Cập nhật tin tức nóng hổi

“Mày biết tao là ai không”, "mày biết tao có quan hệ rộng không" đã xuất hiện từ khi nào?

Thời gian gần đây liên tục xuất hiện những hành vi thiếu văn hóa nơi công cộng khiến dư luận rất bức xúc. Mà những người gây nên các vụ việc này lại là những người có tiền, có quan hệ thậm chí là những người trong bộ máy cơ quan nhà nước.

Mới đây, xuất hiện trên mạng xã hội một đoạn clip về một Đại úy Công an gây mất trật tự tại sân bay Tân Sơn Nhất với những lời lẽ thóa mạ, lăng nhục nhân viên hàng không. Vị cán bộ Công an này đã sử dụng những lời nói thiếu văn hóa, chửi bới thô tục với nhân viên hàng không và có những hành động gây náo loạn ở sân bay chỉ vì liên quan đến việc ký gửi hành lý.

Sự việc đưa lên chưa phản ánh hết được bản chất vấn đề, tuy nhiên dư luận cho rằng, kể cả vị cán bộ Công an trên thật sự bị kích động từ phía đối phương như lời vị này chia sẻ trên dư luận. Sau khi sự việc lan truyền ầm ĩ thì cách hành xử như vậy đối với 1 người làm trong ngành Công an là không thể chấp nhận được.

Cách đây không lâu, vụ việc ông Vũ Anh Cường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Đất Lành lộ nguyên hình “yêu râu xanh” trên khoang hạng thương gia của Vietnam Airlines. Vũ Anh Cường sau khi sàm sỡ cô hành khách ngồi cạnh, bị tiếp viên, phi công yêu cầu xuống máy bay, đã bật ra câu: “Mày biết tao là ai không? Mày tin tao gọi sếp to xử hết chúng mày không?”

Sau khi ông Cường nói câu trên, một khách nam hàng ghế trên chìa điện thoại xuống: “Điện thoại nè, ai gọi thì gọi đi, cho 5 phút”.

Vũ Anh Cường vẫn chưa chịu thôi, nói gì đó cũng khá tinh vi, đại khái bảo ông là ai, ngồi ghế hạng C phải thế này, thế kia. Vị khách kia bảo: “Tôi cho anh 30 giây, Gúc gồ tên tôi nhé…” Nghe đến tên đó, Vũ Anh Cường như tỉnh rượu, chịu ký vào biên bản và bị áp giải ra khỏi máy bay.
“Mày biết tao là ai không”, "mày biết tao có quan hệ rộng không" đã xuất hiện từ khi nào?
“Mày biết tao là ai không?” trở thành câu nói nổi tiếng trên mạng xã hội

Không hiểu sao, tại một địa điểm công cộng, với không gian chật hẹp luôn là nơi một số người tự có là có tiền, có thế thích thể hiện cái văn hóa của họ kiểu đó. Thế mới thấy rằng, ở xứ ta, tiền bạc, sự giàu có khiến nhiều người nhanh chóng thay đổi về diện mạo, nhưng văn hóa thì lại không theo kịp họ.

Cái câu “Mày biết tao là ai không?” cứ xuất hiện đâu đó, liên tục, có lúc thành cả một câu chuyện cười trên báo chí nước ngoài, với tựa đề tương tự, cũng là điều rất tự nhiên.

Thi thoảng người ta lại được nghe câu này lặp đi lặp lại trong cuộc sống. Nó cho thấy một thực tế: Có một bộ phận công dân tự cho rằng mình có thứ hạng cao hơn những người còn lại, và thứ hạng này, một cách bất thành văn, được xây dựng trên những mối quan hệ “khủng” khiến người bình thường không dám đụng vào.

Lại nói về vai trò của các mối quan hệ trong xã hội thì phải khẳng định rằng đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công của mỗi người. Người Nhật có câu: “Quan hệ tốt coi như đã hoàn thành tới 70% công việc”. Ngạn ngữ Anh cũng có câu tương tự: “Show me your friends, I’ll tell you who you are” (tạm dịch: Hãy nói cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là người thế nào).

Ở Việt Nam, khi một người đi đường vi phạm luật lệ giao thông bị cảnh sát xử phạt, việc đầu tiên anh ta làm không phải là nhận lỗi và chấp hành mà là… gọi điện cho người thân. Chỉ khi không có mối quan hệ thân quen nào hỗ trợ, anh ta mới phải dùng đến những biện pháp khác. Hay khi vào cơ quan hành chính nhìn thấy cảnh xếp hàng chen chúc, lập tức gọi điện cho người thân là lãnh đạo để được chen ngang.

Những câu chuyện này phản ánh một thực tế bất cập và một đặc điểm xấu xí trong tính cách của người Việt.

Năm 2017 số phóng viên bị xử lý hình sự, bắt quả tang khi nhận tiền, vòi vĩnh nhiều hơn mọi năm. Không ít nhà báo không nắm luật nhưng lại ảo tưởng về quyền lực. Điều này đã cho thấy dấu hiệu không ít người mang thẻ nhà báo nhưng kiến thức mỏng, không am hiểu thực tế, bản lĩnh chính trị không vững vàng, quy định pháp luật không nắm chắc nhưng lại ảo tưởng về quyền lực báo chí và vị trí của phóng viên.

Đành rằng, ngành nghề nào cũng có bất cập và chúng ta vẫn chậc lưỡi “ở đâu mà chẳng có người này người nọ”. Tuy nhiên, vẫn phải nhìn thẳng vào tình trạng thoái hoá, biến chất nặng nề, sự xuống cấp đạo đức đang diễn ra tại một bộ phận xã hội, trong đó bao gồm cả những người “có học”.

Quyền lực dù to dù nhỏ, nếu không được kiểm soát và sử dụng đúng mức thì sẽ trở nên vô cùng tai hại. Đó không chỉ là sự “khó chịu”, “bất tiện” mà lạm quyền, lộng quyền gây ra cho người khác, người được giao quyền cũng có thể bị “đứt tay” vì lưỡi dao quyền lực, đánh mất bản thân, thậm chí trả giá trước pháp luật.

Trong các xã hội văn minh, càng lên cao, ở những vị trí có ảnh hưởng nhất định trong xã hội, càng phải khiêm nhường, đúng mực, nếu không thể làm gương thì ít nhất cũng tuân thủ mọi quy chuẩn xã hội.

Chỉ có thời mông muội mới có những thế lực tự cho mình quyền tối thượng, đứng trên tất cả, bất cần lý lẽ, luật lệ, chẳng hạn như các “vua tâm linh” ông đồng, bà cốt, thầy bói, thầy cúng, không cần chứng minh mà làng xã vẫn phải e sợ.

Chắc chắn rằng từ thời kỳ đồ đá cho đến nền văn minh đương đại, không có bất cứ một ông hoàng bà chúa nào hỏi câu: “Mày biết tao là ai không?” mà lại khiến người nghe cảm thấy sợ hãi. Có chăng, chỉ là cảm thấy nực cười cho sự phát triển quá nhanh, quá nhiều của đồng tiền bao bọc bên ngoài những thân phận có văn hóa nội tại không hề tương xứng.

Nguồn Tổng hợp , , ,

No comments:

Post a Comment