Chính quyền Tổng thống Trump cho biết vào ngày 18 tháng 2 rằng, họ sẽ bắt đầu coi năm cơ quan truyền thông lớn của nhà nước Trung Quốc hoạt động tại Hoa Kỳ như các đại sứ quán nước ngoài và yêu cầu những cơ quan này phải đăng ký nhân viên và tài sản của họ tại Hoa Kỳ với Bộ Ngoại giao, theo thông tin từ hãng tin Reuters.
Tờ China Daily trong một hộp báo tại Midtown Manhattan, New York, Mỹ (Ảnh Benjamin Chasteen/The Epoch Times)
Hai quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết quyết định này được đưa ra do chế độ Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát nhà nước với truyền thông, và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã sử dụng chúng một cách hung hăng để truyền bá tuyên truyền những thông tin có lợi cho Bắc Kinh.
Một quan chức cho biết: “Họ kiểm soát cả nội dung và kiểm soát biên tập gia tăng trong suốt nhiệm kỳ nắm quyền của Tập Cận Bình”. “Những kẻ này trên thực tế là cánh tay của bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc)”.
Bắc Kinh đã không được thông báo trước về quyết định này và họ đã được thông báo vào ngày 18 tháng 2.
Bắc Kinh kiểm soát các phương tiện truyền thông thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc “càng ngày càng hà khắc hơn”, quan chức thứ hai cho biết thêm.
Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã leo thang kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức ba năm trước, với các tranh chấp từ thuế quan thương mại đến các cáo buộc về hoạt động gián điệp của Trung Quốc tại Hoa Kỳ cũng như hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Đài Loan.
Quyết định này đã được xem xét từ lâu và không liên quan đến những diễn biến gần đây về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ.
Quyết định mới này sẽ được áp dụng cho Tân Hoa Xã, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN - một chi nhánh của CCTV), Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc, China Daily Distribution Corp và Hai Tian Development USA, Inc.
China Daily là một ấn phẩm tiếng Anh của ĐCSTQ. Hai Tian Development USA phân phối tờ Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thức của Ủy ban Trung ương Đảng Trung Quốc.
Hoạt động tại Mỹ của năm cơ quan này sẽ phải công khai danh sách nhân sự, quyết định tuyển dụng và sa thải nhân sự, và đăng ký tài sản mà họ thuê hoặc sở hữu với Bộ Ngoại giao tại Hoa Kỳ.
Các cơ quan này cũng phải có được sự phê duyệt trước khi họ thuê hoặc mua tài sản mới của Hoa Kỳ.
Khi được hỏi liệu họ có lo ngại rằng chế độ Trung Quốc sẽ trả đũa truyền thông phương Tây có trụ sở tại Trung Quốc hay không, một quan chức đã nhấn mạnh rằng các cơ quan báo chí nước ngoài đã phải hoạt động theo các quy tắc nghiêm ngặt tại Trung Quốc và những quy tắc công bố mới này hoàn toàn không có hạn chế nào với hoạt động của năm cơ quan này tại Hoa Kỳ.
“Những cơ quan này hoạt động trong một môi trường tự do hơn nhiều khi ở Mỹ so với bất kỳ tổ chức báo chí nước ngoài nào tại Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc”.
Hồi tháng 12 năm ngoái, nghị sỹ Jim Banks đã yêu cầu Quốc hội điều tra China Daily tuyên truyền vào Quốc hội Hoa Kỳ.
Nghị sĩ Banks tin rằng China Daily đã vi phạm luật liên bang và sẽ phải chịu hậu quả. Tờ Liberty Lighthouse trước đó đã tiết lộ cách China Daily liên tục vi phạm Luật Đăng ký đại diện nước ngoài. Bài báo viết, cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSTQ, China Daily cho đến nay đã đăng hàng trăm bài viết tuyên truyền trên New York Times, Washington Post và ít nhất 30 kênh truyền thông Mỹ khác. Những bài viết này trông giống như tin tức thông thường trên báo Mỹ, nhưng thực tế những tuyên truyền này lại tô vẽ làm đẹp cho chính quyền ĐCSTQ và từ đầu tới cuối đều làm mờ đi các vấn đề vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ.
Chính quyền Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ truyền thông. Tất cả các cơ quan báo chí nước này đều thuộc sở hữu nhà nước đều phải qua kiểm duyệt gắt gao phù hợp với chủ trương của chính quyền. Với mạng internet, Bắc Kinh thiết lập hệ thống gọi là Vạn lý Tường lửa khiến cư dân nước này không thể vào được các website phổ biến như Youtube, Facebook, Twitter.
Trung Quốc xếp gần cuối bảng trong Chỉ số Tự do báo chí, năm 2019 nước này đứng gần cuối bảng xếp hạng, đứng thứ 178 trên 180 quốc gia.
Minh Dũng/ntdvn Chính trị , Tin quốc tế
No comments:
Post a Comment