Cập nhật tin tức nóng hổi

Châu Phi: 3 người Trung Quốc bị giết và đốt xác

Ba người Trung Quốc bị giết, xác bị đốt trong một nhà kho ở thủ đô Lusaka của Zambia giữa lúc xung đột sắc tộc giữa người Trung Quốc và người Zambia bản địa dâng cao, đài CNN đưa tin hôm nay 05/06/2020.

Vụ sát hại diễn ra vào chiều Chủ nhật 24/05. Ba người Zambia cầm ống sắt đi vào một nhà kho chứa vải vóc và quần áo do người Trung Quốc làm chủ. Video từ máy quay an ninh cho thấy trong 17 phút sau đó, họ đã đập chết ba người Trung Quốc, gồm hai đàn ông và một phụ nữ trong sân sau của nhà kho, sau đó kéo xác ba người này vào một nhà kho khác cạnh đó. Thông tin của cảnh sát cho biết thêm, xác ba người này bị chặt thành nhiều khúc, rồi bị đốt cháy cùng với đồ vật trong nhà kho. Đám cháy lớn tới mức phải ba ngày sau nhà chức trách mới đem được thi thể cháy đen của họ ra ngoài. Trước khi rời đi, ba kẻ thủ ác đã lục lọi khắp nhà kho tìm những vật có giá trị. Cảnh sát thu được một cây mã tấu dính đầy máu.
Châu Phi: 3 người Trung Quốc bị giết và đốt xác
Nạn nhân gồm bà Tào Quế Phương (Cao Guifang) 58 tuổi, vợ chủ nhà kho; hai người làm công là Bao Tuấn Bân (Bao Junbin), 58 tuổi và Phạm Mẫn Kiệt (Fan Minjie) 33 tuổi. Chủ kho lúc ấy đang về quê ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

Vụ sát hại diễn ra trong một tuần lễ mà trào lưu chống Trung Quốc đang lên tới cực điểm. Hôm 18/05 Thị trưởng Lusaka, ông Mikes Sampa, đăng lên Facebook đoạn video tố cáo những ông chủ Trung Quốc ở thủ đô “hành xử kiểu chủ nô-nô lệ”, nhắc nhở công chúng rằng “người Zambia da đen không sinh ra coronavirus. Virus bắt nguồn từ Trung Quốc”. Ông ra lệnh đóng cửa một tiệm cắt tóc và một nhà hàng Trung Quốc đã từ chối phục vụ khách địa phương, cấm hoạt động các cơ sở mà sản phẩm chỉ in nhãn bằng chữ Trung Quốc chứ không phải bằng chữ Anh như luật định.

Ước tính hiện có khoảng 22.000 người Trung Quốc sinh sống ở Zambia, điều hành 280 công ty trải dài từ thủ đô Lusaka tới vành đai mỏ đồng ở miền bắc. Zambia, ở Trung Phi, là một đối tác chính trong dự án Vành Đai và Con Đường của Trung Quốc; Bắc Kinh làm chủ khoảng 44% số nợ công của Zambia, từ đó kiểm soát nhiều mặt đời sống của Zambia.

Tâm lý bài Trung Quốc đã có từ lâu ở Zambia và nổi lên mạnh mẽ khi dịch cúm Vũ Hán tràn tới. Zambia ghi nhận ca nhiễm virus đầu tiên ngày 18/03 và bắt đầu phong tỏa từng phần, đóng cửa biên giới, đóng cửa doanh nghiệp, thực hiện giãn cách xã hội.

Một số công ty Trung Quốc không chấp hành biện pháp cách ly của chính phủ, hoặc vẫn tiếp tục phục vụ khách hàng Trung Quốc, hoặc giam hãm nhân viên người địa phương trong cơ sở sản xuất của họ, gây phẫn nộ trong dân chúng.

Thị trưởng Mikes Sampa đã đến kiểm tra một số công ty này. Tại một nhà máy lắp ráp xe tải, ông thấy công nhân bản xứ bị buộc phải ở lại nhà máy suốt thời gian dịch bệnh mà không được về nhà để họ tiếp tục làm việc mà không sợ lây bệnh từ cộng đồng. Họ ngủ trong các thùng hàng (container) nhỏ, sáu người một thùng, trải chiếu trên sàn thùng. Tại một nhà máy xi măng, ông Sampa thấy công nhân bản xứ bị giữ lại ăn ngủ trong nhà máy suốt hai tháng qua, không được ra ngoài; công nhân nào phản đối thì bị đánh đập và bị đuổi việc. “Thế là bất hợp pháp. Các ông đang bắt họ làm con tin. Đó là chế độ nô lệ,” ông Sampa nói với các chủ công ty, trong các đoạn video mà ông đăng lên Facebook.

Những việc đang diễn ra trong các cơ sở do người Trung Quốc làm chủ khiến người dân Zambia tức giận, và họ nhớ tới nhiều sự việc tương tự trong quá khứ. Năm 2005, có một vụ nổ mỏ đồng gần thị trấn Chambeshi, hàng chục thợ mỏ Zambia bỏ mạng. Năm 2010, hai viên quản lý người Trung Quốc nổ súng vào đám đông công nhân Zambia đang biểu tình phản đối điều kiện làm việc tệ hại ở mỏ than Collum. Năm 2012 cũng tại mỏ này công nhân Zambia giết chết một viên quản đốc người Trung Quốc…

Những sự kiện như vậy là bằng chứng về mối quan hệ không mấy thân thiện giữa giới kinh doanh và công nhân Trung Quốc với người châu Phi bản địa, không chỉ ở Zambia mà hầu như khắp châu lục này. Người Trung Quốc càng xâm nhập sâu vào kinh tế thương mại của các nước châu Phi, mối ác cảm với họ càng thêm mạnh mẽ mà vụ giết người đốt xác ở Lusaka chỉ là trường hợp mới nhất.

(Tin và ảnh CNN) , ,

No comments:

Post a Comment