Cập nhật tin tức nóng hổi

Nứt cầu Vàm Cống hi hữu thế giới: ‘Nhà thầu phớt lờ’

Chủ đầu tư mời Chủ tịch GS E&C sang cùng làm việc, tuy nhiên, phía GS E&C không có bất kỳ hành động và phản hồi nào.

Dùng dằng trách nhiệm

Liên quan tới sự cố nứt cầu Vàm Cống, ông Phạm Văn Hòa – ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phàn nàn về sự chậm trễ đưa dự án vào khai thác, gây thiệt hại lớn cho kinh tế – xã hội của địa phương.
Cầu Vàm Cống chưa thể khai thác do sự cố nứt dầm thép
Cầu Vàm Cống chưa thể khai thác do sự cố nứt dầm thép.

Vị đại biểu so sánh, cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh được thi công cùng thời điểm nhưng được thực hiện bởi hai nhà thầu khác nhau. Tới nay, dự án cầu Cao Lãnh đã thông xe, tạo điều kiện rất thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao thông của Đồng Tháp.

Riêng dự án cầu Vàm Cống, đã phải lùi thời gian đưa vào khai thác gần một năm qua chỉ vì chưa thống nhất được phương án khắc phục sự cố đã xảy ra.

Xem thêm: Bộ Giao thông vận tải nói gì việc đặt thêm trạm thu phí tại BOT Cai Lậy?

“Cho tới nay, sự cố của cầu Vàm Cống vẫn là một hiện tượng gây ngạc nhiên đối với người dân, với các doanh nghiệp vận tải, các chủ phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn Đồng Tháp, An Giang…. Cầu Vàm Cống là niềm hy vọng rất lớn đối với người dân, người dân rất chờ đợi”, ông Hòa nói.

Về việc công bố các nhóm nguyên nhân và hướng xử lý của Bộ GTVT, ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng, cần phải có đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng và phải thuê chuyên gia, tư vấn độc lập từ nước ngoài cùng tham gia.

“Không thể để khắc phục xong, đưa cầu vào khai thác lại xảy ra sự cố, gây nguy hiểm tới tính mạng con người cũng như các phương tiện tham gia giao thông.

Phải làm nghiêm khắc, làm rõ ràng thì đơn vị thì công họ mới sợ, mới ngại, mới thi công công trình bảo đảm chất lượng được”, vị ĐB thẳng thắn.

Tuy nhiên, dù có sốt ruột thì dự kiến tình hình vẫn chưa có dấu hiệu tiến triển lạc quan hơn. Tại buổi họp Bộ Giao thông ngày 2/10, đại diện nhà thầu chính là GS E&C (Hàn Quốc) vẫn kéo dài thời gian sửa chữa với lý do vướng mắc tài chính.

Còn về phía Tổng công ty Cửu Long (đại diện chủ đầu tư) thì phản bác và cho rằng, nhà thầu chính GS E&C thiếu tôn trọng và có ý “phớt lờ” chủ đầu tư.

Biểu hiện cụ thể là nhà thầu GS E&C không chủ động và không quyết liệt trong khắc phục sự cố. Đặc biệt, nhà thầu chính không chỉ đạo được nhà thầu phụ là Công ty CP Thành Long trong công tác sửa chữa.

Trong khi đó, Bộ GTVT đã phát văn bản mời Chủ tịch GS E&C sang cùng làm việc, tuy nhiên, phía GS E&C không có bất kỳ hành động và phản hồi nào.

Ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông khẳng định, cầu Vàm Cống chưa hoàn thành, việc sửa chữa sự cố là trách nhiệm của nhà thầu chính nhưng cách quản lý cũng như thể hiện vai trò của nhà thầu chính tại dự án này khiến Bộ GTVT khó chấp nhận được.

Bức xúc về cách làm việc của hai nhà thầu trên, tại buổi họp đại diện chủ đầu tư đã đề xuất sau khi hoàn thành sửa chữa cầu Vàm Cống sẽ cấm hai nhà thầu GS E&C và Thành Long tham gia vào các dự án của Bộ Giao thông quản lý.

Chưa thể yên tâm

Cũng nêu quan điểm về sự cố trên, một chuyên gia công trình xây dựng (xin giấu tên) cũng cho biết, giới chuyên môn vô cùng bất ngờ về sự cố nứt dầm thép tại cầu Vàm Cống. Ông nói rõ, đây là sự cố hy hữu, rất ít khi xảy ra.

Là vị chuyên gia cùng tham gia vào công tác đánh giá sự cố, ông cho biết, việc kéo dài thời gian sửa chữa nói trên có nguyên nhân từ việc sợ trách nhiệm của các bên.

Về nguyên tắc, khi xác định rõ nguyên nhân gây ra sự cố cũng sẽ xác định được trách nhiệm phải khắc phục và bồi thường cho dự án là đơn vị nào. Đi cùng với đó cũng sẽ xác định được trách nhiệm với dự án, trách nhiệm trước xã hội của từng bên liên quan.

Đối với dự án cầu Vàm Cống, dự án vẫn đang trong quá trình thi công, vì vậy, trách nhiệm của nhà thầu là không thể chối cãi.

“Chúng ta thuê nhà thầu thực hiện dự án và nhà thầu phải có trách nhiệm bàn giao cho chúng ta một dự án hoàn chỉnh với chất lượng bảo đảm.

Vì thế, khi dự án chưa hoàn thành thì mọi sự cố phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, nhà thầu phải chịu trách nhiệm chi trả và khắc phục.

Ngoài chi phí sửa chữa, khắc phục, những thiệt hại về kinh tế, xã hội, về cơ hội, thời gian… về nguyên tắc phía nhà thầu cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Tuy nhiên, ở đây cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng các điều khoản khi ký kết hợp đồng có quy định chi tiết, cụ thể các trường hợp như vậy hay không? Vì sao một sự việc rất rõ ràng nhưng vẫn khó quy được trách nhiệm? Khó yêu cầu nhà thầu phải khắc phục?

Rõ ràng việc nhùng nhằng đi tìm trách nhiệm đã kéo dài thời gian sửa chữa, thay thế, khắc phục sự cố cầu Vàm Cống, gây ra những thiệt hại vô cùng lớn.

Nếu chúng ta làm chặt chẽ, cầu được đưa vào khai thác từ 1 năm trước sẽ đem lại lợi ích phát triển về kinh tế – xã hội cho địa phương là rất lớn. Vì thế, vấn đề ký kết hợp đồng cũng cần phải được xem xét, đánh giá lại”, vị chuyên gia giấu tên chỉ rõ.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại sau khi sự cố được khắc phục thì công trình có bảo đảm được chất lượng hay không? Các dầm thép, mố trụ cầu khác có gặp sự cố tương tự hay không?

Đây là câu hỏi mà theo ông nhiều người cũng lo ngại, bản thân ông cũng không dám khẳng định chắc chắn.

Do đó, ông cho rằng, để yên tâm, phía đơn vị chủ đầu tư cần đặt ra điều kiện yêu cầu nhà thầu phải kéo dài thêm thời gian bảo hành cho cây cầu.

Nguồn Butdanh
,

No comments:

Post a Comment