Một khi các nhà máy, công xưởng làm gia công cho Mỹ và các nước đồng minh dời ra khỏi Trung Quốc sau đại dịch, cái mác “công xưởng của thế giới” cũng có thể chia sẻ thêm cho nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam – một ứng cử viên nặng ký nhất vì nằm sát với Trung Quốc nên việc di dời rất thuận tiện.
Doanh nhân Lý Quí Trung, nhà sáng lập Phở 24
Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có muốn gắn cái mác này hay không?
Biệt danh “công xưởng của thế giới” gắn liền với hình ảnh công nhân giá rẻ, lấy công làm lời, không tranh giành vinh quang với các thương hiệu đình đám toàn cầu. Trung Quốc đúng ra đã làm rất tốt vai trò này để âm thầm chyển mình thành người khổng lồ trên bàn cờ kinh tế toàn cầu.
Nhật Bản và Hàn Quốc trước đó ở một khía cạnh nào đó cũng đi lên từ bước đệm làm gia công, sản xuất cho người khác, đến nay thì ai cũng biết, các thương hiệu xe hơi và vô số hàng điện tử, kim khí điện máy của họ tung hoành khắp nơi trên thế giới.
Nhưng tình hình bây giờ có khác, khi mọi thứ đều có thể thay đổi qua một đêm. Mới đó mà hàng trăm, hàng ngàn nhà máy đang làm gia công ngon lành cho Mỹ và các nước đồng minh có thể sẽ rút khỏi Trung Quốc, để lại ít nhiều khó khăn cho nền kinh tế nước này. Thế trận “công xưởng của thế giới” chưa bao giờ bị lung lay như hiện nay, hay nói một cách khác, sẽ không có một công xưởng nào trên thế giới còn an toàn cả.
Mùa đại dịch kỳ này còn cho thấy cả người mua lẫn người bán trong chuỗi cung ứng toàn cầu đều không hài lòng vì phải dựa quá nhiều vào nhau, bị mất quyền tự chủ, độc lập. Nói khác đi, chuỗi cung ứng toàn cầu tuy vẫn phải còn đó chứ không biến mất ngay được, nhưng nó đã trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Mỹ và các nước đồng minh di dời cơ ngơi mình ra khỏi Trung Quốc được thì không có lý do gì họ không di dời ra khỏi nước khác nếu “cơm không lành, canh không ngọt”.
Cho nên Việt Nam nếu có đón bắt làn sóng dịch chuyển nhà máy hay đầu tư đợt này của thế giới thì phải đón bắt một cách chọn lọc, sáng suốt.
Chúng ta một mặt không muốn gắn mác “công xưởng của thế giới” nhưng một mặt lại quá cần những công xưởng gia công mới mọc lên khắp nơi để giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết, trong đó có nguồn doanh số khổng lồ và lực lượng nhân công trẻ dồi dào. Vấn đề ở chỗ là liều lượng và chất lượng sao cho hài hoà, mục tiêu ngắn hạn và dài hạn sao cho phân biệt rõ ràng.
Lấy ngành dược phẩm của Mỹ làm ví dụ về chất lượng và tầm nhìn ngắn hạn hay dài hạn trong hai từ gia công.
Theo đó, gia công sản xuất thuốc thành phẩm tại các nhà máy ở nước ngoài là gia công rẻ – không có chất xám, còn gia công khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm R&D cũng là rẻ nhưng lại có nhiều chất xám (dĩ nhiên phải rẻ hơn ở Mỹ người ta mới gia công ngoài!).
Chính cái khâu nghiên cứu phát triển (R&D) này mới là thứ mà Việt Nam rất cần tuy nó có thể không làm ra nhiều tiền bằng các khâu sản xuất hàng loạt, số lượng lớn, nhưng khâu này mà nằm ở nước nào thì đội ngũ các nhà khoa học địa phương ở nước đó được đào tạo, phát triển. Đây mới là lực lượng giúp các doanh nghiệp nước sở tại một ngày nào đó vươn mình bước ra khỏi cái bóng nhân công giá rẻ thuần túy của công xưởng để làm thương hiệu, làm chủ chuỗi cung ứng.
Nói một cách khác, kinh tế Việt Nam trong cơ hội đón vốn đầu tư nước ngoài đợt này cần cả hai mặt trận gia công, gia công lao động tay chân và gia công lao động có trình độ khoa học, tay nghề cao sẵn sàng đón nhận những chuyển giao trí tuệ, chất xám để làm nền tảng cho sự phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn sau này.
Đừng để phần gia công nhà máy thuần tuý tập trung vào Việt Nam quá nhiều trong khi các phần gia công chất xám kia lại đổ vào các nước khác, chẳng khác nào mình đi gặm “cục xương” để người ta xơi “cục thịt” vậy! Do đó, các doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam cần quan tâm đến vấn đề này khi ngồi vào bàn thương thảo, đàm phán với các đối tác quốc tế.
Dĩ nhiên để trở thành một đối tác có thể nhận gia công khâu R&D hay các khâu liên quan nhiều đến chất xám thì đội ngũ các chuyên gia, các nhà khoa học của Việt Nam cần có sự chuẩn bị mang tính chiến lược hơn. Vai trò và tầm hoạt động của các trường đại học, các viện nghiên cứu do đó cũng phải được đặt lên đúng vị trí của nó mới có đủ sự đầu tư cả về cơ sở hạ tầng đến con người và các quy chế liên quan.
Đây là một công việc đòi hỏi nhiều công sức và dài hơi nhưng vô cùng xứng đáng nếu kinh tế nước nhà muốn thay da đổi thịt một cách bền vững. Không có chất xám thì không có tự chủ, không có thương hiệu, không có tiếng nói và mãi mãi là người bị lệ thuộc nhiều hơn trong bàn cờ kinh tế toàn cầu. Kinh tế , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment