Đảng Hành động Nhân dân Singapore là một chính đảng hết sức đặc biệt, đã nắm quyền tại Singapore trong hơn nửa thế kỷ qua, từ ngày quốc gia này được thành lập. Hiện, Đảng vẫn có uy tín rất cao, gần như tuyệt đối trong lòng dân chúng Singapore bởi năng lực lãnh đạo và sự trong sạch.
Cách chọn người tài của Đảng Hành động Nhân dân Singapore
Tại sao Đảng Hành động Nhân dân lại làm được như vậy? Một trong những lý do quan trọng là Đảng có cách tìm kiếm và sử dụng nhân tài rất đặc biệt. Với quan điểm nhân tài trị quốc, người sáng lập Đảng Lý Quang Diệu cho rằng để lãnh đạo đất nước đi tới phồn vinh cần có một nhóm tinh hoa đặc biệt gồm toàn các nhân tài. Ông phản đối những mô hình dân chủ phương Tây vì cho rằng ở Châu Á, dân chúng chưa đủ năng lực để đánh giá điều gì thật sự tốt cho đất nước. Vì thế, phải có nhóm tinh hoa cầm quyền có tài năng đặc biệt mới có năng lực đưa ra những quyết định hệ trọng cho quốc gia.
Vậy Đảng Hành động Nhân dân Singapore chọn nhóm tinh hoa này như thế nào? Trước hết, cần hiểu về tổ chức của Đảng này.
Đảng Hành động Nhân dân được tổ chức khá khá giống với các Đảng Cộng sản theo cách của Lenin với những điểm rất độc đáo.
Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương giống với Đảng Cộng sản, nhưng Singapore là quốc gia nhỏ nên Ban Chấp hành chỉ gồm 12 thành viên, do đại hội đảng hai năm họp một lần bầu ra. Giống với Đảng Cộng sản, vì là đảng cầm quyền nên các Ủy viên Trung ương đều là đại biểu Quốc hội và là Bộ trưởng. Đảng cũng có Tổng Bí thư. Tổng Bí thư đồng thời làm Thủ tướng tức người đứng đầu chính phủ. Đây là mô hình hợp nhất.
Đảng Hành động Nhân dân chú trọng chất lượng hơn là số lượng đảng viên, để đảm bảo “ít mà tinh”, phải là người thực sự có tài mới được kết nạp. Đảng viên bắt buộc phải là người tinh hoa của dân tộc. Đảng không phát triển cơ sở chi bộ theo kiểu phong trào, hô hào số lượng, mà chọn luôn những người đặc biệt xuất sắc của đất nước trên mọi lĩnh vực để mời vào Đảng. Quy trình lựa chọn này rất thực tế và chặt chẽ.
Đầu tiên, phương pháp của Lý Quang Diệu là lùng sục trên khắp Singapore để phát hiện các thủ lĩnh có năng lực thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, những người được đồng nghiệp công nhận có bộ óc thông minh và kỹ năng quản lý mạnh. Việc này được thực hiện thông qua sự giới thiệu của một số lãnh đạo nhất định của Đảng, những người công tâm và có con mắt sành sỏi. Những người được phát hiện thường có thành tựu trong thực tế và đã chứng minh được năng lực sáng tạo cũng như lãnh đạo trong thực tế.
Điểm độc đáo là những người hay phê bình Đảng với thái độ xây dựng càng được ưu tiên mời vào Đảng để thay đổi Đảng theo cách tích cực, giao ngay cho họ cương vị cao mà không tính tuổi Đảng theo kiểu “sống lâu lên lão làng”. Rất nhiều trường hợp, Đảng đi thuyết phục những người tài trong nhiều năm họ mới chịu gia nhập Đảng, sau khi họ tranh cử thành công vào Quốc hội được bổ nhiệm ngay vào các chức vụ cao trong chính quyền hoặc phụ trách các công việc quan trọng của đất nước.
Với cách cầu hiền đặc sắc như vậy, Đảng Hành động nhân dân đã thu hút hầu hết nhân tài trong xã hội, không còn cơ hội cho Đảng đối lập khác kiếm được người giỏi nữa. Ví dụ cả hai chính khách xuất sắc Goh Chok Tong và Tony Tan đều được mời vào Đảng và sau trở thành Thủ tướng và Phó Thủ tướng. Điểm hay ở đây là không phải người tài nhờ tới Đảng mới được thăng tiến, và Đảng phải đích thân đi cầu người tài về để gia tăng sức mạnh cho Đảng. Điểm hay nữa là trước khi vào Đảng họ đều đã nổi tiếng thành đạt trong xã hội rồi, chứ không cần tới việc vào Đảng để nổi tiếng và thành công. Thậm chí, đa số họ thường hay phê phán những điểm chưa được của Đảng.
Thứ hai, khi đã được mời vào Đảng, các ứng viên xuất sắc sẽ có cơ hội tham gia ứng cử vào Quốc hội. Khoảng hai năm trước cuộc bầu cử, quá trình sàng lọc nhân tài tiếp tục với nhiều vòng, ứng viên được nhiều hội đồng đánh giá phỏng vấn. Sau đó, Đảng mới chọn ra được ứng viên tham gia ứng cử quốc hội. Người này tiếp tục phải chứng minh khả năng làm việc chung với các lãnh đạo cơ sở nơi dự kiến tranh cử.
Những ứng viên đã trúng cử để trở thành nghị sĩ quốc hội lại tiếp tục trải qua quá trình sàng lọc và đánh giá để được nằm trong nhóm có khả năng giữ trọng trách lớn trong Chính quyền. Chỉ những người giỏi nhất mới được lưu ý cất nhắc vào các vị trí Thứ trưởng, Bộ trưởng. Singapore phân loại đại biểu Quốc hội thành ba nhóm rõ ràng: (1) Những người có tiềm năng trở thành Bộ trưởng hoặc thậm chí là Thủ tướng; (2) Những người có năng lực giữ các chức vụ ở cấp thứ trưởng; (3) Những người có thể trở thành đại biểu quốc hội.
Như vậy, ngay từ giai đoạn vào quốc hội này, một nhóm lãnh đạo cao nhất của Chính phủ đã hình thành cho thế hệ tiếp theo và một lãnh đạo có thể trở thành Thủ tướng cũng được chấm sẵn. Tuổi tác không phải là tiêu chí để chọn lãnh đạo cao nhất, do đó một Bộ trưởng có thể trẻ tuổi hơn cấp dưới của họ rất nhiều, hoặc có thể cao tuổi hơn. Ở Singapore, từ 35-40 có thể đã trở thành Bộ trưởng và có thể trở thành Thủ tướng trước 55 tuổi hoặc sớm hơn.
Thứ ba, việc từ nhiệm của các lãnh đạo cao cấp cũng diễn ra văn minh. Chính sách của Đảng quy định tất cả Bộ trưởng cao cấp khi tuổi đã cao đều phải tự động rút lui, nhường chỗ cho các gương mặt trẻ. Khi Đảng có Tổng Bí thư mới, người tiền nhiệm cũng chủ động nhường chiếc ghế Thủ tướng cho người mới. Tuy vậy, Đảng Hành động Nhân dân rất coi trọng khả năng dẫn dắt đất nước trong giai đoạn dài để tránh xáo trộn chính trị nên họ cho rằng lý tưởng nhất là một Thủ tướng phải dẫn dắt đất nước ít nhất hai nhiệm kỳ. Tuy vậy, với những nhà lãnh đạo đã cao tuổi nhưng có kinh nghiệm và tư duy chiến lược, Đảng vẫn sắp xếp những chức vụ riêng biệt để tận dụng chất xám của họ. Ví dụ, Lý Quang Diệu vẫn tiếp làm Bộ trưởng Cao cấp dưới thời Thủ tướng Goh Chok Tong và Bộ trưởng Cố vấn dưới thời Lý Hiển Long.
Đó là cách chọn người của Đảng. Tiêu chí chọn người thì sao?
Thứ nhất, việc chọn lãnh đạo cao nhất dựa trên một điểm then chốt gọi là “Tầm nhìn trực thăng”, có nghĩa nhà lãnh đạo phải nhìn cao hơn, xa hơn những sự vụ chính trị ngắn hạn, để theo đuổi những gì tốt cho đất nước ở góc độ dài hạn và vĩ mô. “Tầm nhìn trực thăng” này cũng phải đi kèm với khả năng lên kế hoạch, chỉ đạo và tổ chức.
Thứ hai, Đảng Hành động Nhân dân rất coi trọng kỷ luật. Đảng viên phải là người đạo đức, tôn trọng trật tự kỷ cương pháp luật, gương mẫu, được nhân dân tín nhiệm vì học vấn và tư cách.
Thứ hai, Đảng chọn người có trình độ học vấn cao và am hiểu về kinh tế, thông thạo kiến thức lãnh đạo một xã hội pháp trị.
Thứ tư, ngoài kiến thức, Đảng chú trọng năng lực làm việc thực tế, chọn người đã chứng tỏ có năng lực lãnh đạo xuất sắc ở các chức vụ của mình chứ không chỉ lý thuyết suông.
Vậy đâu là cơ chế để thu hút người tài vào Đảng như thế nào?
Thứ nhất, Đảng Hành động Nhân dân lãnh đạo nhà nước thông qua việc cử đảng viên là đại biểu Quốc hội đảm nhiệm các chức vụ Thủ tướng, Bộ truởng và Thứ trưởng của tất cả các Bộ trong chính phủ. Như vậy, nếu vào Đảng và trúng cử Quốc hội đảm bảo con đường sự nghiệp của nhân tài, tạo đất diễn cho nhân tài phát huy năng lực lãnh đạo.
Thứ hai, Đảng Hành động nhân dân trả lương rất cao cho các chức vụ lãnh đạo và quan chức nhà nước, để đảm bảo họ không phải tham nhũng để có thể sống tốt. Lương cấp Bộ trưởng tương đương với thu nhập trung bình của lãnh đạo doanh nghiệp lớn trong nước. Lương Thủ tướng Singapore cao hơn gấp đôi lương Tổng thống Mỹ. Mức lương của nội các Singapore thuộc vào hàng cao nhất thế giới (Thủ tướng hưởng khoảng 1,7 triệu USD/năm, các bộ trưởng cũng có mức thu nhập từ 1,1-1,7 triệu USD/năm).
Cơ chế trả lương này xuất phát từ tầm nhìn của Lý Quang Diệu khi ông nói: “Dù là một cảnh sát, nhân viên di trú hay hải quan thì việc họ bị trả lương thấp là điều rất nguy hiểm,” vì họ sẽ buộc phải “kiếm chác” theo những cách khác để đủ nuôi gia đình. Hơn nữa, nếu lương làm cho nhà nước thấp hơn, sẽ có xu hướng chảy máu người tài ra khu vực tư nhân trả lương cao. Như vậy, Chính phủ không có người tài và không có bộ máy tinh nhuệ.
Mức lương năm 2015 của một số nhà lãnh đạo được trả lương cao nhất thế giới (đơn vị tính: đô la Mỹ). Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long là người đứng đầu danh sách
Thứ ba, Singapore tạo ra sự bình đẳng trong việc lựa chọn nhân tài rất cao, không có chuyện ưu tiên chủng tộc hay vùng miền nào. Lý Quang Diệu tuyên bố chỉ ưu tiên người tài bất kể chủng tộc hay tôn giáo nào. Trong nội các đầu tiên của Lý Quang Diệu năm 1959, chỉ có hai trong số chín Bộ trưởng là người sinh ra tại Singapore. Từ đó đến nay, Singapore vẫn có những nhân vật xuất sắc đến từ nhóm thiểu số. Ví dụ Phó Thủ tướng Tharman Shanmugaratnam là người gốc Sri Lanka.
Với cách thức tìm kiếm và sàng lọc người tài cầu thị và chặt chẽ như vậy, Đảng Hành động Nhân dân xứng đáng là hình mẫu về phát triển tài năng chính trị. Đảng lãnh đạo xã hội thông qua sự điều hành của chính quyền của lớp tinh hoa tài năng.
Để làm được việc giữ và phát triển nhân tài, Đảng Hành động nhân dân đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, đề xuất quan niệm giá trị “Quốc gia tối thượng; xã hội trước hết; gia đình là nền tảng; xã hội là gốc rễ; quan tâm xã hội; tôn trọng cá nhân; bàn bạc đồng thuận; tránh va chạm; khoan dung sắc tộc; tôn giáo hòa hợp nhau”. Đảng dung hoà ổn định tập thể với tự do cá nhân.
Đảng Hành động nhân dân rất bao dung và linh hoạt, không đề cao một chủ nghĩa nào. Có những lúc, Đảng tuyên bố đi theo ngọn cờ chủ nghĩa xã hội dân chủ nhưng không giáo điều về ý thức hệ mà kết hợp mục tiêu của chủ nghĩa xã hội với biện pháp của chủ nghĩa tư bản. Đảng xác định phải luôn theo kịp mọi biến chuyển của thời đại thì mới ứng dụng được các tiến bộ mới nhất của thế giới, đưa Singapore từ thành phố nhỏ trở thành quốc gia phát triển hàng đầu.
Với khẩu hiệu “Chân thành, đoàn kết, nhất trí hành động” và tôn chỉ “Xúc tiến phúc lợi nhà nước và hạnh phúc của nhân dân”, Đảng Hành động nhân dân Singapore là một hình mẫu chính đảng cầm quyền đáng học hỏi về nhiều mặt, đặc biệt là trên khía cạnh tìm kiếm và gìn giữ người tài, nguyên khí của mọi quốc gia.
THBCFB TCPĐ Chính trị , Tin quốc tế
No comments:
Post a Comment