Khi cánh cửa lạnh lẽo của những khu nhà trong tình trạng cách ly không làm người Ý tù túng; khi tình yêu cuộc sống của họ chiến thắng nghịch cảnh, thì đó cũng là khi người dân Ý thể hiện cho cả thế giới thấy: Chúng tôi vẫn giữ được tinh thần Ý dù nguy hiểm có kề bên.
Hai người đàn ông chơi guitar và sáo trên ban công trong khi phải tự cách ly ở Turin, Ý ngày 13/3/2020 (Ảnh: Nicolò Campo/LightRocket qua Getty Images)
Tối 13/3, đúng 18.00 (tức nửa đêm giờ Việt Nam), đã diễn ra một cuộc “hẹn hò tập thể” trên ban công và cửa sổ các căn hộ ở Ý. Trong khi đất nước đang phong toả và người dân phải ở trong nhà tự cách ly, hàng triệu tâm hồn lãng mạn đã cùng nhau hát. Họ chơi tất cả các loại nhạc cụ, thậm chí mang cả xoong nồi ra gõ. Đây là cách mà người Ý chọn để vượt qua những ngày tháng khó khăn nhất trước dịch bệnh.
“Tại sao lại vào lúc 18:00? Tại sao lại vào lúc 18.00? Bởi vì đấy chính là thời điểm mà hàng ngày, Cơ quan cứu hộ Ý công bố số liệu thống kê về tình hình dịch virus corona ở nước này, với con số ca dương tính đang tăng, số ca tử vong và số người được chữa khỏi cũng thế. Thật là một câu trả lời tuyệt đẹp mang đúng tinh thần "Cuộc sống tươi đẹp" (Life is beautiful) như trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Roberto Benigni. Dịch bệnh ư? Chúng tôi có một câu trả lời cho nó. Tại sao phải sợ hãi, phải hoảng loạn và sống một cách tiêu cực, bi quan? Tại sao không thể cùng làm một điều gì đó cho mình và cho mọi người để sống tốt lên? Thế là cái ban công, nơi hẹn hò lãng mạn của Romeo và Juliet, trở thành một nơi hẹn hò tập thể của tinh thần "cuộc sống tươi đẹp", trong hoàn cảnh các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể thao đều bị ngừng lại” - Facebook Truong Anh Ngoc.
“Buổi hoà nhạc” bắt đầu từ một lời kêu gọi của ban nhạc FanfaRoma ở thủ đô Roma. "Mọi người ơi, hãy mở cửa sổ ra, hãy chụp ảnh và post video lên mạng xã hội... như thế, đất nước chúng ta sẽ trở thành một show âm nhạc miễn phí khổng lồ". Thị trưởng Roma Virginia Raggi cũng vào Facebook của ban nhạc và ủng hộ ý tưởng: "Chúng ta hãy hát cùng với nhau, hãy cho mọi người thấy, chúng ta là một cộng đồng mà không gì có thể làm tổn thương được". Âm nhạc cất lên xoá tan đi sự cô đơn, tịch mịch và đau khổ.
Một người đàn ông cầm trống hát trên ban công (Ảnh chụp màn hình)
Hai người đàn ông hát cùng chiếc đàn guitar (Ảnh: Facebook)
Phong trào này sau đó được cả nước hưởng ứng, 12h trưa ngày 14/3, mọi người cùng ra ban công vỗ tay và hát để động viên nhau.
Các ban công trở thành sân khấu, những người dân trở thành nghệ sĩ, và tất cả đều là khán giả trên sàn diễn của chính mình. Họ tận hưởng âm nhạc, tận hưởng niềm lạc quan truyền từ người này sang người khác, tận hưởng một bầu không khí vui tươi mà những ngày tháng u tối vừa qua đã cướp mất.
Người dân Ý cùng nhau sướng lên bài hát “E mentre Siena dorme" (Khi Siena chìm vào giấc ngủ), một bài hát truyền thống của người Siena, thường được hát trong những buổi lễ hội địa phương. Nó cũng mang tên “Canto della Verbena" (Bài hát của Verbena), bài hát dùng để tôn vinh các loại thảo mộc có hoa thường được sử dụng trong y học cổ truyền hoặc nước hoa. Chúng từng phát triển một cách tự nhiên trong khu phố Piazza del Campo ở vùng nông thôn Siena, và trên các bức tường của trung tâm thành phố thời trung cổ. Điều này như muốn nói, những người dân Ý là những bông hoa thảo mộc được bảo vệ bởi mẹ thiên nhiên và có sức sống mãnh liệt. Người dân Ý đã có một buổi lễ truyền thống tại chính ban công nhà họ.
Người đàn ông đang tận hưởng vẻ đẹp của âm nhạc qua cửa sổ nhà mình (Ảnh chụp màn hình)
Turin, Ý vào ngày 13/3/2020 (Ảnh: Nicolò Campo/LightRocket qua Getty Images)
Trước khi màn flashmob kết thúc, ở một khu chung cư ngoại ô Milano, tất cả đồng thanh 10 lần "Milano sẽ trở lại". Khẩu hiệu được chia sẻ nhiều nhất là "Andrà tutto bene" (Rồi sẽ ổn cả thôi)...
Một người dân Ý đã đăng trên Twitter như sau:
“Người dân từ thị trấn Siena của chúng tôi đang hát một bài nổi tiếng từ ngôi nhà của họ, dọc theo những con phố vắng để sưởi ấm trái tim mọi người trong khi cả nước Ý bị phong toả”.
Buổi hoà nhạc ngẫu hứng đã mang đến hi vọng cho hàng triệu người trên thế giới. “Âm nhạc giúp vượt qua đau khổ, tuyệt vọng”, một người bình luận.
“Hãy tưởng tượng cả thế giới cùng hát như thế này từ ngôi nhà của họ. Không ghét bỏ, không gì hết. Chỉ đồng lòng như một. Tôi thích cảnh tượng này”.
Virus corona khiến cả đất nước Ý gần như sụp đổ, nhưng liệu virus có khiến “tinh thần Ý" hồi sinh từ đống tro tàn?
Mộc Lam/NTDVN Tin quốc tế , Xã hội , Y tế
No comments:
Post a Comment