Cập nhật tin tức nóng hổi

Khoa học pháp lý hình sự từ vụ án Hồ Duy Hải: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn

Vụ án Hồ Duy Hải, đã tạm kết thúc với phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa Tối cao trong Phiên tòa Giám đốc thẩm, là bác kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát Tối cao, nghĩa rằng y án tử hình, như Bản án sơ thẩm, phúc thẩm đã tuyên trước đây!
Khoa học pháp lý hình sự từ vụ án Hồ Duy Hải: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn
Phán quyết của Tòa án, đã gây ra nhiều tranh luận trái chiều. Phải công nhận, hiếm có Vụ án nào lại có thể thu hút dư luận, cũng như ý kiến của các Nhà chuyên môn như vậy. Và để cho Bà con, có thể đánh giá được tốt hơn, các vấn đề Về vụ án, mà Bà con đọc được trên báo chí, các trang mạng - Bài viết này, Tác giả sẽ viện dẫn, phân tích một số vấn đề về Luật định, cũng như Khoa học pháp lý hình sự có liên quan, để Bà con tham khảo.

Trên cơ sở đó, cũng giống như các Bài viết khác trên trang này, mục đích và tôn chỉ Bài viết này, chỉ nhằm cung cấp các kiến thức pháp lý hình sự cho Bà con, để thông qua đó, Bà con sẽ có cái nhìn khách quan hơn vụ việc - Nôm na, là để khi đọc các bài báo, Bà con, có thể biết Họ viết đúng hay sai. Chính vì vậy, những vấn đề khác về Vụ án, những lời đồn đại, những thuyết âm mưu khác - Tác giả xin phép không có ý kiến. Và cũng mong, Bà con khi đọc Bài viết này, nếu có ý kiến, cũng trên cơ sở khoa học, cố gắng hạn chế công kích hoặc bức xúc thái quá đến bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào khác.

I. Quy trình tố tụng một vụ án hình sự

Nếu như một Vụ án dân sự, là khi có tranh chấp, Bà con kiện thẳng trực tiếp ra Tòa án - Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết từ đầu đến cuối cả Vụ án. Thì trong Vụ án hình sự, lại phức tạp hơn rất nhiều, có sự tham gia của nhiều cơ quan. Theo đó, sẽ trải qua các giai đoạn theo đúng tuần tự sau đây:

1. Giai đoạn điều tra: Khi có dấu hiệu tội phạm, Cơ quan điều tra của Công an sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, và tiến hành điều tra, để xác định ai là hung thủ. Khi xác định được nghi can, sẽ ra quyết định khởi tố bị can. Quá trình điều tra, tùy thuộc vào loại tội phạm, mà thời gian điều tra có thể khác nhau: 4 tháng, 8 tháng, 16 tháng, 24 tháng. Đó là chưa kể trường hợp điều trai lại, điều tra bổ sung, phục hồi điều tra. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra có thể đình chỉ điều tra với Bị can nào đó, khi xác định họ không phải Tội phạm. Vụ án hình sự đối với họ, xem như kết thúc tại đây.

Trường hợp xác định có tội phạm, xác định được thủ phạm, cơ quan điều tra sẽ ra kết luận điều tra, trong đó xác định ai là tội phạm, phạm tội gì, và chuyển sang cho Viện kiểm sát để đề nghị truy tố.

2. Giai đoạn truy tố: Sau khi nhận bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát sẽ nghiên cứu hồ sơ Vụ án. Nếu xác định việc điều tra còn thiếu sót, Viện sẽ trả ngược lại hồ sơ yêu cầu điều tra lại. Còn nếu Viện xác định là việc điều tra sai, nghĩa rằng Bị can không phải là hung thủ, thì Viện sẽ đình chỉ điều tra Bị can. Vụ án hình sự đối với họ, xem như kết thúc tại đây.

Trường hợp xác định có tội phạm, xác định được thủ phạm, nghĩa rằng cơ quan điều tra đúng. Viện sẽ ra cáo trạng, truy tố Bị can ra Tòa án. Chuyển hồ sơ cho Tòa án để xét xử. Như vậy, trong Vụ án hình sự, vai trò và thẩm quyền của Viện kiểm sát là vô cùng to lớn. Nếu Viện không truy tố, thì Tòa không bao giờ có thẩm quyền xét xử.

3. Giai đoạn xét xử Sơ thẩm: Sau khi nhận được Cáo trạng của Viện. Tòa sẽ xem xét hồ sơ. Nếu thấy cáo trạng còn thiếu sót, chưa đúng, Tòa sẽ trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại. Trường hợp tòa thấy việc điều tra đã đúng quy trình, sẽ tiến hành xét xử: Tuyên án có tội hoặc vô tội. Bản án sơ thẩm không có hiệu lực ngay, mà có thể bị Bị cáo kháng cáo hoặc Viện kháng nghị.

4. Giai đoạn xét xử phúc thẩm: Bản án sơ thẩm bị kháng cáo hoặc kháng nghị, thì phải tiến hành xét xử phúc thẩm.Tòa phúc thẩm có thể tuyên y án sơ thẩm, cũng có thể hủy án sơ thẩm, hoặc sửa án sơ thẩm. Bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay. Thông thường, Vụ án sẽ kết thúc tại đây, khi Tòa y án sơ thẩm hoặc sửa án sơ thẩm. Còn nếu hủy án để xét xử hoặc điều tra lại, thì lại quay lại từ đầu.

5. Giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm: Đây không phải là giai đoạn đương nhiên như các giai đoạn trước. Thông thường, Bản án phúc thẩm vừa nêu là có hiệu lực ngay. Cho nên giai đoạn Giám đốc thẩm, tái thẩm là giai đoạn đặc biệt: Là thủ tục xem xét lại Bản án đã có hiệu lực pháp luật trước đó, khi nhận thấy có vi phạm nghiêm trọng về pháp luật, hoặc phát hiện được tình tiết mới có ảnh hưởng làm thay đổi bản chất vụ án, và có kháng nghị của Viện hoặc của Tòa yêu cầu xem xét lại. Như vậy, không phải Vụ án nào cũng có giai đoạn này, mà chỉ có khi Vụ án có vi phạm nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới. Khi xét xử, Tòa giám đốc thẩm có quyền y án hoặc hủy án. Vụ án Hồ Duy Hải, đang tạm kết thúc ở giai đoạn này. Khi Hội đồng giám đốc thẩm Tòa tối cao, đã bác kháng nghị của Viện.

6. Giai đoạn xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán Tối cao: Đây là giai đoạn đặc biệt của đặc biệt. Rất hiếm xảy ra. Sau khi kết thúc giai đoạn 5 vừa nêu. Nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban tư pháp của Quốc hội yêu cầu xem xét lại hoặc Viện trưởng viện Tối cao vẫn có kiến nghị, thì Hội đồng toàn thể thẩm phán Tòa án tối cao, sẽ xem xét lại quyết định Giám đốc thẩm, tái thẩm đã tuyên. Khi đó Hội đồng cũng có quyền y án hoặc hủy án. Vụ án Hồ Duy Hải còn chưa có giai đoạn này. Nhưng Lưu ý là không đương nhiên sẽ có, nếu như mấy cơ quan vừa nêu không có ý kiến gì. Nhưng cũng có nghĩa là còn cửa để hi vọng.

II. Nguyên tắc suy đoán vô tội và thuyết nghi ngờ hợp lý

1. Trong tố tụng hình sự có một nguyên tắc tối thượng đó là nguyên tắc suy đoán vô tội, được luật quy định rất rõ ràng: Khác với dân sự - Trong hình sự, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan có thẩm quyền. Bị can, bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội. Và khi không đủ chứng cứ buộc tội thì phải tuyên vô tội.

2. Thuyết nghi ngờ hợp lý: Trong khoa học điều tra hình sự, có những tội phạm xảy ra, không để lại dấu vết gì. Và thường phải điều tra theo thủ tục truy xét - Đây là câu điều tra viên, Vụ Hồ Duy Hải trả lời Toàn án.

Về khoa học pháp lý hình sự - Truy xét, tức là dựa trên những chứng cứ gián tiếp ban đầu, xác định nghi can, sau đó tiến hành thẩm vấn, đấu tranh, để cho Nghi can nhận tội hoặc để lộ mâu thuẩn. Sau đó mới củng cố hồ sơ để chứng minh tội phạm. Tuy nhiên, điều tra theo kiểu truy xét, phải là Vụ án mà hung thủ không để lại bất kì dấu vết gì tại hiện trường, hung khí gây án đã bị phi tang - Hiểu nôm na, hung thủ là sát thủ chuyên nghiệp, đã xóa hết dấu vết hiện trường. Ví dụ vụ án giết Người xong đốt xác luôn, khi phát hiện thì không biết hiện trường gây án ở đâu, nạn nhân là ai ..... Còn Vụ án của Hải, hiện trường còn khá đầy đủ, nạn nhân rõ ràng, hung khí gây án còn đó cả, thậm chí có cả vết máu, thì việc Điều tra theo truy xét là chưa hợp lý.

Hơn nữa, dù dựa trên thuyết nghi ngờ hợp lý, để truy xét. Nhưng cuối cùng khi chứng minh tội phạm, phải là bằng chứng cứ trực tiếp, Ví dụ tìm được nơi cất dấu hung khí, hoặc các dấu vết trực tiếp liên quan khác...... Còn truy xét, để rồi vẫn chỉ dựa vào chứng cứ gián tiếp là không ổn. Nói cách khác là chứng cứ buộc tội không vững chắc và lúc này buộc phải áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội.

III. Các thuộc tính của chứng cứ

Trong Vụ án hình sự, chứng cứ phải đảm bảo có 03 thuộc tính:

1. Tính hợp pháp: Nghĩa rằng chứng cứ phải được thu thập một cách hợp pháp. Do đó những gì có thật, nhưng không được thu thập theo đúng trình tự luật định, thì không được xem là chứng cứ.

2. Tính khách quan: Nghĩa rằng chứng cứ tồn tại một cách khách quan, mà không phải do ngụy tạo. Những lời khai chỉ được coi là chứng cứ nếu nó phản ánh đúng sự thật khách quan.

3. Tính liên qua: Nghĩa rằng, chứng cứ phải có liên quan đến Vụ án đó.

Như vậy, nếu không đáp ứng được đầy đủ các yếu tố trên thì không phải là chứng cứ. Đương nhiên là như vậy.

Trong Vụ án Hồ Duy Hải: Chúng ta thấy nhắc nhiều đến chi tiết con dao, cái thớt mua ở chợ. Và dư luận phẫn nộ nhất ở chi tiết này. Và đây là một chi tiết liên quan đến chuyên môn rất nhiều. Nên Chúng ta sẽ phân tích từng chi tiết sau:

Thứ nhất, con dao, cái thớt này đương nhiên không được xem là chứng cứ. Tòa án cũng nói vậy. Và nhấn mạnh, đây chỉ là vật mô phỏng chứng cứ.

Thứ hai, đúng là trong thực tế có nhiều Vụ án (Tôi không nói Vụ Hồ Duy Hải), mà hung thủ là sát thủ chuyên nghiệp, sau khi gây án, đã phi tang, tiêu hủy hung khí gây án, nên không thể nào tìm được, lúc này buộc phải mô phỏng cho hung thủ nhận dạng, để kết hợp với chứng cứ khác. Như vậy, việc mô phỏng chứng cứ có thể phải áp dụng trong những trường hợp nhất định.

Tuy nhiên, trong Vụ Hồ Duy Hải, việc áp dụng mô phỏng chứng cứ là chưa hợp lý. Vì 02 lý do:

Một là - Hung thủ không hề phi tang chứng cứ, mà chứng cứ là hung khí vẫn có tại hiện trường, nhưng đã không được thu thập.

Hai là - Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, khi mô phỏng chứng cứ thì cơ quan điều tra phải đưa ra ít nhất 03 đồ vật cùng loại để nghi can nhận dạng: Ví dụ phải mua 03 dao, 03 thớt để Hải nhận dạng xem có trùng khớp không. Còn việc chỉ mua 1 dao, 1 thớt, khiến Người ta có cảm giác là hợp thức hóa.

IV. Chứng minh trong tố tụng hình sự

Dựa trên các chứng cứ, kết hợp quy định của pháp luật, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm chứng minh tội phạm. Việc chứng minh có hay không hành vi phạm tội phải dựa trên sự tổng hợp các chứng cứ trực tiếp.

Trong Vụ án Hồ Duy Hải, có rất nhiều sai sót - Điều này ai cũng thừa nhận, cho nên không bàn cãi. Vấn đề là sai sót này có ảnh hưởng đến bản chất Vụ án không?! Tòa tối cao cho rằng, không ảnh hưởng?! Nhưng rõ ràng là nó có ảnh hưởng, nếu không muốn nói là ảnh hưởng rất nghiêm trọng:

1. Việc không thu thập được hung khí gây án (Dao, thớt): Khiến không thể biết được cơ chế hình thành vết thương là như thế nào, từ đó dẫn đến việc thực nghiệm hiện trường sẽ không chính xác.

2. Việc không thu thập được hung khí gây án (Dao, thớt): Khiến không có cơ hội xác định dấu vân tay, các dấu vết khác để lại trên hung khí..... Trong khi vụ việc sẽ đơn giản vô cùng, nếu xác định được vân tay trên hung khí.

3. Việc không khám nghiệm hiện trường đúng quy định, khiến việc thu thập chứng cứ không đầy đủ. Thật khó hiểu, nếu một sát thủ nghiệp dư như Hải, vật lộn với hai nạn nhân mà lại không để lại bất kì dấu vết nào trên cơ thể nạn nhân?!

4. Theo hồ sơ, nạn nhân thứ hai đi mua trái cây về, thì bị giết ngay luôn - Vậy trái cây đã mua về, ở đâu?! Đây là tình tiết đắt giá để xác định thời điểm nạn nhân tử vong? Như nhiều chuyên gia đã nhận định. Nhưng cũng không tìm thấy. Vậy khả năng đặt ra là: Nạn nhân đã ăn, nếu nạn nhân đã ăn, thì việc nói rằng đi mua trái cây về và bị giết ngay là sai?! Còn nếu bị giết ngay, nghĩa là chưa kịp ăn, mà chưa kịp ăn thì trái cây đâu?! Việc suy đoán hung thủ lấy đi, không được chấp nhận, vì như vậy là suy diễn bất lợi cho Bị cáo?!

5. Việc khám nghiệm tử thi, phải xác định thức ăn trong dạ dày, từ đó xác định thời điểm tử vong?! Thời điểm tử vong, liên quan đến bằng chứng ngoại phạm, việc xác định sai thời điểm tử vong, sẽ dẫn đến sai bằng chứng ngoại phạm. Ngoài ra vết máu cũng không được giám định, và nhiều chi tiết khác.......

Như vậy, Chúng ta có thể thấy rằng, những sai sót là rất nghiêm trọng, có ảnh hưởng đến kết luận Vụ án. Ở đây - Chúng ta không dám chắc Hải có oan, có vô tội hay không?! Nhưng với những sai lầm như vậy, Người ta có quyền nghi ngờ hợp lý rằng: Bản án được tuyên không thực sự có căn cứ vững chắc. Thêm nữa việc rút khỏi hồ sơ nhiều tình tiết quan trọng, cùng với việc không khai thác, làm rõ những nghi vấn khác, khiến Người ta có quyền đặt vấn đề về tính chính xác của Bản án đã tuyên./.

Theo Luật Sư Đặng Bá Kỹ , ,

No comments:

Post a Comment