Cập nhật tin tức nóng hổi

Những tòa biệt phủ – Câu chuyện không hồi kết

Biệt phủ của “anh lái xe ở Phú Thọ” liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng từ khóa được quan tâm trong suốt cả một tuần nay. Nghe chừng, sẽ còn rất lâu nữa thì vụ việc này mới có thể lắng xuống. Bởi lẽ, khi bí xử nguồn gốc chủ sở hữu còn chưa đến hồi kết thì toàn cảnh xây dựng bất chấp lệnh cấm lại tiếp tục mở ra…
Những tòa biệt phủ – Câu chuyện không hồi kết
Hình ảnh: “Biệt phủ” của “anh lái xe ở Phú Thọ” vẫn tiếp diễn xây dựng trái phép

Một nam thanh niên chỉ mới 31 tuổi, hành nghề lái xe lại là chủ nhân của khu quần thể nhà vườn nguy nga theo kiểu cung đình rộng vài nghìn mét vuông tại 2 phường Trường Thịnh và Thanh Vinh, thuộc thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Câu chuyện bắt đầu với tình tiết người dân địa phương nhất mực khẳng định chủ sở hữu của khu đất kia là một vị quan chức địa phương chứ không phải “anh lái xe”. Và rồi, sự thật là anh lái xe trẻ tuổi cũng lại chính là cháu của vị quan chức địa phương được nhắc tới.

Chưa hết chuyện, tất cả những công trình mọc lên trên mảnh đất rộng lớn nhắc ở trên được cho là đều “không phép” và chủ của nó đã từng bị xử phạt hành chính, buộc đình chỉ thi công. Thế mà, tới ngày 01/11 vừa qua, báo chí vẫn ghi lại được cảnh công nhân tất bật thi công bên trong quần thể nhà vườn như chưa từng có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, cũng như chưa từng có những lời “bàn ra tán vào” của dư luận.

Những “bài cũ” đã từng!

Theo ghi nhận, chủ mảnh đất quần thể nhà vườn đã cho xây dựng nhà cao tầng, đài tượng, khuôn viên,… với đủ các vật liệu quý hiếm từ đá quý, gỗ lim, kim loại,… Hầu hết các công trình xây dựng đều chưa được cấp phép. Thế nhưng, đến nay, cơ quan chức năng mới chỉ ra duy nhất một văn bản xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt 25 triệu đồng. Các hạng mục sai phép bao gồm: tường rào xây gạch dài 464,7m; nhà cột gỗ, vách thưng gỗ, mái ngói 3 ngôi và một số hạng mục san gạt cốt nền khác đang thi công. Chiếu theo thực tế, hạng mục về khu nhà cao tầng đang xây dựng trên diện tích 1.000 m2, và hồ nước rộng phía trước không hề được nhắc đến trong biên bản xử phạt. Phải chăng, đây chính là cách thức xử phạt theo kiểu “biến voi thành kiến”, “để con voi chui lọt lỗ kim” đã từng “rất cũ” như nhiều vụ việc khác? Trả lời trên báo Lao động, ông Mai Xuân Thuật – Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ khẳng định: “Việc xây dựng chắc chắn là sai”. Vì thế, xử phạt mà không xử hết thì cán bộ địa phương cũng chắc chắn sai.

Đáng chú ý hơn, Quyết định xử phạt được ký từ ngày 29/3 nhưng đến nay đã hơn 7 tháng, công trình xây dựng trái phép vẫn cứ tiếp tục được triển khai bất chấp lệnh đình chỉ. Về phía chính quyền địa phương, xã Trường Thịnh và Thanh Vinh chỉ biết “chờ xin ý kiến cấp trên” trong khi thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ lại chưa vào cuộc. Lại thêm những tác phong “rất cũ” trong xử lý hành chính ở Việt Nam. Cấp dưới bị động chờ trực cấp trên, cấp trên lúng túng đòi cấp dưới chủ động nắm tình hình…
Những tòa biệt phủ – Câu chuyện không hồi kết ảnh 2
Hình ảnh: Xử phạt theo kiểu “con voi chui lọt lỗ kim” hay sao?

Về phía chủ khu đất sai phạm (cứ tạm cho là anh lái xe trẻ), anh này không hề chấp hành các quyết định buộc đình chỉ thi công công trình trái phép mà gấp rút hoàn thiện hơn. Nghe đến đây có ai liên tưởng đến vụ việc chiếm đất rừng phòng hộ tại Sóc Sơn, Hà Nội không? Cũng là những khu biệt phủ xây dựng trái phép, cũng bị xử phạt hành chính, cũng bị yêu cầu dừng thi công,… Nhưng rồi, họ cứ làm tiếp, làm nữa và rồi những căn biệt phủ sẽ hoàn tất, khang trang và đưa vào sử dụng.

Nói thẳng, cái nếp hành xử bất chấp những quy định quản lý đất đai đã hình thành một thói quen rồi. Bởi vì quá khứ cơ quan chức năng quá nhẹ tay với những vụ việc sai phạm nên tương lai họ cứ theo những người đi trước mà giành lấy sai phạm theo kiểu “gạo nấu thành cơm”.

Lại thêm thắc mắc, liệu sau này nếu để những hạng mục công trình tại Phú Thọ thi công hoàn tất, cơ quan chức năng có tiếp tục xử phạt nó theo cách “phạt cho tồn tại” như vụ việc biệt phủ ở Yên Bái ngày nào không?

Hỡi ôi, một khu “biệt phủ” thôi nhưng nhiều “bài cũ” được dùng lại quá!

Sẽ là… không hồi kết!

Trước hết, biệt phủ có dựng chưa xong thì hình hài chưa xong ấy cũng đang phủ sóng hết các trang mạng xã hội cho rồi. Cũng sẽ như những biệt phú Yên Bái, biệt phủ Thanh Hóa, biệt phủ Sóc Sơn trước đây, rồi đi đến đâu, làm gì, thì người dân vẫn sẽ kể lại về chúng như những nỗi bức xúc lớn về câu chuyện quản lý đất đai, xây dựng tại Việt Nam. Ngặt nỗi, trùng hợp là những căn biệt phủ nếu chẳng phải là đứng tên cán bộ, công chức thì lại đứng tên vợ, con hay cháu của những cán bộ, công chức ấy. Lạ kỳ ghê.

Tiếp đến, rồi cuộc họp hành chính nào cũng sẽ lấy những vụ việc thế này để minh chứng cho pháp luật của chúng ta còn kẽ hở, bộ phận cán bộ địa phương còn tắc trách… Không hồi kết đặt ra câu hỏi rằng khi nào thì chúng ta có pháp luật chặt chẽ hơn, khi nào thì đội ngũ cán bộ của chúng ta có trách nhiệm, có tâm, có tầm hơn?

Và sau tất cả, còn bao nhiêu khu biệt phủ nữa sẽ tiếp tục được mọc lên ở những miền quê Việt Nam? Một đất nước còn nghèo, đời sống nhân dân khổ cực, phải đi vay nước ngoài hàng năm nhưng lại có những con người giàu có đến mức nhà cửa xa hoa như thời phong kiến…

Những câu chuyện đã cũ và những điều tưởng chừng thành câu chuyện không có hồi kết. Vốn dĩ chúng đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Thừa bản thân chúng ta hiểu rõ sự tình của câu chuyện, nhưng có lẽ cơ quan pháp luật chưa từng làm đến cùng, dư luận chưa từng phẫn nộ đến cùng nên mọi lẽ lại dần được cho đi qua trong “im lặng”. Có ai muốn nhìn thấy những điều mới? Vậy thì cơ quan pháp luật hãy xông pha một lần, dư luận hãy lên án gay gắt đến cùng một lần đi. Một lần cho hôm nay, và cho cả mai sau!

Nguồn Butdanh
, ,

No comments:

Post a Comment