Cập nhật tin tức nóng hổi

Biến chứng vì sử dụng kỹ thuật cắt đáy sẹo bừa bãi

Cắt đáy sẹo là kỹ thuật trong chăm sóc, thẩm mỹ da, nghe chừng đơn giản nhưng nếu được tiến hành bởi những người thiếu chuyên môn về chuyên ngành da liễu thì có thể gây ra các biến chứng nặng nề.

Biến chứng sẹo chồng sẹo, mặt bầm đen hoại tử

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh - Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học Y Dược - cảnh báo gần đây liên tiếp ghi nhận những ca biến chứng do thực hiện kỹ thuật cắt đáy sẹo tại các spa. Tháng vừa qua, bản thân bác sĩ Thanh trực tiếp điều trị cho ít nhất 10 trường hợp là nạn nhân của kỹ thuật này.
Biến chứng vì sử dụng kỹ thuật cắt đáy sẹo bừa bãi
Một bệnh nhân đến Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khám vì biến chứng sau khi thực hiện kỹ thuật cắt đáy sẹo ở spa

Điển hình nhất là trường hợp của bệnh nhân P.T.N. (ngụ quận Tân Bình, TPHCM). Trước đó, chị này bị mụn để lại sẹo trên mặt. Chị đã tới một spa và được tư vấn kỹ thuật cắt đáy sẹo. Nhân viên spa nói với chị N. kỹ thuật trên rất đắt tiền, họ sẽ dùng một cây kim có lưỡi dao để cắt đứt chân sẹo dưới bề mặt da, từ đó tiến hành điều trị sẹo. Chỉ riêng mỗi cây kim có lưỡi dao cắt đáy sẹo được tính giá hơn hai triệu đồng.

Sau khi cắt đáy sẹo, họ chấm axit sinh học trên sẹo nhưng lại không kiểm tra được phạm vi của sẹo cũng như xác định được từng loại sẹo. Điều này dẫn tới các vết sẹo bị bầm máu đen. Chị N. quay lại spa “mắng vốn” vì gương mặt bầm đen, sưng húp thì được bào bớt sẹo và đắp thuốc dưỡng vết thương.

Những vết thương trên mặt chị lành lại và dù hết bầm đen nhưng các vết sẹo bị mất sắc tố, để lộ cả mảng sẹo màu trắng to đùng trên hai gò má và sống mũi.

Quan sát kỹ, bác sĩ Vân Thanh nhận thấy đó là những vết sẹo cũ, sẹo mới chồng lên nhau chằng chịt.

Khi được bác sĩ thăm khám, chị N. rơi vào trạng thái tâm lý hoảng loạn, mất tự tin, đề nghị được nhanh chóng ghép da vì hiện tại chị không dám nhìn chính mình trong gương.

Phỉnh gạt khách hàng về cây kim “thần thánh”

Một trường hợp khác cũng là nạn nhân của kỹ thuật cắt đáy sẹo tại spa. Chị này tên H.T.K.D. (ngụ tại quận 10, TPHCM).

Khi chị D. đến khám, được bác sĩ Vân Thanh kết luận mặt bị biến chứng gây sẹo lan tỏa, chỉ định dùng kỹ thuật laser thì nữ bệnh nhân này tỏ ra thiếu tin tưởng. Chị D. cho rằng chỉ định điều trị của bác sĩ có vẻ lạc hậu, không cập nhật kịp với xu thế thời đại.

Chị D. khoe: “Tôi đang điều trị sẹo tại một thẩm mỹ viện. Có kỹ thuật mới gọi là cắt đáy sẹo. Họ dùng cây kim có gắn luôn lưỡi dao siêu nhỏ để cắt rời đáy sẹo rồi mới kết hợp trị liệu. Cây kim giá vài triệu đồng. Liệu trình cắt đáy sẹo phải đi lại khoảng 10 lần.

Tôi tưởng vào bệnh viện sẽ được ghép da luôn để đỡ mất thời gian nhưng bác sĩ lại cho chiếu laser, còn lạc hậu hơn cả kỹ thuật ở spa kia đang làm cho tôi”.

Nghe tới đây bác sĩ Thanh mở hộp lấy ra một chiếc kim có gắn lưỡi dao trị sẹo đưa cho bệnh nhân xem để xác nhận lại xem có đúng loại kim cắt đáy sẹo mà spa kia dùng cho chị. Khi bệnh nhân xác nhận là đúng, bác sĩ bảo chị có thể cầm về làm kỷ niệm nếu muốn.

Qua đó nói lên một điều, cây kim dùng cắt đáy sẹo kia trên thực tế rẻ tới mức có thể cho không. Vậy mà các cơ sở làm đẹp lợi dụng sự ngô nghê, thiếu hiểu biết của khách hàng, thổi lên thành một dụng cụ trị sẹo đắt đỏ nhằm “móc túi” bệnh nhân.

Sau khi được giải thích, chị D. đã vỡ lẽ, đồng ý tuân thủ điều trị.

Cần thực hiện bởi bác sĩ da liễu có kinh nghiệm về phân tách da

Kỹ thuật cắt đáy sẹo được chỉ định trong điều trị sẹo rỗ, sẹo lõm đã được ứng dụng tại Việt Nam khoảng 5 năm nay. Cắt đáy sẹo rỗ (còn gọi là bóc tách vi điểm, bóc tách sẹo rỗ) có thể hiểu là phẫu thuật cắt đứt chân sẹo bên dưới bề mặt da. Đây là một trong những phương pháp điều trị sẹo rỗ hiệu quả nhất hiện nay.

Bác sĩ sẽ sử dụng kim y khoa để đâm xuyên bề mặt da, phá vỡ các sợi liên kết với vết sẹo bên dưới (còn gọi là chân sẹo), giúp giải phóng bề mặt da ra khỏi các sợi xơ cứng bên dưới làm bề mặt da đầy lên nhanh hơn.

Cắt đáy sẹo đem lại nhiều lợi ích trong việc điều trị sẹo cho bệnh nhân. Trước tiên, phương pháp này không tốn kém nhiều. Tuy nhiên, đây lại là một kỹ thuật xâm lấn, có thể gây nhiễm trùng nếu quy trình thực hiện không đảm bảo vô khuẩn.

Người tiến hành cắt đáy sẹo đóng vai trò rất quan trọng. Nếu không có kiến thức về chuyên ngành da liễu mà chỉ là nhân viên spa, người thực hiện không thể biết cách nhận biết, phân biệt các loại sẹo khác nhau, cấu trúc giải phẫu của da, vì thế nguy cơ xảy ra biến chứng là khó tránh.

Theo bác sĩ Vân Thanh, thoạt nhìn tưởng dễ nhưng với người thiếu chuyên môn, kỹ thuật cắt đáy sẹo không hề đơn giản. Da được cấu thành từ ba lớp thượng bì, trung bì và hạ bì. Mỗi người có một nền da khác nhau, ngay cả từng nốt sẹo cũng có đặc điểm nặng nhẹ khác nhau. Phải là bác sĩ da liễu có kinh nghiệm mới biết phân tách và tác động vào lớp da nào, cường độ ra sao là vừa đủ khi cắt lớp liên kết đáy sẹo.

Bên cạnh đó, các bác sĩ còn tùy vào tình trạng của từng bệnh nhân mà quyết định kết hợp thêm một số phương pháp điều trị bổ trợ. Nếu người thực hiện kỹ thuật cắt đáy sẹo không am hiểu về phân tách da thì khi thực hiện càng khiến da tổn thương trầm trọng thêm, hậu quả là khách hàng đi chữa sẹo lại bị sẹo chồng thêm sẹo.

Ngoài ra, không phải loại sẹo nào cũng có thể dùng phương pháp cắt đáy sẹo để điều trị.

Có rất nhiều kỹ thuật điều trị sẹo

- Sẹo lõm (rỗ): Do phần hạ bì bị tổn thương, cụ thể là collagen và eslatin bị đứt gãy, không thể phục hồi ở vị trí của sẹo, dẫn đến tình trạng da bị dính vào cấu trúc sâu hơn gây ra những vết lõm trên da với nhiều kích thước khác nhau. Sẹo này không đau, ngứa nhưng lại ảnh hưởng thẩm mỹ nghiêm trọng.

Đối với sẹo rỗ, các phương pháp điều trị điển hình là: tái tạo bề mặt (lột hóa chất, mài mòn da, lăn kim), laser (bóc tách và không bóc tách), ly giải quang nhiệt vi điểm (tạo ra những tổn thương nhiệt vi thể đồng nhất ở những độ sâu khác nhau trong da, dẫn tới đáp ứng lành thương làm tăng hiệu quả tái tạo da), phẫu thuật cắt đáy sẹo, dùng chất tiêm làm đầy.

- Sẹo lồi: Hình thành bởi sự tích tụ quá mức của collagen ở lớp trung bì do mất cân bằng giữa quá trình tổng hợp và phân hủy collagen trong giai đoạn thứ ba của tiến trình liền sẹo. Sẹo lồi có thể chuyển từ màu đỏ sang màu nâu và thường có vỏ bọc; đôi khi gây ra cảm giác nhạy cảm, căng tức hoặc ngứa ngáy, khó chịu.

Để trị sẹo lồi, có các phương pháp: tiêm thuốc, dán thuốc, laser, phẫu thuật...

- Sẹo phì đại: Giống với sẹo lồi ở điểm trong giai đoạn đầu cũng phát triển to lên thành khối cứng, màu đỏ, cũng gây ngứa, đau, khó chịu cho người bệnh. Sẹo này xảy ra sau khi da bị tổn thương, thay vì để lại sẹo phẳng thì lại dày lên nhưng chỉ giới hạn đến mép của vết thương.

Sẹo phì đại cũng có hướng điều trị tương tự như sẹo lồi.

- Sẹo giãn: Có thể hiểu đơn giản đó là những vết rạn trên da dù trước đó da bạn không có tổn thương. Đôi khi người ta cũng ghi nhận sẹo giãn chuyển từ một sẹo lồi đã được điều trị ổn định hay một sẹo phì đại đã hoàn toàn thoái lui.

Sẹo giãn thường được điều trị bằng các phương pháp sau:

1. Gia tăng sản xuất collagen: dùng thuốc bôi tại chỗ, lột bằng hóa chất, bào mòn da, sóng cao tần, laser, liệu pháp lăn kim, huyết tương giảm tiểu cầu, tia hồng ngoại...

2. Giảm mạch máu nuôi: dùng laser

3. Gia tăng melamin: dùng tia UV

4. Các điều trị bổ trợ bằng dầu là các loại vitamin hữu ích chiết xuất từ thực vật, bơ, cacao, vitamin E...

Để biết chính xác mình bị loại sẹo gì, cần được điều trị bằng phương pháp nào và hạn chế tối đa các biến chứng, tác dụng phụ, bạn nên tìm đến các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ da.

THANH HUYỀN/ Báo Phụ Nữ , ,

No comments:

Post a Comment