinh doanh năm 2019 không mấy khả quan, đã xuất hiện nhiều dấu hiệu cảnh báo từ năm 2019.
Theo dữ liệu phân tích của FiinGroup (công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tích hợp về dữ liệu tài chính, thông tin kinh doanh, nghiên cứu ngành) về doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán (khoảng hơn 800 doanh nghiệp) - nhóm doanh nghiệp được xem là tốt nhất của Việt Nam, sức khỏe tài chính, hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này có ý nghĩa chỉ báo cho khu vực doanh nghiệp phi tài chính trong nước - cho thấy doanh nghiệp niêm yết đã kinh doanh rất khó khăn trong năm 2019.
Theo FiinGroup, năm 2019, khối doanh nghiệp phi tài chính có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khá thấp. Đây là năm thứ hai lợi nhuận ở mức thấp sau nhiều năm tăng trưởng mạnh kể từ năm 2013!
EBIT (lợi nhuận trước thuế và lãi) và EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần) tăng trưởng âm ở mức -1,5% và -1,1% trong năm 2019. Đây là năm đầu tiên kể từ sau giai đoạn khủng hoảng 2008-2012 mà EBIT và EBITDA của nhóm doanh nghiệp này tăng trưởng âm.
Doanh thu tăng trưởng 2019 của cả nhóm chỉ ở mức 4,0% sau hai năm liền tăng trưởng cao trước đó. Trong 10 năm qua, tăng trưởng doanh thu chạm đáy vào năm 2015 ở mức -1,1% chủ yếu tác động bởi ngành dầu khí do giá dầu giảm sâu thời điểm đó.
Các ngành có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao trong năm 2019 so với bình quân 5 năm trước và 10 năm trước và được FiinGroup xếp hạng là TĂNG TỐC cả trên tiêu chí Doanh thu và Lợi nhuận bao gồm: Công nghệ thông tin, Viễn thông và Ô tô & Phụ tùng.
Trà Nguyễn/NTDVN Kinh tế , Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment