Sau khi Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo mở rộng điều tra vụ án Đường "Nhuệ", nhiều người dân đã tố cáo đích danh những cán bộ tại Thái Bình có dấu hiệu tiếp tay.
Trong đơn tố cáo và kêu cứu khẩn cấp gửi các cơ quan chức năng ngay sau khi Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo mở rộng điều tra hoạt động băng nhóm xã hội đen Đường “Nhuệ”, nhiều người dân đã kiến nghị làm rõ sai phạm trong việc giải quyết các vụ án hình sự của Công an TP.Thái Bình.
Cụ thể, anh Nguyễn Văn Hà (31 tuổi, phường Trần Lãm, TP.Thái Bình), tố cáo và kiến nghị làm rõ 2 vụ án liên quan đến bố mẹ anh này là bà Phạm Thị Quyết và ông Nguyễn Văn Lẫm, Giám đốc Công ty TNHH Lâm Quyết, đồng thời chỉ đích danh một số cán bộ, lãnh đạo Công an TP.Thái Bình đã có biểu hiện bao che khi tham gia thụ lý các vụ án.
Đáng chú ý, anh Hà hiện là cán bộ Công an phường Phúc Khánh (TP.Thái Bình), đã liên tục gửi đơn tố cáo, kêu oan từ năm 2017 cho đến nay. Vì làm đơn tố mà anh Hà trong nhiều năm nay chỉ ở mức "hoàn thành nhiệm vụ" trong công tác.
"Tôi ý thức được trách nhiệm của người chiến sĩ công an nhân dân và nhận thức rõ việc tôi làm. Nhưng nếu tôi không bảo vệ được người thân của mình thì sao bảo vệ được người dân", anh Hà nói.
Hồ sơ do anh Hà cung cấp thể hiện, năm 2017, do thiếu vốn làm ăn, ông Lẫm và bà Quyết đã vay Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ”) 1,7 tỉ đồng, lãi suất 2.000 đồng/triệu đồng/ngày. Do việc kinh doanh gặp khó, vợ chồng Lẫm xin trả dần nhưng Đường “Nhuệ” không đồng ý, sau đó đưa đàn em đến chiếm giữ, ép phải nhượng lại Công ty TNHH Lâm Quyết.
Theo anh Hà, khi làm việc với Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP.Thái Bình, bố mẹ anh đã nói rõ việc tố cáo Đường "Nhuệ" là vấn đề hình sự, yêu cầu chuyển hồ sơ cho Đội Cảnh sát hình sự Công an thành phố thụ lý. “Tuy nhiên, ông Cao Giang Nam, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.Thái Bình và ông Nguyễn Hữu Vinh, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế (hiện là Trưởng Công an phường Trần Lãm, TP.Thái Bình), kiên quyết không chuyển hồ sơ cho Đội Cảnh sát hình sự để làm rõ hành vi của Đường “Nhuệ” mà chỉ ép bố mẹ tôi về công ty khi đã bị Đường “Nhuệ” đập phá, hủy hoại và cướp đoạt tài sản”.
Sau đó, bố mẹ anh Hà đã gửi đơn về vụ việc lên Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thái Bình. Nhưng sau đó, hồ sơ vụ việc lại được chuyển về Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP.Thái Bình.
Theo anh Hà, đến ngày 29.11.2017, hồ sơ vụ Đường “Nhuệ” chiếm Công ty TNHH Lâm Quyết được chuyển sang cho Đội Điều tra tổng hợp Công an TP.Thái Bình nhưng bị thiếu 2 biên bản đã lập.
Đến ngày 29.3.2018, ông Cao Giang Nam đã ký thông báo số 12 về việc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, liên quan đến tố cáo của bố mẹ anh Hà với Đường "Nhuệ".
“Mặc dù bố mẹ tôi đã nhiều lần đề nghị ông Cao Giang Nam cử điều tra viên về Công ty TNHH Lâm Quyết khám nghiệm hiện trường, điều tra xác minh vụ hủy hoại nhưng mãi đến ngày 29.1.2018 (sau 3 tháng 13 ngày nhận đơn - ngày 20.10.2017) ông Cao Giang Nam mới ký thông báo thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm và cũng không khám nghiệm hiện trường, không xác minh hậu quả thiệt hại, sau đó lại không khởi tố vụ án hình sự, là vi phạm điều 147 bộ luật Tố tụng hình sự, bao che, bỏ lọt tội phạm”, anh Hà khẳng định với Thanh Niên.
Tiếp đó, ngày 16.4.2018, ông Lẫm, bà Quyết bị Công an TP.Thái Bình bắt giữ về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản sau khi một chủ nợ là ông Đỗ Văn Tới làm đơn tố cáo. Tháng 6.2019, ông Lẫm, bà Quyết bị tuyên phạt 14 và 13 năm tù.
“Bố mẹ tôi bị khởi tố, kết tội vì liên quan đến việc vay nợ của người khác. Một sự việc dân sự mà ông Cao Giang Nam lại biến thành hình sự, trong khi sự việc của gia đình đang là hình sự lại được xác định không có dấu hiệu tội phạm”, anh Hà nói.
Chính vì vậy, anh Hà cho rằng: “Đường "Nhuệ" với ông Cao Giang Nam có mối liên hệ với nhau nên ngụy tạo lý do bắt giam bố mẹ tôi, nhằm trả thù người tố cáo, làm cho bố mẹ tôi không còn tiếp tục tố cáo Đường "Nhuệ" cướp đoạt tài sản, và ông Cao Giang Nam là người chống lưng, bao che".
Ai đình chỉ điều tra vụ đánh người trong trụ sở công an?
Ngoài các vụ việc nêu trên, các nạn nhân trong vụ án côn đồ đánh người tại trụ sở Công an phường Trần Lãm, cũng tố cáo có sự chống lưng của Công an TP.Thái Bình khiến vụ án bị chìm xuồng.Theo đó, vào sáng 18.11.2014, 2 người dân địa phương là bà Đinh Thị Lý cùng con trai Mai Thế Duy đến trụ sở Công an phường Trần Lãm (TP.Thái Bình) trình báo về việc bị băng nhóm Đường “Nhuệ” gây gổ trước đó.
Tuy nhiên, ngay tại phòng tiếp dân ở trụ sở Công an phường Trần Lãm, bà Lý và con trai đã bị nhóm Đường “Nhuệ” đóng chặt cửa phòng tiếp dân rồi hành hung. Giám định thương tật của anh Mai Thế Duy sau đó được xác định là 15%.
Sau khi nhận được đơn tố cáo của mẹ con bà Lý, ngày 18.11.2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Thái Bình đã tiến hành xác minh đơn tố giác tội phạm. Đến ngày 5.1.2015, ông Cao Giang Nam đã ký quyết định khởi tố vụ án hình sự cố ý gây thương tích.
Tuy nhiên, ngày 5.7.2015, cũng là ông Cao Giang Nam ký quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự vụ cố ý gây thương tích kể trên, do chưa xác định được bị can trong vụ án và đã hết thời hạn điều tra.
Mới đây, ngày 16.4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Thái Bình đã ra quyết định phục hồi điều tra vụ án cố ý gây thương tích liên quan đến anh Mai Thế Duy, sau 6 năm bị tạm đình chỉ.
Đáng chú ý là trong những ngày qua, Thanh Niên đã nhiều lần liên lạc với ông Cao Giang Nam và một số cán bộ Công an TP.Thái Bình để làm rõ nội dung người dân tố cáo, nhưng không nhận được sự hồi đáp.
Trong khi đó, nhiều người dân Thái Bình đang cho rằng, việc băng nhóm xã hội đen Đường “Nhuệ” lộng hành thời gian dài vừa qua còn liên quan đến nhiều nhân vật khác.
------------------
Theo Thanh Niên Chính trị , Pháp luật , Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment