Cập nhật tin tức nóng hổi

Phở của người Hà Nội và sự "giải thoát" của chúng ta

Trong tác phẩm Miếng ngon Hà Nội, Vũ Bằng đã viết về món phở một cách chân thực mà cũng đầy tinh tế. Phần mở đầu có đoạn: “Phở bò – Món quà căn bản. Sao lại là quà căn bản?

Vâng, chính thế; người ta có thể nói rằng người Việt Nam có thể không ăn bánh bao, bánh bẻ, có thể không ăn mằn thắn hay mì, có thể không ăn xôi lúa, nhưng chắc chắn là ai cũng đã từng ăn phở.

Rẻ lắm. Theo giá trị của đồng bạc bây giờ năm đồng một bát phở, mà ba đồng cũng được một bát phở ngon như thường.
Phở của người Hà Nội và sự "giải thoát" của chúng ta
Vì thế, từ cô bán hàng trong một cửa hiệu buôn cho đến một ông công chức, từ một bà mệnh phụ nhà có cửa võng sơn son thiếp vàng, đến một người thợ vắt mũi không đủ nuôi miệng, ai cũng ăn bát phở. Ngon miệng thì ăn hai, riêng tôi thì tôi đã từng thấy có người điểm tâm buổi sáng tới ba bát liền, mỗi bát tám đồng, vị chi hai mươi bốn, hai mươi nhăm đồng bạc.

Thật thế, phở đối với một hạng người, không còn là một món ăn nữa, mà là một thứ nghiện như nghiện thuốc lào, thuốc lá, trà tươi, thuốc phiện”.

Sau những ngày cách ly xã hội vì dịch COVID-19, người Hà Nội bắt đầu buổi sáng bằng từ khoá “phở”. Nhiều người chọn đi ăn phở là việc làm đầu tiên sau cách ly. Nhiều người thậm chí còn chiêu đãi nhau ăn phở như một cuộc hẹn hò quý giá trong ngày đầu tiên đến công sở.

Một câu hỏi được đặt ra, tại sao lại là phở chứ không phải bất kỳ món ăn nào khác ? Cứ như cách mà Vũ Bằng miêu tả thì đó là món mà bất cứ ai cũng có thể ăn. Đó là thứ quà tinh tế của Hà Nội, thứ quà mà toàn xã hội đều có thể tự thưởng cho mình sau những ngày hạn chế tiếp xúc. Phở vì thế mang một ý nghĩa tượng trưng lớn trong một khoảng khắc đặc biệt.

Với những người lao động, phải bắt đầu ngày mới trong buổi sáng mưa rét 23.4, phở là món quà chan đầy đủ giá trị về vật chất và tinh thần. Như Vũ Bằng miêu tả thì: “Nhất là về mùa rét, có gió bấc thổi hiu hiu, mà thấy người ta ăn phở như thế, thì chính mình đứng ở ngoài cũng thấy ấm áp ngon lành. Có ai lại đừng vào ăn cho được...”.

Cái rét muộn tháng 4 của Hà Nội như thể chiều lòng người, như để bù đắp cho những ngày tháng mà người dân Thủ đô phải bấm bụng ngồi nhà những buổi sáng trong veo. Hôm nay, phở - thứ quà mà tưởng như quá đỗi bình dị suốt cả thế kỷ qua đóng một “sứ mệnh lịch sử” không thể ý nghĩa hơn trên mảnh đất ngàn năm văn vật.

Vũ Bằng nói về khách của phở phải là: “Người ăn phở muốn cho thật đúng cung cách, phải thăm dò, phải điều tra, phải thí nghiệm kỹ càng rồi mới ăn mà một khi đã chịu giọng rồi, ta có thể tin chắc rằng người đó sẽ là một người khách trung thành, cũng như một người đàn ông nghệ sĩ trung thành với hơi hướng của một người yêu, cũng như một người chồng mê vợ vì người vợ đã có tài làm một hai món khéo, ăn vào hợp giọng”.

Nhưng hôm nay, người Hà Nội ăn phở bởi đơn giản, họ được trở lại cuộc sống thường nhật sau những ngày cách ly xã hội. Được ăn phở nghĩa là nuốt trọn niềm vui sau những ngày tháng "kiêng khem". Những quán phở lần lượt nhóm lò như cởi bỏ cánh cửa của thành phố vốn đã đóng quá lâu. Ăn phở giống như một sự giải thoát khẩu vị, thế nhưng nó lại là một cuộc "giải thoát" thực sự cho người Hà Nội sau những ngày phải khép cửa cuộc sống.

Cuộc sống bắt đầu trở lại bằng món phở quen thuộc. Nhưng phía trước chúng ta, vẫn còn cuộc chiến chống COVID. Mong rằng, những quán phở sẽ không bao giờ phải để người ta nhớ nhung da diết như đã từng.
---
Page Nhà Báo Điều Tra, nhà báo Đăng Huỳnh/ Báo Lao Động ,

No comments:

Post a Comment