Cập nhật tin tức nóng hổi

Cần tránh ngộ nhận về sự sụp đổ của Trung Quốc

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang, kéo theo những rủi ro tiềm ẩn về mặt chính trị và nguy cơ xung đột quân sự … một vài ý kiến lạc quan (và cũng không kém phần chủ quan) tại Việt Nam đều tin rằng đây chính là thời cơ của chúng ta.
Cần tránh ngộ nhận về sự sụp đổ của Trung Quốc
Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đang leo thang

Trước hết, phải thừa nhận viễn cảnh Trung Quốc sụp đổ hoặc tan nát không phải là không thể xảy ra, cũng do nước này có quy mô và sự khác biệt vùng miền quá lớn, nhưng lại không chịu áp dụng mô hình cai trị tản quyền theo kiểu phương Tây (nhà nước liên bang), mà Đảng và chính quyền Trung ương vẫn tìm cách nắm giữ vai trò và vị thế độc tôn. Thứ nữa, trên thực tế, Mỹ luôn là nước có truyền thống nhắm vào các nước ở vị trí số 2 và đang lăm le muốn trở thành số 1; Vì vậy, có khả năng cao là Trung Quốc sẽ lâm vào vết xe đổ của Đức Quốc Xã, Liên Xô hay Nhật Bản trong quá khứ (bị Mỹ làm cho khủng hoảng, suy thoái, để không bao giờ còn có cơ hội vượt mặt Mỹ nữa).

Sau một giai đoạn tuyên truyền (có phần hơi quá đáng) về tầm nhìn của một siêu cường mới, hay giấc mộng Trung Quốc … đến nay, chính nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc lại đang cảm nhận thấy những điều bất ổn, khiến Tập Cận Bình và Thường vụ Bộ Chính trị phải quyết định kỷ luật và cách ly Vương Hộ Ninh – lý thuyết gia được xem là bộ não, kiến trúc sư trưởng cho nhiều chiến lược của Trung Nam Hải.

Trái ngược với những phát ngôn và cách hành xử bề ngoài nhiều khi rất khó đoán, có vẻ như Tổng thống Donald Trump đang tung ra những đòn “chí tử” nhắm thẳng vào tham vọng của Trung Quốc, điển hình là việc ra lệnh áp thuế lên các mặt hàng có xuất xứ Trung Quốc với giá trị trên 200 tỷ USD, và thậm chí còn có thể được xem xét để tăng lên tới hơn 560 tỷ USD. Nếu điều này xảy ra, chắc chắn cán cân ngoại thương, dự trữ ngoại tệ và tình trạng sức khỏe kinh tế của Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Như chỉ mới đây, một báo cáo cho biết, khối lượng thông quan tại 10 hải cảng lớn nhất Trung Quốc đã sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái … do tác động của sắc thuế mới, khiến đơn đặt hàng giảm và phải nằm tắc lại ở bến.

Trên lĩnh vực công nghệ cao, Trung Quốc dường như cũng đang bị thấm đòn nặng. Sau lệnh cấm bán linh kiện cho ZTE – hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn của Trung Quốc, Phòng thương mại và công nghiệp Mỹ (Amcharm) mới đây lại vừa thông báo sẽ giới hạn các công ty bán phần mềm và một số công nghệ thiết yếu cho ngành thiết kế, chế tạo chip của Trung Quốc, trong đó có các tên tuổi mới nổi như Fujian Jinhua Integrated Circuit Co. Chưa kết, trên tờ The New York Times có đăng bài viết của tác giả Alex Joske với lời cảnh báo: trong vòng 10 năm qua, quân đội Trung Quốc đã gửi khoảng 2.500 nhà khoa học quân sự, các chuyên gia nghiên cứu và kỹ sư ra thế giới để “hợp tác” với nhiều học viện quân sự phương Tây, và rằng “Phương Tây có thể vô tình trao cho Trung Quốc thế vượt trội quân sự, quốc gia này không phải là một đồng minh, họ luôn tìm cách chế ngự cả vùng Thái Bình Dương, chúng ta lẽ ra không nên giúp họ cải tiến kỹ thuật quân sự của họ bằng các hình thức hợp tác như thế.” Đây thực sự là một đòn đánh quá nặng và hiểm vào tham vọng công nghệ của Trung Quốc. Vì vậy, một cuộc thăm dò mới do AmCharm thực hiện tại Trung Quốc đã xác nhận, chiến tranh thương mại đã khiến các công ty ngoại quốc và bản xứ (của Trung Quốc) phải tính đến phương án di dời dây chuyền sản xuất và hệ thống cung ứng ra khỏi lãnh thổ nước này. Cụ thể là khoảng 70% doanh nghiệp Mỹ đang làm ăn tại Trung Quốc đang chuẩn bị rời đi – đa số đích đến mới là Đông Nam Á.

Có vẻ như ông Trump đang tìm cách sửa chữa những sai lầm của nước Mỹ trong quá khứ, khi nước này đã quá dung dưỡng cho tham vọng của Trung Quốc – luôn muốn thống trị toàn cầu bằng kinh tế, chính trị và khoa học công nghệ. Chế độ toàn trị của Trung Quốc thường chủ trương ăn cắp các thành tựu của nước ngoài một cách có hệ thống dưới vô số chiêu bài, từ mua bán, “chuyển giao công nghệ” đến “hợp tác” chính thức, điều mà các chính khách Mỹ trong quá khứ, từ Nixon đến Jimmy Carter và các vị tổng thống đời sau đã gián tiếp tiếp tay. Từ mấy thập niên qua, giới kinh doanh, nhà sản xuất, các trí thức và học giả … đã cung cấp cho Trung Quốc không biết bao nhiêu bí mật công nghệ và phương pháp (know how) – những trí tuệ mà họ không tốn công đầu tư. Mặc dù vậy, mục đích tối hậu của nhà cầm quyền Trung Quốc không gì khác hơn là tiến lên vai trò thống trị thế giới, trong đó có biển Đông và khu vực Thái Bình Dương. Khi chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ và phương Tây đã chặn đứng tham vọng và làm tan nát một siêu cường Liên Xô, … nhưng họ lại vỗ béo cho tham vọng bành trường thống trị của Trung Quốc – một đối thủ hay kẻ thù mới, xem ra còn có tiềm lực và đặc biệt là sự thâm hiểm cao hơn gấp nhiều lần. Điều này, có lẽ đã đến lúc cần phải thay đổi.
Cần tránh ngộ nhận về sự sụp đổ của Trung Quốc anh 2
Mỹ đã khiến Liên Xô tan nát khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, và có vẻ như họ đang muốn làm điều tương tự với Trung Quốc

Đối với ván bài trật tự thế giới mới này, ở vị thế ngay sát cạnh Trung Quốc, Việt Nam xem ra chắc chắn cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi, thậm chí có thể còn bị vạ lây rất nhiều. Bản thân tác giả cũng không phải thuộc tuýp người quá lạc quan hay dễ hy vọng quá đáng vào những khả năng xa vời hoặc chưa xảy ra. Cho dù Trung Quốc có bị suy yếu thế nào thì cũng không thể phủ nhận: họ đang đi trước ta rất nhiều, nhất là trên các khía cạnh như kinh tế, khoa học công nghệ và cả giáo dục. Thử tưởng tượng, chỉ riêng một đại đô thị là Thượng Hải của Trung Quốc cũng đã có quy mô GDP gấp 2 lần Việt Nam, với cơ sở hạ tầng hiện đại, vượt xa chúng ta 30 – 40 năm … thì Việt Nam lấy tư cách gì để chê người Trung Quốc là ngu dốt, hay xấu xa, bệnh hoạn. Thậm chí, ngay chính trong lòng của một chế độ thuộc loại hà khắc nhất thế giới (với bức tường lửa kiểm duyệt và mạng internet riêng), họ còn có những người như Lưu Á Châu (Thượng tướng, chính ủy Học viện Quốc phòng Trung Quốc) dám công khai lên tiếng, vạch trần những mặt đen tối hay góc khuất của quân đội nước này … hay nhà văn Bá Dương – tác giả cuốn: Người Trung Quốc xấu xí … Thử hỏi, người Việt Nam có ai làm được như vậy, hay mới chỉ có một vài động thái “cởi trói” về mặt tư duy thì đã bị quy cho tội tự suy thoái, diễn biến hòa bình và âm mưu lật đổ chế độ? Hay trong lĩnh vực kinh tế, thay vì thoái hết vốn và cổ phần nhà nước khỏi các Tổng công ty, tập đoàn kinh tế làm ăn thất bát … để tạo động lực cho khu vực tư nhân phát triển, chúng ta lại chủ trương thành lập thêm một siêu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để siết chặt khối tài sản trị giá hơn 5 triệu tỷ VNĐ.
Cần tránh ngộ nhận về sự sụp đổ của Trung Quốc ảnh 3
Muốn khai thông sinh lộ cho dân tộc, không thể chủ trương khép kín mà cần chủ động hội nhập và tiếp nhận những thứ mới.

Thời Chiến tranh Lạnh, Hàn Quốc, Đài Loan và thậm chí là cả Nhật Bản … đã tận dụng quá tốt cơ hội từ cuộc chạy đua Mỹ – Liên Xô để vươn lên mạnh mẽ và trở thành những cường quốc kinh tế. Còn nay, trước sự trỗi dậy không hòa bình của Trung Quốc và quyết tâm mạnh mẽ của Tổng thống Trump, có vẻ Chúa đang muốn trao cho Việt Nam một cơ hội vàng … nhưng dường như chúng ta lại chần chừ không dám đưa tay ra đón nhận. Rốt cuộc thì chúng ta muốn gì: chủ động để hoàn toàn và vĩnh viễn thoát ly khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc … hay lại chỉ biết chờ đợi, dò dẫm và lẽo đẽo chạy theo mỗi khi bên Tàu có biến cố?

Nguồn Butdanh
,

No comments:

Post a Comment