Thái Lan đã độc chiếm thị trường gạo tại châu Á với giá mỗi tấn dao động 555-580 USD/tấn. Trong khi đó, gạo Việt thì xếp lớp tại cảng nằm chờ...
Đây là giá gạo cao nhất kể từ năm 2013 đến nay mà thị trường thiết lập được kể từ cột mốc siêu kỷ lục hơn 800 USD/tấn vào năm 2008 (thời điểm mà Việt Nam cũng lệnh cấm xuất khẩu để rồi sau khóc trong tiếc nuối).
So với giá gạo 504 (IR50404) ở thị trường trong nước dao động 420-440 USD suốt nửa tháng nay thì gạo Thái Lan ở thị trường xuất khẩu đã bỏ xa giá gạo Việt Nam đến tận...150 USD/tấn. Đây là giá loại gạo đại trà 5% tấm chứ chưa có thống kê gạo đặc sản hay gạo thơm.
Tuy nhiên với mức trung bình 560 USD/tấn quy đổi ra gạo Thái Lan vào chưa tới 14.000 đồng/ký nhưng cũng đủ gấp rưỡi giá gạo 504 bán lẻ ở các chợ ở Việt Nam là tầm 10.500 đồng/ký.
Giá gạo 504 của Việt Nam xuất khẩu lâu nay cho 3 thị trường lớn nhất là Philippines, châu Phi và Malaysia chỉ loanh quanh 340 USD/tấn.
Vì giá gạo xuất khẩu tăng đột biến cộng với nguồn cung gạo 504 tại Đồng bằng sông Cửu Long ít lại đã khiến các Tổng Cty lương thực miền Bắc Vinafood 1 và Tổng Cty lương thực miền Nam Vinafood 2 đã "dính chưởng" nặng nề với gần 490.000 tấn gạo 504 ký với các đối tác với giá dưới 340 USD/tấn.
Cộng vào đó nhu cầu tăng lượng tích trữ quốc gia vì dịch bệnh Covid-19 đã dẫn đến cuộc họp của Chính phủ yêu cầu rà soát lại việc thu mua lưu trữ rồi sau đó đi đến quyết định cấm xuất khẩu gạo ban hành ngày 24/3/2020.
Tuy nhiên kể cả sau quyết định cấm xuất khẩu được đưa ra để tạo điều kiện cho Bộ tài chính và Tổng cục lưu trữ hoàn thành việc thu mua 190.000 tấn gạo + 80.000 tấn thóc (quy đổi 240.000 tấn gạo) vẫn không thể thực hiện được vì ngày 5/4 vừa qua hầu hết các doanh nghiệp trúng thầu cung cấp lưu trữ đều "xù thầu" khiến Tổng cục lưu trữ chỉ mua được khoảng 8.000 tấn và còn thiếu tận 160.300 tấn gạo (báo cáo Bộ Tài chính gởi Bộ Công thương ngày 10/4).
Không khó để nhận thấy vấn đề các doanh nghiệp "xù thầu" là do giá gạo ở thị trường quốc tế đang tăng vùn vụt, nếu xuất khẩu được ở thời điểm này sẽ "có ăn" hơn.
Tuy nhiên, việc mở cửa thông quan bất ngờ không báo trước của Tổng cục Hải quan vào rạng sáng ngày Chủ Nhật (12/4) từ 1h-3h sáng để khai trót lọt 399.989 tấn gạo cũng chỉ để lọt cho một số doanh nghiệp trúng đậm trong đó có Intimex (trực thuộc Bộ Công thương) mở khai quan đến hơn 96.000 tấn gạo.
Hai doanh nghiệp xù thầu Tổng cục lưu trữ là Cty TNHH Phát Tài và Cty cổ phần lương thực Mỹ Tường cũng mở được hải quan hơn 24.000 tấn gạo.
Hiện tại vụ Đông Xuân đã cơ bản thu hoạch xong hết với sản lượng quy gạo khoảng 11 triệu tấn, Việt Nam đang tồn đọng hơn 1.6 triệu tấn gạo và ước tính 12 triệu tấn lúa. Vụ Hè Thu sẽ thu hoạch gối tiếp sau 3 tháng nữa với sản lượng 12 triệu tấn lúa.
Trong 35 năm qua tính từ cột mốc đổi mới 1986, Việt Nam chưa bao giờ là quốc gia thiếu gạo. Năm 1987, vừa được tháo gỡ ngăn sông cấm chợ, Việt Nam đã xuất khẩu ngay 1.37 triệu tấn gạo. Đỉnh điểm xuất khẩu gạo Việt Nam là năm 2012 với kỷ lục 6.7 triệu tấn.
Đăng Khoa/Báo Sạch Kinh tế , Tin quốc tế , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment