Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 26/3 lên tiếng phản đối Trung Quốc xây trạm nghiên cứu tại đá Subi và đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định mọi hoạt động tại các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đều phải có sự cho phép của Việt Nam.
Người phát ngôn nói: "Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo đó, mọi hoạt động tại hai quần đảo này phải có sự cho phép của Việt Nam", theo báo Tuổi trẻ.
Hôm 20/3, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin Bắc Kinh đã lập 2 trạm nghiên cứu trên hai đá Chữ Thập và Xu Bi trong quần đảo Trường Sa.
Hai cơ sở nghiên cứu nói trên do Trung tâm nghiên cứu tích hợp đảo và đá ngầm thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc quản lý, có phòng thí nghiệm về sinh thái, địa chất và môi trường, nhằm hỗ trợ điều tra thực địa và nghiên cứu khoa học ở quần đảo Trường Sa, theo Tân Hoa Xã.
Đá Subi - Ảnh: AMTI
Dư luận quốc tế cho rằng đây là động thái cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục thúc đẩy kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm mục tiêu chiếm trọn Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng: "Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không có các hành động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực, cũng như nỗ lực của các nước trong tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc".
Các đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn nằm trong số 7 thực thể trong quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp.
Trung Quốc đã biến những đảo nhân tạo này thành các tiền đồn có cảng, đường băng và cơ sở liên lạc nhằm mở rộng khả năng kiểm soát hoạt động của các bên tranh chấp khác ở Biển Đông, theo Philippine Daily Inquier.
Các cơ sở do Trung Quốc xây dựng trên đảo Chữ Thập, tháng 9/2015. (Ảnh: Getty)
Chuyên gia quốc phòng Swee Lean Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) bình luận: “Có thể nhiều người nghĩ đại dịch COVID-19 khiến Bắc Kinh không quan tâm nhiều tới những điểm nóng trên biển. Sự thật không phải thế. PLA (Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc) vẫn sẵn sàng tác chiến dù có virus corona”.
Chuyên gia Koh lưu ý rằng, Trung Quốc lợi dung chiêu bài “khoa học dân sự” để củng cố tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Ông tin rằng Trung Quốc vẫn tiến hành các hoạt động ở Biển Đông. Vì đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên toàn cầu, cộng đồng quốc tế giảm chú ý tới những hành động của Bắc Kinh ở khu vực.
Theo NTDVN Biển Đảo , Chính trị , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment