Cập nhật tin tức nóng hổi

Chẳng lẽ lại nhận tiền hỗ trợ dịch bệnh Covid-19 trên TV?

Khi gói hỗ trợ qua đi, người lao động lại "bình thường mới" với những bữa cơm không thể tiết giảm hơn nếu không muốn dùng "đặc sản" cơm với mắm hay chờ những thứ trên TV.
Chẳng lẽ lại nhận tiền hỗ trợ dịch bệnh Covid-19 trên TV?
Ba mẹ con chị Kiều, công nhân của Huê Phong bị giảm thu nhập không dám ăn quá 50.000 đồng/ngày. Ảnh: PV

Hôm trước khi chúng tôi viết về ba mẹ con chị Kiều, công nhân của Huê Phong bị giảm thu nhập không dám ăn quá 50.000 đồng/ngày cho cả ba mẹ con suốt 3 bữa vì không đủ tiền, có người hỏi chị Kiều không nhận được gì từ gói cứu trợ 62.000 tỷ sao?

Hôm qua, Cuocsongantoan.vn đã đi tìm câu trả lời, dù ở một nơi khác nhưng cũng đủ để giải đáp phần nào. Tính đến nay, tỉnh Bình Dương chưa có một người lao động nào đang làm việc ở các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 nhận được hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng. Sự thật là như thế đấy, ngỡ ngàng nhưng vẫn là sự thật!

Bình Dương, nơi tập trung công nhân đông nhất nhì Việt Nam và những tháng qua là ngày dài khó khăn với hàng trăm ngàn lao động. Những con số này nói lên tất cả: “Tính đến cuối tháng 5/2020, toàn tỉnh Bình Dương có 280 doanh nghiệp ngừng hoạt động với gần 144.000 công nhân lao động bị ảnh hưởng, trong đó số bị chấm dứt hợp đồng lao động gần 11.150 người; số lao động phải ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 50.000 người, số lao động phải giảm giờ làm việc gần 83.000 người”.

Và đây, tôi xin mượn tít của báo Lao động để trả lời thêm "Hàng trăm nghìn lao động bị ảnh hưởng, mới có 418 người được thụ hưởng" gói ấy! Ít đến lạ lùng và vô cùng khó tin nhưng hiển hiện ra đấy.

Họ không có phần bởi doanh nghiệp không làm giấy tờ, thủ tục quá nhiêu khê và quy định cũng ngặt nghèo. Một chủ trương tốt, chính sách đẹp không hiểu sao thực thi lại thế này?

Tôi trích lời Bà Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP): “Đây là một chính sách hết sức nhân văn, động viên người lao động rất lớn. Tuy nhiên khi triển khai thì gặp quá nhiều khó khăn. Bảo hiểm xã hội tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh nguồn tiền, lợi nhuận bằng 0 thì người lao động mới được nhận hỗ trợ từ gói này.

Yêu cầu người ta chứng minh tài chính bằng 0 thì rất khó. Doanh nghiệp dù có muốn hỗ trợ cho người lao động nhận gói hỗ trợ của Chính phủ đi chăng nữa nhưng thủ tục quá khó thì họ đành chịu. Đến thời điểm này, chưa có một doanh nghiệp nào ở các Khu công nghiệp VSIP được hưởng chính sách này”.

Còn ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội thì nói thế này: “Nếu theo quy định, để được hưởng hỗ trợ, một trong những tiêu chí là người lao động phải làm việc tại các doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, những doanh nghiệp không có doanh thu đã phá sản, còn những doanh nghiệp dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì vẫn còn doanh thu”.

Như vậy thì những trường hợp như mẹ con chị Kiều còn nhiều, những người lao động như ở Bình Dương sẽ xuất hiện không ít. Rồi họ sẽ sống ra sao khi mà ít lâu nữa những công ty như Huê Phong tiếp tục giảm thêm hàng ngàn lao động hay tình hình không khá lên nhiều như lạc quan trước đó?

Khi ấy gói hỗ trợ cũng qua, họ lại "bình thường mới" với những bữa cơm không thể tiết giảm hơn nếu không muốn dùng "đặc sản" cơm với mắm hay chờ những thứ trên TV.

Trong khi đó, nếu không bị phát hiện thì những hộ cận nghèo đi ô tô, có nhà tiền tỷ của người nhà và cán bộ một số nơi ở Thanh Hóa đã nhận tiền trong gói ấy từ lâu...

Nguồn https://cuocsongantoan.vn/chang-le-lai-nhan-tien-ho-tro-tren-tv-48820.html , ,

No comments:

Post a Comment