Cập nhật tin tức nóng hổi

Một loạt tỉnh thành khẩn cấp ‘đàm phán’ giảm giá máy xét nghiệm COVID-19

Sau Quảng Ninh, Quảng Nam đến lượt tỉnh Thái Bình cho biết đã đàm phán và được giảm giá mua máy xét nghiệm Realtime PCR. Thái Bình mua xong mới đàm phán giảm giá?

Liên quan tới việc đàm phán giảm giá hệ thống thiết bị xét nghiệm Realtime PCR, lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình cho biết, Sở mất thời gian gần 1 tháng (từ tháng 3/2020) để tìm hiểu và đề nghị giảm giá thiết bị, đồng thời đàm phán tăng thời gian bảo hành thêm 4 năm.

Theo kế hoạch, tỉnh Thái Bình dự kiến chi 7,3 tỷ đồng để mua máy xét nghiệm Realtime PCR. Chủ trương của tỉnh là không mua máy cũ.
Một loạt tỉnh thành khẩn cấp ‘đàm phán’ giảm giá máy xét nghiệm COVID-19
Trong quá trình chạy thử máy Realtime PCR, Sở Y tế Thái Bình vẫn tiếp tục đàm phán giảm giá.

Hệ thống thiết bị xét nghiệm mà Thái Bình mua hiện tại là Cobas 4800, có cả 2 hệ thống đóng và hệ thống mở, dùng cho tất cả các loại vắc xin sinh phẩm cả nội và ngoại, xét nghiệm được tất cả cả loại virus, không chỉ riêng COVID-19.

“Thông thường, thời gian bảo hành máy là 1 năm nhưng chúng tôi đàm phán được thêm 4 năm, nâng tổng thời gian bảo hành lên 5 năm. Trong khi, chi phí bảo hành mỗi năm chiếm 5% giá trị của máy.

Chúng tôi cũng đàm phán thành công với nhà thầu giảm giá thiết bị xét nghiệm Realtime PCR hoàn chỉnh từ hơn 6 tỷ đồng còn 5,2 tỷ đồng, cộng với 1.300 bộ xét nghiệm trị giá 600 triệu đồng”, lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Sở này, từ 1/4 đơn vị chạy thử máy. Trong quá trình chạy thử, Sở Y tế Thái Bình vẫn tiếp tục đàm phán giảm giá. Đến 15/4, Sở Y tế Thái Bình chính thức có văn bản đề nghị nhà thầu giảm giá thiết bị.

Gợi ý của Biên tập viên »Bộ Y tế yêu cầu báo cáo việc mua sắm máy Real-time PCR xét nghiệm COVID-19 »Quảng Ninh yêu cầu thanh tra việc mua sắm máy xét nghiệm COVID-19 »Quảng Ninh bác thông tin ‘thổi giá’ mua máy xét nghiệm COVID-19

Quảng Ninh thanh tra việc mua máy

Ngày 25/4, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh cho biết, trước dư luận báo chí quan tâm về vấn đề mua sắm các trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 của ngành Y tế, Tỉnh ủy Quảng Ninh có Công văn chỉ đạo rà soát các hồ sơ, thủ tục liên quan đến mua sắm máy Realtime PCR tự động – xét nghiệm COVID-19 và các thiết bị y tế liên quan đến việc phòng, chống dịch bệnh.

Cụ thể, Tỉnh ủy Quảng Ninh giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát lại toàn bộ hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc mua sắm máy Realtime PCR tự động – xét nghiệm Covid-19 và các thiết bị y tế được trang bị phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của ngành y tế; báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước ngày 30/4.
Một loạt tỉnh thành khẩn cấp ‘đàm phán’ giảm giá máy xét nghiệm COVID-19
Quảng Ninh thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng nguồn ngân sách phục vụ phòng chống dịch COVID-19.

Đồng thời, Tỉnh ủy Quảng Ninh giao Thanh tra tỉnh thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng nguồn ngân sách phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 ở các cấp ngân sách và vấn đề mua sắm các trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh của Sở Y tế.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh yêu cầu cần kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hạn chế, yếu kém, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân theo quy định của Đảng và pháp luật (nếu có vi phạm).

Quảng Nam mua máy xét nghiệm giá cao hơn Hà Nội

Từ ngày 1/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam) đưa vào vận hành hệ thống máy xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2. Đây là loại máy tương tự như CDC Hà Nội đã mua.

Thậm chí, khi so sánh với con số 7 tỷ đồng mà CDC Hà Nội bỏ ra, giá Quảng Nam trả cho thiết bị này lên tới 7,2 tỷ đồng. Điều này đang đặt ra nghi vấn liệu Quảng Nam có mua máy xét nghiệm với giá “trên trời”?
Một loạt tỉnh thành khẩn cấp ‘đàm phán’ giảm giá máy xét nghiệm COVID-19
Máy xét nghiệm COVID-19 của Quảng Nam mua có giá cao hơn Hà Nội.

Đề cập đến vấn đề này, chiều 24/4, ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Việc mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động theo hình thức chỉ định thầu với giá 7,2 tỷ đồng trang bị cho CDC Quảng Nam là do UBND tỉnh quyết định. Thủ tục đường hoàng chứ không phải Sở Y tế tự mua. Đúng sai thế nào thì sẽ được làm rõ”.

Theo Sở Y tế Quảng Nam, ban đầu giá máy được nhà cung cấp đưa ra là 7,56 tỷ đồng, sau đó đã thương lượng giảm xuống còn 7,2 tỷ đồng.

Tối 24/4, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính báo cáo chi tiết sau ngày 3/5 tới.

Trong trường hợp cần thiết, Thanh tra tỉnh sẽ thực hiện thanh tra toàn bộ việc mua sắm máy xét nghiệm COVID-19. Trong trường hợp có sai phạm sẽ xử lý theo quy định.

Hải Phòng mượn máy xét nghiệm

Thời gian qua, một số thông tin cho rằng, Hải Phòng mua sắm hệ thống máy Realtime PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm COVID-19 với mức giá gần 10 tỷ đồng.

Ngày 25/4, trả lời PV VTC News, bà Phạm Thu Xanh, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết, Sở vừa có văn bản gửi Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) báo cáo rõ vấn đề này.

Cụ thể, hiện tại Sở Y tế Hải Phòng chưa thực hiện mua sắm hệ thống máy Realtime PCR phục vụ công tác xét nghiệm.

“UBND TP Hải Phòng đã ban hành quyết định 656 ngày 6/3 về việc phân bổ kinh phí mua sắm hệ thống máy xét nghiệm tự động chẩn đoán virus Corona chủng mới. Sở Y tế Hải Phòng đang triển khai các thủ tục để thực hiện cho việc mua sắm hệ thống máy trên”, văn bản của Sở Y tế Hải Phòng nêu.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng, hiện nay việc thẩm định dự toán gói thầu vẫn chưa có kết quả nên UBND thành phố chưa phê duyệt dự toán cho gói thầu này.

Sau khi nhận được thông tin liên quan đến việc mua sắm hệ thống xét nghiệm này tại một số tỉnh thành, UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo Sở Y tế rà soát lại quá trình thủ tục xây dựng giá dự toán của gói thầu và báo cáo lại UBND thành phố để chỉ đạo.
Theo Sở Y tế Hải Phòng, máy xét nghiệm Realtime PCR mà Trung tâm Y tế dự phòng thành phố sử dụng hiện tại đang đi mượn để dùng chứ không phải máy mua. 
Trước đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) có kết quả điều tra ban đầu về hành vi sai phạm của ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội. 
Cụ thể, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội mua sắm một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm phục vụ nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19.
Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống COVID-19 khi nhập về Việt Nam chỉ có giá khoảng 2,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu đã “bắt tay” với CDC Hà Nội và nâng giá lên tới 7 tỷ đồng.
PV/TN
, ,

No comments:

Post a Comment