Cập nhật tin tức nóng hổi

Tổng kiểm soát, dừng xe kiểm tra giấy tờ: Quản lý kiểu 'giật cục'?

'Việc dừng xe mà không cần bất cứ lý do gì sẽ làm mất thời gian, gây phiền toái cho những người dân tham gia giao thông đúng luật', một công dân ở quận Ba Đình (Hà Nội) bày tỏ quan điểm.
Tổng kiểm soát, dừng xe kiểm tra giấy tờ: Quản lý kiểu 'giật cục'?
Lực lượng cảnh sát giao thông đồng loạt ra quân tổng kiểm soát, dừng xe kiểm tra giấy tờ mà không cần lỗi ban đầu

Những ngày gần đây, tại các điểm bán bảo hiểm xe máy, ô tô ở Hà Nội, lượng khách đến mua hàng bỗng tăng đột biến trước thông tin CSGT đồng loạt ra quân kiểm tra các phương tiện không cần mắc lỗi ban đầu.

Nhiều người còn thừa nhận, dù đã điều khiển phương tiện tham gia giao thông từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên đi mua bảo hiểm xe máy.

Sở dĩ có tình trạng này là do từ 15/5 đến 14/6, lực lượng CSGT trên toàn quốc sẽ ra quân tổng kiểm soát xử lý vi phạm bảo đảm trật tự an toàn giao thông - trật tự xã hội. Theo đó, lực lượng CSGT được quyền dừng các phương tiện, khám người, khám xe và kiểm tra nồng độ cồn mà không cần lý do.

Trong đợt tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, CSGT toàn quốc sẽ kiểm tra đủ 4 loại giấy tờ đối với người đi xe máy (đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc và giấy tờ tùy thân) và 5 loại đối với tài xế ô tô (đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, giấy tờ tùy thân, chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường…).

Tỏ ra không đồng tình với cách làm này của lực lượng công an, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu đoàn Hà Nội) cho rằng: Bao nhiêu năm ngành Công an không tuyên truyền, thực hiện thường xuyên để người dân có ý thức, thói quen thực hiện cho tốt. Nay tự nhiên ngày 14/5/2020 công bố báo chí ra lệnh tổng kiểm tra từ ngày 15/5/2020, không cho người dân kịp chuẩn bị thì quản lý kiểu này gọi là “giật cục”!

Bà cho biết thêm, từ năm 2008 (thời điểm Quốc hội thông qua Luật Giao thông đường bộ) đến giờ, Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt việc cải cách thủ tục hành chính, giảm mạnh hồ sơ, giấy tờ, cơ quan nhà nước phải kết nối, liên thông các thủ tục hành chính, giảm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

“Nay cơ quan công an lại yêu cầu người dân phải mang đầy đủ các loại giấy tờ tùy thân bên người thế này, liệu có còn phù hợp không? Có nhất thiết gây “giật cục”, lo lắng cho người dân như thế này không?”, đại biểu Quốc Khánh nêu vấn đề.

Dẫn chứng cũng là chỉ đạo của Chính phủ, vì sao giai đoạn chống dịch vừa qua, người dân “bị hạn chế” nhiều hoạt động nhưng “sao cả nước hoan nghênh, đồng lòng chấp hành nghiêm, còn ủng hộ, chia sẻ với khó khăn của các ngành, Trung ương và địa phương”.

Phải chăng lúc đó Chính phủ, Bộ Y tế thông tin rõ ràng, minh bạch thời điểm thực hiện để người dân kịp chuẩn bị, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Do đó, theo vị đại biểu đoàn Thành phố Hà Nội thì cách quản lý điều hành gây cuống cuồng cho người dân như thế này có lợi cho ai, có ý kiến cho rằng làm lợi cho đơn vị bán bảo hiểm.

“Rõ ràng là không ổn! Đề nghị Bộ Công an xem xét, điều chỉnh sao cho đúng chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính”, nữ đại biểu kiến nghị.

Đồng tình với quan điểm của bà Nguyễn Thị Quốc Khánh, ông Nguyễn Văn Anh (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, nhức nhối nhất hiện nay là tình trạng vi phạm luật giao thông gây tắc đường triền miên ở các thành phố lớn hiện nay.

Mặc dù việc tổng kiểm tra phương tiện giao thông lần này là hoạt động bình thường của cơ quan chức năng, giúp người dân có ý thức hơn khi tham gia giao thông; kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo an toàn giao thông là đúng chức năng, nhiệm vụ của CSGT. Tuy nhiên, xét trên những tồn tại về vi phạm giao thông hiện nay tại các thành phố lớn như: không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chuyển hướng không có tín hiệu đèn, lấn làn, hay sử dụng các chất có cồn (rượu bia) vẫn điều khiển phương tiện giao thông, đặc biệt là hành vi chống người thi hành công vụ khi bị lực lượng chức năng dừng xe… thì việc kiểm tra 4-5 loại giấy tờ trên có thực sự giải quyết được gốc rễ của những tồn tại trên?

“Tôi nghĩ chắc chắn là không. Thậm chí việc dừng xe mà không cần bất cứ lý do gì sẽ làm mất thời gian, gây phiền toái cho những người dân tham gia giao thông đúng luật”, ông Văn Anh bày tỏ.

Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tại điểm a, khoản 2, điều 21, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng.
Tại điểm b, khoản 4, điều 21 cũng quy định phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.

Theo Báo mới , ,

No comments:

Post a Comment