Cập nhật tin tức nóng hổi

Chia sẻ tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật có thể bị phạt tiền: vẫn chưa hết băn khoăn

Theo quy định mới, “hồn nhiên” chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu hoặc chưa được phép lưu hành, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Dù đã có hiệu lực kể từ 15/4, nhưng đến nay, nhiều người vẫn chưa hết băn khoăn với quy định mới này.

Hoang mang vì quy định mới

Trong Nghị định 15/2020 của Chính phủ về "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử", ở Điều 101 Mục 1, khoản a nêu: phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng với hành vi lợi dụng mạng xã hội của người sử dụng mạng xã hội để thực hiện việc cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành, hoặc đã có quyết định cấm lưu hành, hoặc tịch thu.
Chia sẻ tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật có thể bị phạt tiền: vẫn chưa hết băn khoăn
Ảnh: Rất nhiều người có thể sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng nếu “hồn nhiên” chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm trên mạng xã hội

Lâu nay, người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam vẫn chia sẻ các bài báo, thơ văn, tác phẩm nghệ thuật thú vị đã được công bố công khai mà không phải xin phép chủ sở hữu như một điều đương nhiên, thậm chí còn coi như đó là việc hữu ích cho xã hội khi mọi người cùng phổ biến tri thức, văn hóa nghệ thuật. Vì thế, dù quy định mới có hiệu lực cách đây gần hai tháng, nhưng tới nay, vẫn còn nhiều băn khoăn.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành đặt câu hỏi: “Vậy một bài báo hay chia sẻ cho người khác đọc mà chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu trí tuệ thì có nghĩa là phạm pháp? Đăng tải một bài thơ hay cho bạn bè cùng thưởng thức nhưng chưa xin phép thì cũng là phạm pháp? Có những bài hát mà vì nhận thức của các cơ quan chức năng chưa theo kịp yêu cầu của xã hội nên bài hát chưa được phép lưu hành, nhưng người sử dụng mạng xã hội đăng tải thì cũng bị xử phạt? Chia sẻ đường link một bộ phim hay cũng là vi phạm pháp luật?”.

Đòi hỏi một sự nhất quán

Khi được hỏi về quy định mới, ông Lê Nghiêm (nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, Luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ có các quy định cần thiết quy định quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân. Vì vậy người sử dụng mạng xã hội nếu muốn đăng một bộ phim, chương trình truyền hình… dù chúng đã được công chiếu rồi, thì vẫn phải xin phép. Vì sử dụng mạng thì có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Cá nhân có thể không có mục đích thương mại, nhưng tổ chức thì có mục đích thương mại. Vì thế, nếu chủ sở hữu trí tuệ yêu cầu phải xin phép họ trước khi chia sẻ trên mạng xã hội, thì vẫn phải tuân thủ. Nếu chủ sở hữu có ý kiến về việc chia sẻ, đăng tải này, thì người chia sẻ tác phẩm ấy vẫn bị xử lý theo Điều 101 của Nghị định 15. Còn nếu chủ sở hữu trí tuệ không có ý kiến thì không sao. Hai bên không có thắc mắc gì thì chẳng bao giờ người ta phạt.

Thực tế hầu hết các tác phẩm báo chí ở Việt Nam khi được công bố, thì các báo đều cho phép chia sẻ lại nếu dẫn nguồn đầy đủ và đảm bảo tính toàn vẹn, không cắt xén, thay đổi. Chỉ các tác phẩm văn học, bài hát, phim tài liệu… - những chương trình công phu hơn, thì người ta bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chặt chẽ.

Từ góc nhìn của mình, ông Nghiêm cho rằng, đây không phải là một quy định độc lập, dù ghi thế nhưng vận dụng thế nào, lại dựa trên các luật liên quan như Luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, dùng để hướng dẫn thực hiện những luật đã có, chứ không phải là một điều khoản mới trái luật. Khi vận dụng quy định này, thì đều căn cứ trên hai luật kia.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Tiến Lập (Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam) đặt ra những quan ngại về tính tuân thủ và phù hợp với các đạo luật mà nó lấy làm căn cứ để quy định chi tiết thi hành.

Cụ thể, tại Điều 7, Luật An toàn thông tin mạng quy định một điều cấm có tính nguyên tắc, đó là không ai có quyền “ngăn chặn việc truyền tải thông tin trên mạng” một cách trái pháp luật. Có nghĩa rằng nhà làm luật (ở đây là Quốc hội) đã ý thức rõ mạng internet là một công cụ truyền tải thông tin hữu dụng, và việc này cần được khuyến khích và bảo đảm. Thế thì việc được gọi là “cung cấp, chia sẻ” mà thực chất là lưu lại các xuất bản phẩm chính thống như liệt kê tại nghị định trên tài khoản mạng xã hội của mỗi cá nhân, nay bị coi là “vi phạm” để xử phạt, thì xét về phương diện quản lý nhà nước, có phải là sự hạn chế hay ngăn chặn truyền tải thông tin hay không?

Trong khi đó, xét từ góc độ Luật Sở hữu trí tuệ, luật sư Lập nhận định: “Việc bảo vệ quyền tác giả đối với các xuất bản phẩm báo chí hay văn học không phải là tuyệt đối mà có giới hạn cụ thể và các ngoại lệ”. Ông ví dụ, ngay cả hành vi “sao chép” tác phẩm vốn về nguyên tắc phải được tác giả cho phép, nhưng nếu việc sao chép đó chỉ phục vụ cho mục đích nghiên cứu của cá nhân thì cũng không phải xin phép, đồng nghĩa với không vi phạm. Trong bối cảnh của tương tác trên mạng xã hội, xin được lưu ý rằng trước đây, nếu Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 có coi việc “lưu trữ lâu dài” một tác phẩm cũng là “sao chép” thì đến 2019, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi đã bãi bỏ định nghĩa mở rộng này. Nói như thế có nghĩa, chính sách quản lý của Nhà nước đã thay đổi, theo đó, chẳng hạn một cá nhân lưu giữ nguyên trạng các bài báo hay bài thơ nào đó của người khác đã được xuất bản công khai trên tài khoản Facebook của mình, cho cả mình lẫn người ngoài xem, thì đương nhiên không được hiểu là sao chép nữa.

“Bất cứ mạng xã hội nào cũng nhằm phục vụ cho việc giao tiếp xã hội thông qua truyền tải thông tin, bên cạnh các phương tiện chính thống và truyền thống. Chúng ta đã chấp nhận thực tế này, thì cần giữ được sự nhất quán về chính sách và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật”, ông Lập nêu quan điểm.

Nên điều chỉnh rồi áp dụng

Dù đã có hiệu lực, nhưng luật sư Nguyễn Tiến Lập tỏ ra hoài nghi về tính phù hợp với thực tế, cũng như tính khả thi của quy định mới. Ông lý giải, muốn cưỡng chế thi hành quy định, trước hết phải có đủ bộ máy và nhân sự. Liệu ta có thể bố trí và huy động hàng ngàn, vạn cán bộ tiêu tiền ngân sách để theo dõi, giám sát, thanh tra, và xử phạt hàng triệu hay hàng chục triệu người được coi là vi phạm hằng ngày trên không gian mạng? Chưa kể tình trạng ngữ nghĩa chưa rõ ràng của các điều luật và sự bất nhất của hệ thống văn bản trên dưới nữa, bởi điều đó sẽ dẫn tới sự phức tạp và kéo dài của quy trình xử lý, cũng như các khiếu kiện và tranh chấp có liên quan.

Ông Lê Nghiêm cũng cho rằng quy định mới “có thể không rõ ràng, mơ hồ, chung chung giống như luật, mà đáng lẽ nó cần cụ thể hơn để tránh việc tùy tiện, lạm dụng khi áp dụng”.

Trong bối cảnh mạng xã hội trở thành kênh thông tin gần như là chủ chốt của hàng chục triệu người Việt trong thời đại số như hiện nay, theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành, việc cho ra đời các quy định pháp luật nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, quyền và quy định nghĩa vụ cho các công dân, tổ chức là vô cùng cần thiết.

“Tôi hoan nghênh sự ra đời của nghị định, nhưng nhìn vào chi tiết các quy định, ví dụ như điều mà chúng ta đang bàn, tôi cho rằng còn nhiều điều nên điều chỉnh, chứ chưa áp dụng ngay được”, ông Thành nói thêm.

LINH HƯƠNG/ Báo Phụ Nữ , ,

No comments:

Post a Comment