Hôm rồi, ngồi trà dư tửu hậu với một anh bạn thân, cũng là người có chức sắc trong Công ty Xăng dầu hàng không. Tôi tò mò “ Bamboo vừa bay năm đầu đã lãi 300 tỷ đồng, sao vẫn bị ACV tố lên Bộ Giao thông nhờ đòi nợ?”
Anh cười khẩy bảo tôi rằng, em không biết thực hư thế nào nhưng cái hồi vừa bay được có hơn 1 quí, họ đã nợ đầm đìa tiền xăng mua bên em. Nợ đến mức bọn em không chịu nổi nên tuyên bố đơn phương huỷ hợp đồng vì họ vi phạm. Thế rồi loanh quanh thế nào đó, họ lại kiếm được chỗ khác mời chào. Nhưng không được mấy nả, họ lại quay về bên này xin khắc phục và được tiếp tục mua. Bên này, là doanh nghiệp cho nên cũng cần có khách hàng.
Nhưng rút kinh nghiệm lần ký trước, nhiều điều ràng buộc chặt chẽ hơn trong hợp đồng mới đã thêm vào phòng khi chỉ một thời gian rồi họ lại nợ tiếp thì lấy đâu ra lãi, nhưng họ vẫn nợ...
Đến đây, tôi giật mình khi nghĩ đến tương lai Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết?
Tôi vừa đọc báo thấy ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC và Chủ tịch Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros vừa bán 53,8 triệu cổ phiếu của FLC Farros (mã cổ phiếu là Ros). Tuy giá mỗi cổ phiếu là 4.100 đồng, chưa bằng một cốc trà đá nhưng ông Quyết cũng thu về 220 tỷ đồng. Sau lần bán này, tổng giá tri cổ phiếu của ông Quyết ở Ros chỉ còn chưa đến 1.000 tỷ đồng.
Vậy mà, năm 2016, sự điên loạn như hầu đồng mang tên Ros trên sàn chứng khoán VN đã đưa ông Quyết lên hàng người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Thời điểm đó, khối tài sản của ông chủ FLC vào khoảng hơn 34.000 tỉ đồng đến từ 289,6 triệu cổ phiếu ROS (tương đương 67,34% cổ phần) và 114,2 triệu cổ phiếu FLC (tương đương 17,9% cổ phần). Ông Quyết trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán, vượt qua ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup. Chênh lệch giữa 2 người giàu nhất Việt Nam khi đó chưa tới 2.000 tỉ đồng.
Nhưng giờ, Farros đã về giá trị thực của nó. Cổ phiếu họ FLC cũng bị liệt vào nhóm cổ phiếu trà đá (trừ một mã cổ phiếu đang được thổi như bong bóng). Vậy mà ông Quyết vẫn phải bán tống bán tháo. Điều đó nói lên điều gì?
Trước tiên, là cổ phiếu dù có thổi cách nào thì cũng phải sớm bị trả về đúng với giá trị căn bản của doanh nghiệp.
Thứ đến là ông Quyết đang thiếu tiền, đang cần tiền để trả núi nợ từ khắp các nguồn. Và những thông tin tôi nhận được liên quan đến ông Quyết toàn tin xấu. Trong khi ông Vượng cũng găp khó khăn trên khắp các lĩnh vực kinh doanh thì lại rất nhiều tin tích cực, truyền cảm hứng.
Thứ nữa là tương lai của Bamboo, thương hiệu mà tôi kỳ vọng sẽ ra sao?
Riêng Bamboo là tiền nợ dịch vụ mặt đất hơn 200 tỷ đồng của ACV; hàng trăm tỷ tiền nợ xăng dầu hàng không; nợ tiền thuê máy bay; tiền môi giới phi công, tiền lương nhân viên… Các nguồn cứu trợ từ FLC găp khó khăn. Máy bay nằm đất thế này thì nguồn tiền ở đâu mà trả. Đến ông lớn Vietnam Airlines còn đang kêu lỗ 20.000 tỷ đồng trong năm nay và hiện đang thiếu nguồn tiền 15000.-17.000 tỷ đồng để hoạt động.
Bamboo thời gian qua đã cố xây dựng một hình ảnh đẹp đẽ. Nếu ai đi hãng này thì đều khen mà bây giờ thì thật tội cho ông ấy, khi dịch bệnh ùa về làm cả ngành hàng không khốn đốn chung, chẳng riêng một mình ông. Nhưng dịch dã thế này, ông chủ nợ đầm đìa, bất động sản, “rì - zot” nghỉ dưỡng chắc cũng đóng cửa. Ốc không lo nổi mình ốc thì liệu Bamboo có trụ được sau đợt dịch này? Đối tác có tiếp tục cho ông nợ nữa không? Liệu Hainan Airlines sẽ bơm tiền vào cứu không? Nghĩ cũng tội cho ông!
Hiệu Sinh Kỳ/ NBĐT theo nhà báo Quốc Phong, nguyên TTK tòa soạn báo Thanh Niên Kinh tế , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment