Bộ Tư pháp Mỹ hôm thứ Hai (1/6) cho biết, Kiều Kiến Quân (Qiao Jianjun) cựu quan chức Trung Quốc tham ô chạy trốn ra nước ngoài đã bị dẫn độ từ Thụy Điển đến Los Angeles và đối mặt với cáo buộc rửa tiền và lừa đảo nhập cư của tòa án Mỹ.
Sau 9 năm lẩn trốn, tóc Kiều Kiến Quân đã bạc trắng (Ảnh:Sohu)
Theo một tuyên bố của công tố viên Khu vực Trung tâm, chính quyền Mỹ đã bắt giữ Kiều Kiến Quân vào cuối tuần qua. Quân bị nghi ngờ phạm các tội âm mưu lừa đảo nhập cư, buôn lậu quốc tế và rửa tiền
Kiều Kiến Quân (còn có tên khác là Lý Phong hay Feng Li) đã phải đối mặt với những lời buộc tội ở cả Mỹ và Trung Quốc, đã trốn thoát khỏi Trung Quốc trong gần 9 năm. Tuyên bố của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hôm thứ Hai (1/6) và bản khởi tố năm 2018 cho thấy Quân bị nghi ngờ rửa tiền hàng triệu USD trong thời gian từ năm 1998 đến 2011. Ông ta bị cáo buộc đã sử dụng khoản tiền này để mua hai ngôi nhà tại Monterey Park, bang California.
Tuyên bố nói, Kiều Kiến Quân trong các năm từ 1998 đến 2011 đã thông qua các ngân hàng ở Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Singapore để rửa số tiền nhiều triệu USD và mua hai ngôi nhà nói trên.
Quân đã trốn sang sống ở Thụy Điển từ năm 2013 và bắt đầu xin tị nạn hồi tháng 3/2020. Phía Mỹ đã khởi tố Quân về tội rửa tiền và gian lận nhập cư vào năm 2015. Ông ta bị nghi ngờ làm tài liệu giả và nộp đơn xin nhập cư theo diện đầu tư EB-5 để xin visa Mỹ.
Kiều Kiến Quân khi còn tại chức (Ảnh: Sina)
Vào tháng 1/2017, vợ cũ của Kiều Kiến Quân là Triệu Thế Lan (Zhao Shilan) thừa nhận tại Tòa án Liên bang ở Los Angeles rằng, đã trốn sang Mỹ với số tiền đánh cắp được và lừa đảo các quan chức nhập cư Hoa Kỳ; các bất động sản của bà ta ở Mỹ sẽ bị tịch thu sung công, với tổng giá trị ước tính là 28 triệu USD. Công tố viên Hoa Kỳ xác nhận rằng hầu hết bất động sản và đất đai của bà ta được biết là được mua bằng tiền tham ô trong nước Trung Quốc của Kiều Kiến Quân. Hai người đã làm thủ tục ly hôn năm 2001.
Vào ngày 9/7/2019, sau khi bắt giữ Quân, chính phủ Thụy Điển chính thức từ chối yêu cầu của Bắc Kinh dẫn độ ông ta về Trung Quốc. Tòa án tối cao Thụy Điển cho biết cùng ngày: vì tình trạng tư pháp và nhân quyền kinh hoàng ở Trung Quốc, tòa án tin rằng nếu Kiều Kiến Quân được đưa trở lại Trung Quốc đại lục, ông ta có khả năng bị bức hại vì các hoạt động chính trị của mình, vi phạm “Công ước châu Âu” đã ký giữa các nước châu Âu với nhau.
Kiều Kiến Quân là một tội phạm của Trung Quốc, đứng thứ ba trong danh sách 100 tội phạm bị truy nã Đỏ, từng là giám đốc một kho lương thực của Cục Dự trữ Lương thức Trung Quốc tại Chu Khẩu, Hà Nam. Theo thông báo của Trung Quốc, Quân đã bỏ trốn ra nước ngoài vào tháng 11/2011 mang theo hơn 300 triệu Nhân dân tệ (hơn 1.000 tỷ VND).
Triệu Thế Lan, vợ cũ của Kiều Kiến Quân bị đưa ra tòa xét xử năm 2015 và nhận mức án 25 năm tù (Ảnh: Apolo).
Tòa án Thụy Điển năm ngoái đã ra phán quyết rằng, mặc dù Kiều Kiến Quân có thể đã phạm tội ở Trung Quốc, nhưng họ quyết định không dẫn độ ông trở lại Trung Quốc “do hệ thống tư pháp tồi tệ của Trung Quốc”. Họ nói: “Tòa án đã phát hiện chế độ tư pháp và tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc rất kinh khủng, chí ít không thể được tòa án Thụy Điển chấp nhận”. Henrik Olsson Lilja, luật sư của Kiều Kiến Quân, khi đó đã nói: “Thụy Điển sẽ không dẫn độ (Kiều Kiến Quân trở về Trung Quốc) và Trung Quốc không thể kháng cáo quyết định này”. Được biết không có hiệp ước dẫn độ nào được ký giữa Trung Quốc và Thụy Điển.
Kiều Kiến Quân sẽ được xét xử tại Los Angeles vào chiều thứ Hai (1/6) theo giờ Washington. Nếu các tội danh nêu ở trên đây được thành lập, ông ta sẽ phải đối diện với mức án cao nhất là 55 năm tù.
Theo tư liệu của phía Trung Quốc, Kiều Kiến Quân sinh năm 1963, người Hà Nam, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, từng giữ chức Giám đốc kho Chu Khẩu, Hà Nam trực thuộc Cục Dự trữ lương thực quốc gia. Năm 2008 vợ cũ của Quân là Triệu Thế Lan xin visa nhập cư Mỹ, lợi dụng tài liệu giả để di cư theo diện đầu tư di dân EB-5. Ngày 20/10/2019, Lan được cấp visa di dân loại I-51, Quân được cấp theo diện phối ngẫu I-52. Tháng 11/2011, khi nghe tin bị cấp trên đưa người khác về thay giữ chức, đã mang theo 300 triệu NDT tham ô được trốn sang Mỹ. Lan nói dối đầu tư 500 ngàn USD nhưng thực ra dùng số tiền này để mua một ngôi nhà ở ngoại ô Seattle.
Quân và Lan có 2 bất động sản ở Mỹ, một do Lan đứng tên. Ngoài ra, Lan còn có 1 công ty và 2 ngôi nhà ở Canada.
Kiều Kiến Quân đứng thứ 3 trong danh sách 100 tội phạm Trung Quốc bị Interpol truy nã đỏ (Ảnh: CCTV).
Tháng 4/2015, Cục hợp tác quốc tế, Bộ Công an Trung Quốc công bố Danh sách 100 tội phạm kinh tế và quan chức bỏ trốn bị truy nã Đỏ quốc tế, Kiều Kiến Quân đứng thứ ba. Tháng 11/2011, Trung Quốc đã phối hợp với Interpol truy nã quốc tế đối với Quân.
Ngày 17/3/2015, Bộ Tư pháp Mỹ nói Quân và Lan bị bắt tại Washington về tình nghi phạm tội rửa tiền. Lan bị giam tại nhà giam Seatle, không được bảo lãnh; còn Quân thì bỏ trốn, bị chính quyền Mỹ truy nã.
Ngày 27/4, Tòa án Liên bang ở Los Angeles mở phiên tòa xét xử Triệu Thế Lan, cho phép Lan nộp 400 ngàn USD để bảo lãnh. Tháng 7 cùng năm, Lan bị đưa ra tòa xét xử và bị kết án 25 năm tù, có thể bị trục xuất, cấm nhập cảnh Mỹ; nhưng do hai bên Mỹ – Trung chưa có hiệp ước dẫn độ nên Lan chưa bị đưa về Trung Quốc.
Tháng 7/2019, sau khi Thụy Điển bắt giữ Kiều Kiến Quân và tuyên bố không dẫn độ về Trung Quốc, cả người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng và Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển Quế Tùng Hữu đều lên tiếng phản đối, “hy vọng Thụy Điển nhanh chóng dẫn độ Kiều Kiến Quân về Trung Quốc, không trở thành thiên đường trốn tội của các phần tử phạm tội, giữ gìn tôn nghiêm pháp trị và công bằng chính nghĩa”.
VietTimes Chính trị , Kinh tế , Pháp luật , Tin quốc tế
No comments:
Post a Comment