Cập nhật tin tức nóng hổi

Nói thẳng: 'Tượng đài tiền tỷ chẳng thể giúp dân thêm ấm no', chỉ làm dân nghèo đí

"Dùng 14 tỷ để xây tượng đài thì rất khó thuyết phục dư luận, chưa nói đến công trình có thật sự xuất phát từ nguyện vọng của dân hay không"

Câu chuyện huyện nghèo Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam đầu tư xây dựng tượng đài 14 tỷ nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự không đồng tình dù địa phương giải thích nguồn vốn xây dựng công trình được lấy từ ngân sách tiết kiệm của huyện, mỗi năm phân bổ vài tỷ đồng để xây dựng từng hạng mục.
Nói thẳng: 'Tượng đài tiền tỷ chẳng thể giúp dân thêm ấm no', chỉ làm dân nghèo đí
Phước Sơn hiện nằm trong 56 huyện nghèo của cả nước được hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 30a của Chính phủ.

Chưa thực sự "tiêu tiền có trách nhiệm"

Chia sẻ với đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) nhấn mạnh quan điểm với các địa phương, đặc biệt nơi còn khó khăn, cần ưu tiên sử dụng nguồn lực phù hợp. Việc làm tượng đài hay một công trình nào đó để ghi lại dấu tích lịch sử là một cách tôn vinh lịch sử, nhưng phải làm sao cho hợp lý.

Với một huyện nghèo, đang hưởng trợ cấp, làm tượng quá khả năng cân đối ngân sách của địa phương sẽ ảnh hưởng đến nguồn chi cho các việc khác.

“Nếu cần ghi lại lịch sử thì có thể làm một tấm bia hay cột mốc. Danh nhân, vĩ nhân trên thế giới đâu phải ai cũng có tượng đài”, ông Sinh nói và nhấn mạnh “tượng đài trong lòng dân là quan trọng nhất”.

Với một nơi như huyện Phước Sơn, dân còn khó khăn thì "tượng đài ghi trong lòng dân" chính là sự cố gắng của chính quyền địa phương để giúp dân thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Lý giải về tình trạng trước đây, nhiều địa phương khác từng đề xuất xây dựng tượng đài hoành tráng, vị đại biểu tỉnh Hoà Bình chia sẻ có lẽ là “bệnh”: Bệnh tư duy nhiệm kỳ, bệnh thành tích, bệnh hình thức.

Ở khía cạnh khác, ông Sinh cho rằng nhận thức và trách nhiệm của cấp chính quyền chưa thực sự lấy dân làm gốc, chưa thực sự lấy điều kiện, sự phát triển của địa phương làm tiền đề để quyết định vấn đề lớn.

“Cách tiêu tiền như vậy là không thực sự có trách nhiệm. Tiền của dân, làm vì dân thì tiêu tiền phải phục vụ cho lợi ích của dân. Trong điều kiện dân còn nghèo, nhu cầu, nguyện vọng của họ không phải xây tượng đài đâu”, ông Sinh nói.

Dù nguồn tiền xây tượng đài được lấy từ đâu, đại biểu cho rằng không thay đổi được bản chất câu chuyện Phước Sơn là huyện nghèo, không đủ tiền nên Trung ương phải trợ cấp để chăm lo cho dân. Nếu nói tiền xây tượng đài từ ngân sách địa phương, thì tại sao không lấy tiền đó lo cho dân? Kể cả với nguồn tiền xã hội hoá, ông Sinh cho rằng đó cũng là nguồn lực của đất nước, của xã hội nên phải tính toán.

“Trào lưu này phải phê phán, không thể để tình trạng loạn biểu tượng, tượng đài, ngành nào, địa phương nào, bộ nào cũng muốn có”, ông Sinh nhấn mạnh.

Theo ông, người dân cần một con đường, một cây cầu, một đề án về hỗ trợ sinh kế và nhiều thứ thiết thực hơn là một tượng đài hoành tráng. 14 tỷ, với một địa phương tự cân đối được ngân sách cũng là số tiền khá lớn, huống hồ đây là một huyện nghèo. Vì vậy cần tính toán sử dụng đồng tiền cho hiệu quả, hợp lý.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nhấn mạnh phải thay đổi tư duy và cách thức tiếp cận trong sử dụng ngân sách, tài sản công của Nhà nước, xã hội để phục vụ nhiệm vụ phát triển xã hội về cả trước mắt và lâu dài ở từng địa phương.

Khó thuyết phục dư luân

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phú Yên) cho rằng việc xây dựng tượng đài dù thuộc thẩm quyền của cấp nào đều cần có sự cân nhắc, tính toán trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay. Nhất là đối với địa phương còn nhiều khó khăn, còn nhận hỗ trợ chính sách từ Trung ương thì càng phải thận trọng hơn.

“Với một huyện nghèo, 14 tỷ để xây dựng tượng đài là một số tiền lớn. Dù được chia ra theo từng giai đoạn, hạng mục, vẫn rất khó thuyết phục dư luận, chưa nói đến công trình có thật sự xuất phát từ mong muốn, nguyện vọng của nhân dân hay không”, nữ đại biểu chia sẻ.

Theo đại biểu Hiền, trước tình hình dịch bệnh khiến đời sống người dân khó khăn, kinh tế - xã hội từ thành phố lớn đến vùng sâu, vùng xa đều bị tác động tiêu cực, việc tập trung nguồn lực lo an sinh xã hội cần được ưu tiên.

“Người dân còn nghèo khó, lo miếng ăn mỗi ngày còn chưa đủ thì việc dành tiền đầu tư xây dựng công trình tượng đài với giá trị lớn chẳng thể giúp dân hạnh phúc và no ấm thêm”, bà Hiền nêu quan điểm.

Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, ông Lê Như Tiến, là người nhiều lần lên tiếng mạnh mẽ phản đối việc lãng phí trong xây dựng tượng đài hoành tráng ở các địa phương. Ông Tiến gọi đây là “hội chứng”. Và “hội chứng” này rất dễ lây lan từ địa phương này sang địa phương khác, thậm chí lan đến các bộ, các ngành, nơi nào cũng muốn xây dựng tượng đài hoành tráng.

“Chúng ta vừa mới gồng mình chống dịch Covid-19, cả nước còn rất khó khăn, chưa nói đến huyện Phước Sơn đang rất nghèo. Vì vậy, số tiền 14 tỷ nên để dành đầu tư cho cơ sở vật chất, hỗ trợ lo cho dân thay vì xây tượng đài hoành tráng”, ông Tiến góp ý.

“Địa phương nào cũng vậy, đặc biệt là nơi còn khó khăn, không nên vì chạy đua theo hội chứng tượng đài mà đánh mất đi giá trị thực. Lãnh đạo địa phương phải hết sức cân nhắc. Tôi tin khi còn khó khăn, nhân dân không bao giờ có nhu cầu về tượng đài hoành tránh”, ông Tiến nói thêm.

Ảnh: Huyện Phước Sơn xây dựng tượng đài chiến thắng Khâm Đức với kinh phí 14 tỷ trong khi còn hưởng chính sách 30a của Chính phủ. Ảnh: Thanh Đức.

Zing/Hoàng Nguyên Vũ , , ,

No comments:

Post a Comment