Bác sĩ Ngải Phân, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán, nói rằng cô bị chính quyền khiển trách khi lên tiếng cảnh báo về “dịch bệnh tương tự SARS” hồi tháng 12/2019 mà chưa được sự cho phép của giới chức.
Bác sĩ Ngải Phân nói rằng cô bị chính quyền cảnh cáo khi lên tiếng cảnh báo về “dịch bệnh tương tự SARS” hồi tháng 12/2019 (Ảnh: SCMP)
Trong bài phỏng vấn được đăng trên tạp chí People của Trung Quốc hôm 10/3, bác sĩ Ngải Phân nói rằng, ngày 30/12 năm ngoái, cô đã đăng bức ảnh chụp bệnh án chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi do một loại virus giống virus corona từng gây dịch SARS trong một nhóm trò chuyện trên mạng xã hội WeChat. Ảnh chụp bệnh án này khiến cô rất lo ngại vì ca bệnh dường như giống với bệnh SARS 17 năm trước. Sau đó, các thành viên trong nhóm trò chuyện (có cả bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng) đã lan truyền bức ảnh.
Bác sĩ Ngải Phân đã cảnh báo Trung tâm Dịch vụ Y tế Cộng đồng của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán và Trung tâm Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm ngay sau khi thấy sự bất thường của mầm bệnh trong bản báo cáo. “Tôi thậm chí còn kéo vị trưởng khoa hô hấp của bệnh viện lại khi ông ấy đi qua văn phòng của tôi và nói rằng một trong những bệnh nhân trong khoa ông ấy dường như nhiễm virus giống SARS”, cô nói.
Bác sĩ Lý Văn Lượng đã chia sẻ bức ảnh của Ngải Phân cho những người khác. Ngay sau đó, bác sĩ Lý bị cảnh sát triệu tập nhiều lần và bị khiển trách là “lan truyền tin đồn thất thiệt”. Về sau này, bác sĩ Lý không may nhiễm virus corona và qua đời hôm 7/2. Cái chết của bác sĩ Lý đã dấy lên làn sóng phẫn nộ trong công luận về cách xử lý dịch bệnh chậm trễ của chính quyền Vũ Hán và Hồ Bắc.
Theo SCMP, cuộc phỏng vấn của bác sĩ Ngải Phân với tạp chí People cho thấy giới chức y tế Vũ Hán đã bỏ lỡ cơ hội vàng phát đi cảnh báo khi dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) mới bắt đầu bùng phát, và trước khi virus lây nhiễm cho hơn 117.000 người trên toàn thế giới, dẫn đến hơn 4.200 ca tử vong.
Trong bài phỏng vấn, bác sĩ Ngải Phân nói rằng ngay ngày 30/12, cô được lãnh đạo gọi đến nói rằng Ủy ban Y tế Vũ Hán đã ra chỉ thị cho nhân viên y tế không được tiết lộ bất cứ điều gì về virus hay dịch bệnh nhằm tránh gây hoảng loạn. Tiếp đó, bệnh viện còn cấm chỉ toàn bộ nhân viên tiết lộ thông tin liên quan đến dịch bệnh mới này.
Hai ngày sau, một quan chức phụ trách bộ phận giám sát Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán đã khiển trách bác sĩ Ngải Phân “lan truyền tin đồn” khi chia sẻ bức ảnh về bệnh án của bệnh nhân trên Wechat. Quan chức này còn gây sức ép yêu cầu bác sĩ Ngải Phân thông báo cho toàn bộ nhân viên trong khoa không được tiết lộ gì về dịch bệnh, đồng thời cũng không được nói cho bất kỳ ai khác, kể cả chồng của cô.
Theo bác sĩ Ngải Phân, y tá Hu Ziwei tại Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán đã bị nhiễm virus corona một tuần sau đó. Tuy nhiên, bệnh viện ban đầu ghi nhận trong bệnh án là y tá Hu bị “viêm phổi siêu vi”, về sau đổi thành “nhiễm virus”.
Bác sĩ Ngải Phân nói với People rằng bà tin hành động của mình không hề sai. “Tôi đã thông báo cho bệnh viện và tôi chưa bao giờ tiết lộ thông tin cá nhân của bệnh nhân khi tôi thảo luận về ca bệnh với các bác sĩ khác. Làm sao tôi có thể không thảo luận với các đồng nghiệp khi biết có một loại virus mới xuất hiện. Tôi làm theo trực giác của mình với tư cách là một bác sĩ. Vậy thử hỏi tôi đã phạm phải sai lầm gì?”
Chia sẻ của bác sĩ Ngải Phân trong bài phỏng vấn còn làm sáng tỏ thông tin về nguồn dịch bùng phát. Vào dịp Tết Nguyên đán, chợ hải sản Hoa Nam gần Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán được cho là nơi virus xuất hiện, đã bị đóng cửa. Tuy nhiên, bác sĩ Ngải Phân cho biết, trước khi chính quyền Trung Quốc xác nhận virus corona có thể lây từ người sang người, bà đã chứng kiến một số lượng lớn các bệnh nhân bị viêm phổi cấp vào viện khám. Ngay cả sau khi chợ hải sản đóng cửa, số lượng người nhập viện vẫn tăng lên và có nhiều trường hợp lây nhiễm tập thể trong gia đình xuất hiện. “Nếu không có sự lây nhiễm từ người sang người, tại sao bệnh nhân tiếp tục tăng sau khi chợ Hoa Nam bị đóng cửa?” bác sĩ Ngải Phân nêu nghi vấn.
Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán là một trong những cơ sở y tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Đã có 4 bác sĩ tại bệnh viện này qua đời, bao gồm bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng (qua đời hôm 7/2), bác sĩ chuyên khoa Phẫu thuật Tuyến giáp và vú Giang Học Khánh (qua đời hôm 1/3), bác sĩ nhãn khoa Mai Trọng Minh (qua đời hôm 3/3) và bác sĩ nhãn khoa Chu Hòa Bình (qua đời hôm 9/3).
“Nếu các bác sĩ này được cảnh báo sớm hơn về dịch bệnh, họ có thể sẽ không phải chết. Vì vậy, tôi thực sự hối hận vì đã không cảnh báo cho nhiều người hơn”, bác sĩ Ngải Phân nói, “Nếu tôi có thể biết dịch bệnh lan rộng, tôi sẽ nói với tất cả mọi người, dù có bị cảnh cáo. Tôi đã nghĩ rất nhiều, giá mà thời gian có thể quay trở lại.”“
Bài phỏng vấn của bác sĩ Ngải Phân được đăng trùng thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tới thị sát Vũ Hán kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Bài phỏng vấn sau đó đã bị xóa khỏi tài khoản WeChat của tạp chí People. Điều này khiến người cư dân mạng xã hội rất tức giận và họ đã đăng lại bài viết trên các nền tảng khác như WeChat, Weibo, Facebook, Twitter… Tính đến thời điểm hiện tại, bài viết còn được dịch ra nhiều ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật, tiếng Đức và tiếng Do Thái.Đáng chú ý, phiên bản tiếng Trung Quốc cũng xuất hiện nhiều kiểu chữ và font chữ khác nhau nhằm tránh bị kiểm duyệt, chẳng hạn như chữ ngược, phiên âm, chữ Giáp cốt, ngôn ngữ mật mã Morse, chữ nổi hay biểu tượng sao Hỏa…
Hiện tại, tạp chí People không trả lời thêm vấn đề gì về bài báo. Đồng dạng, phía Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán cũng không đề cập gì đến vấn đề được nêu ra.
Theo SCMP Tin quốc tế , Tin trong nước , Y tế
No comments:
Post a Comment