Một số địa phương hiểu không đúng “cách ly xã hội” để chống dịch Covid-19, có nơi cho đổ đất, lập hàng rào chặn đường không cho xe cộ lưu thông, dẫn đến những xáo trộn xã hội không đáng có, sai lệnh của Thủ tướng.
Để đối phó với dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và tận dụng “thời gian vàng” khống chế dịch, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 15, 16 về các biện pháp phòng chống dịch, trong đó yêu cầu cách ly xã hội.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, không phải “ngăn sông cấm chợ”, chưa phải phong tỏa xã hội.
Dùng bê tông ngăn đường, cản trở việc đi lại của người dân. Ảnh: CTV
Trả lời báo chí hôm 2-4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người Phát ngôn của Chính phủ, cho biết liên quan đến Chỉ thị 16 của Thủ tướng, nhiều địa phương đã nhanh chóng ban hành văn bản chỉ đạo để triển khai thực hiện nhưng có một số địa phương hiểu chưa đúng, thực hiện sai tinh thần chỉ đạo.
Theo phản ánh của người dân, Hải Phòng, Hải Dương yêu cầu phong tỏa, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào, chỉ cho xe chở người thực thi công vụ, đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp vào tỉnh, thành phố. Một số địa phương như Quảng Ninh, Thái Bình xuất hiện tình trạng người dân đổ đất, lập hàng rào ở một số tuyến đường để không cho xe cộ lưu thông.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết việc đi lại của người dân từ nơi này sang nơi khác là không cấm nhưng khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà. Các địa phương dùng biện pháp ngăn người và phương tiện ra vào địa bàn theo hướng “ngăn sông cấm chợ” là không đúng, hiểu sai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. “Các địa phương có thể lập chốt kiểm soát người và phương tiện ra vào, yêu cầu khai báo y tế, nhưng không được cấm việc đi lại của người dân”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trả lời báo chí.
Đọc kỹ Chỉ thị 16, về các biện pháp thực hiện cách ly xã hội, thực sự nếu không có hướng dẫn cụ thể thì một số địa phương hiểu sai cũng có thể hiểu được, vì thiếu hướng dẫn cụ thể.
Lấy ví dụ như biện pháp thứ 4: “Bộ Giao thông Vận tải, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng. Hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất”.
Vậy nên hiểu thế nào là “cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng”? “Cơ bản” có nghĩa là cấm tuyệt đối hay vẫn cho một số phương tiện hoạt động?
Hoặc yêu cầu “dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác” nên hiểu như thế nào? Trong khi tỉnh Quảng Nam yêu cầu cách ly tất cả người từ TP HCM, Hà Nội (vùng dịch) đến Quảng Nam từ ngày 1-4 đến 15-4, yêu cầu đó đúng hay sai? Vậy người từ TP HCM, Hà Nội và các địa phương có dịch khác đến tỉnh thành khác có bị cách ly?
Trong khi đó Sở Y tế TP HCM cũng ban hành quy định người đến TP HCM từ các tỉnh thành có dịch của Việt Nam cũng phải cách ly tập trung. Vậy mấy ngày qua TP HCM có cách ly lượng khách vào TP HCM? Nên nhớ rằng hàng ngày vẫn có 2 đoàn tàu hỏa chạy tuyến Bắc – Nam, một số đường bay nội địa Hà Nội – TP HCM – Đà Nẵng vẫn hoạt động, với hàng ngàn khách.
Nhà ga sân bay Tân Sơn nhất vắng tanh. Ảnh: ACV
Trước việc các địa phương có thể hiểu nhiều nội dung trong Chỉ thị 16 một cách khác nhau, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đã trao đổi với các địa phương, đề nghị thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 16.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Văn phòng Chính phủ cũng sẽ có văn bản cụ thể để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16. Điều này là rất cần thiết, mà lẽ ra phải có hướng dẫn cụ thể trước khi công bố lệnh cách ly xã hội.
Hoặc lẽ ra, rất cần thiết tổ chức một cuộc họp báo để công bố lệnh cách ly xã hội, kèm theo đó là thông tin chi tiết các yêu cầu cụ thể trong việc thực hiện cách ly. Nếu làm được như vậy, chắc chắn những xáo trộn xã hội đã không xảy ra!
Theo Người lao động Tin trong nước , Xã hội , Y tế
No comments:
Post a Comment