Cập nhật tin tức nóng hổi

Giảm hội chứng “phình lãnh đạo”?

Liệu, TP.HCM có thể là địa phương tiên phong đi đầu trong việc giảm lãnh đạo cấp phó để các địa phương khác trên cả nước học theo?

Mới đây, chia sẻ bên lề phiên họp Ủy ban Tư pháp, ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) cho biết: “TP.HM chưa bao giờ thiếu lãnh đạo như hiện tại…Mỗi vị trí lãnh đạo UBND thành phố đang phải “gánh” nhiều trách nhiệm”. Đáng chú ý, với tình trạng thiếu người, nhưng bộ máy vận hành vẫn chạy tốt, không bị ùn tắc. Điều này nhận được nhiều ủng hộ của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), cũng như sự tán đồng từ dư luận.
TP.HCM hiện thiếu lãnh đạo, nhưng công việc vẫn trơn tru
TP.HCM hiện thiếu lãnh đạo, nhưng công việc vẫn trơn tru chứng tỏ năng lực cán bộ địa phương này rất giỏi

“Nhà to” bỗng dưng “neo người”!

Thực tế, TP.HCM bị thiếu nhân sự lãnh đạo trầm trọng do hai Phó chủ tịch gồm ông Huỳnh Cách Mạng đang bị bệnh, còn bà Nguyễn Thị Thu vừa qua đời, nhưng trong bối cảnh đó, TP vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đó là sự cố gắng lớn của từng cá nhân, tập thể lãnh đạo, cán bộ UBND TP.

Từ trước đến nay, TP.HCM luôn được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước và cũng là đầu cầu hội nhập quốc tế. Đây là nơi có nhịp sống, lao động, bận rộn vào bậc nhất – một TP gần như không ngủ…luôn hướng về phía trước, đầy khát vọng. Nên rất nhiều ý kiến cho rằng cần tạo cơ chế đặc thù cho TP.HCM để địa phương này có điều kiện phát triển cũng như hoàn thiện thể chế, phân cấp đảm bảo một chính quyền năng động sáng tạo là điều nên làm.

Theo một con số thống kê mà Bí thư TP Nguyễn Thiện Nhân đưa ra, TP tiếp tục giữ vững vị trí trung tâm tài chính lớn nhất nước, đóng góp 29% huy động vốn và 27% cho vay của cả nước. Tín dụng duy trì tốc độ tăng trưởng và ổn định, bình quân 19,41%/năm. Lượng kiều hối trong 2 năm 2016 – 2017 đạt hơn 10 tỷ USD chiếm 50% cả nước, trong đó hơn 70% được đưa vào sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh, hiện nay, có 3 lĩnh vực của kinh tế TP có tỷ trọng đóng góp vào cả nước thấp hơn tỷ là: Giá trị gia tăng sản xuất công nghiệp của thành phố chiếm 15,7% cả nước; Giá trị xuất khẩu chiếm 16,8% và Thu hút đầu tư nước ngoài chiếm 17%.

Có một điều tuy không phải ai cũng nói ra, nhưng chúng ta cần ghi nhận đó là đội ngũ lãnh đạo nơi đây luôn duy trì được tinh thần “không tự hài lòng với những gì có được”. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP luôn nỗ lực phát huy truyền thống kiên cường, năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, xứng đáng hơn với sự mong đợi, tin yêu của nhân dân cả nước.

Với một TP năng động, rộng lớn, nhiều việc như địa phương này đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo nói riêng cũng phải làm việc với tinh thần trên 100% sức lực. Mọi việc đang thuận lợi, nhưng “nhà lớn bỗng dưng lại neo người” đó là thiệt thòi lớn cho TP. Đáng mừng là, với số lãnh đạo hiện có, công việc của TP vẫn hoạt động tốt, không hề bị ngưng trệ.

Rõ ràng, TP.HCM đang cho thấy họ có đội ngũ cán bộ, lãnh đạo rất giỏi mà nếu biết cách sắp xếp, khơi gợi năng lực thì TP.HCM dù ít người vẫn điều hành rất tốt mọi việc. Thực tế họ đang làm được như vậy, từ việc bảo đảm không để ngưng trệ bộ máy cho tới chia việc, không nề hà, đùn đẩy, đoàn kết, trách nhiệm đều rất tốt, không bị ảnh hưởng nhiều.

Việc này đặt ra một vấn đề: TP có nên xem lại việc xin đề xuất bổ nhiệm thêm cấp phó hay không. Vì đây cũng là cơ hội giảm biên chế hợp lý nhất của TP.

Bộ Nội vụ nên tiên phong?

Có thể nói, chuyện lạm phát cấp phó không có gì là lạ vì trong một nền hành chính được đánh giá vận hành theo kiểu “hội họp là chính” thì cần nhiều cấp phó cũng là chuyện đương nhiên.
Giảm hội chứng “phình lãnh đạo”?
Vấn nạn “phình lãnh đạo” đang là thách thức lớn trong công tác tinh giản biên chế

Chẳng ở đâu như ở ta, đang có một hiện tượng gọi là “hội chứng phình lãnh đạo”. Cấp Bộ thì một bộ có tới 5-7 Thứ trưởng…Cấp địa phương thì có tới 3-5 cấp phó, một phòng ban nhân sự có khi chỉ có hai người vậy mà vẫn cơ cấu một Trưởng phòng, một Phó phòng. Tổ chức nhân sự kiểu ấy, dường như ở cơ quan nào, địa phương nào cũng có. Trong khi, ở nhiều nước một Bộ chỉ có một Thứ trưởng nhưng bộ máy vẫn chạy tốt, còn ở Việt Nam bộ máy điều hành vẫn có vấn đề.

Có người nói: “Trước đây, vào website: Vpcp.Chinhphu.vn, phần giới thiệu tổ chức bộ máy, người ta thấy rất phản cảm với việc có một số vụ có trên 10 hàm Vụ trưởng, Vụ phó, hàm Vụ phó, thậm chí có Vụ có tới 14-15 Vụ phó và hàm Vụ phó mà chỉ có 3-4 chuyên viên. Hiện nay website này đã làm lại, một số vụ như Vụ Tổng hợp, Vụ Kinh tế ngành chỉ còn 3-4 Vụ phó. Nhưng thực ra, số người giữ chức hàm Vụ phó vẫn còn rất nhiều, chỉ là người ta ngại, không đưa lên web như trước đây thôi”. Hoặc, vào ngay chính website của Bộ Nội vụ, người đọc cũng thấy cơ cấu lãnh đạo cấp phó lên tới 5 Thứ trưởng..v..v.

Với số lượng cấp phó nhất là cấp Thứ trưởng, Phó Chủ tịch nhiều, hiệu quả chưa nhìn thấy đâu, nhưng đã có thể thấy ngay: Số lượng xe công, người phục vụ, các chí phí… đều tăng theo và tiền ngân sách phải chi ra chắc chắn là những con số không hề nhỏ. Còn ở cấp địa phương, ngân sách đã hạn hẹp, nhiều cấp phó, lại càng khiến tiền chi thường xuyên ở các cấp khó khăn hơn.

Hiệu quả cũng chưa thấy đâu khi nhiều cấp phó, lại dẫn đến tình trạng dẫm chân nhau về công việc, chưa nói đến những chuyện mâu thuẫn, bè phái. Nhiều nơi có tình trạng, để họp cho đủ thành phần lãnh đạo, có đủ cấp phó dự họp đã mất rất nhiều thời gian.

Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nói không sai là “lãnh đạo nhiều mà bố trí đi họp vẫn không đủ”. Thế cho nên có vị suốt cả nhiệm kỳ dường như chỉ có mỗi một việc là đi họp. Hết họp trên, họp dưới, đến khởi công, cắt băng khánh thành, rồi giao ban, giao lưu gặp gỡ, lãnh đạo cứ gọi là xoay như chong chóng, chẳng còn thời gian đâu để mà lo việc chuyên môn của cơ quan nữa.

Đã đến lúc cần phải rà soát lại cấp phó, tinh gọn bộ máy, năng cao hiệu quả hoạt động. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Anh Sơn – nguyên ĐBQH khóa XIII nói: “Ở Việt Nam còn có hiện tượng đẻ ra cấp phó chỉ để đi họp. Tôi từng nghe có địa phương có tới 3 cấp phó mà vẫn thiếu người để đi họp, rất lạ lùng. Điều này cũng cho thấy năng lực, ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, lãnh đạo phải xem lại, năng lực càng yếu thì càng phải cần nhiều người… Ở đây tôi muốn nói, không phải nước ngoài họ ít việc hơn Việt Nam nên cần ít cấp phó hơn mà ở đây là cơ chế vận hành và yêu cầu trách nhiệm của họ cao hơn chúng ta”.

Hiệu quả công việc đâu phải do ở chỗ cần phải nhiều người. Để giải quyết những “vấn nạn cấp phó”, hội họp… nói như một vị ĐBQH từng nói rằng: “Tái cơ cấu chính các ông đi”! Liệu, TP.HCM có thể là địa phương tiên phong đi đầu trong việc giảm lãnh đạo cấp phó để các địa phương khác trên cả nước học theo?

Tất nhiên, để giảm hội chứng “phình lãnh đạo” một cách hiệu quả, người ta vẫn mong Bộ Nội vụ đi đầu làm gương, ngoài việc xây dựng chương trình tinh giảm, tinh gọn bộ máy thì Bộ Nội vụ cũng nên rà soát lại nhận sự đơn vị mình. Khi Bộ Nội vụ làm được, thì không có lý gì để các bộ ngành, địa phương khác dám nói “không làm được” cả.
,

No comments:

Post a Comment