Cập nhật tin tức nóng hổi

Nên hay không nên đưa 6 triệu hộ kinh doanh thành doanh nghiệp?

Không nên áp dụng cùng một quy định, chính sách với toàn bộ khu vực hộ kinh doanh cá thể.

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất đưa 6 triệu hộ kinh doanh vào vòng pháp luật, phải nâng cấp, minh bạch hóa, đưa hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Đề xuất này đã và đang nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp lẫn các chuyên gia.
Nên hay không nên đưa 6 triệu hộ kinh doanh thành doanh nghiệp?
Đề xuất đưa 6 hộ kinh doanh thành doanh nghiệp của VCCI đang gây tranh cãi trong dư luận

Người dân vẫn ưu thích mô hình “hộ kinh doanh”

Xét về bản chất, hộ kinh doanh chính là cá nhân kinh doanh, còn xét về góc độ địa vị, pháp lý phải thừa nhận như doanh nghiệp tư nhân, không thể phủ nhận. Theo đó, việc chuyển đổi thành doanh nghiệp đạt được lợi nhuận cao hơn, mở rộng được quy mô sản xuất, làm ăn phát đạt.

Vấn đề ở chỗ, người dân ưa thích mô hình hộ kinh doanh vì đăng ký dễ dàng, thủ tục đơn giản và có thể đăng ký ngay tại cơ quan chính quyền cấp huyện, thành phố. Các quy định về chế độ kế toán, sổ sách hết sức đơn giản. Hộ kinh doanh không bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định và yêu cầu về bảo hiểm xã hội, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, môi trường, phòng cháy chữa cháy..v..v.

Đặc biệt, hộ kinh doanh có thể áp dụng hình thức thuế khoán do vậy mức thuế thực tế phải đóng thường rất thấp. Lợi ích lập tức và thấy được với hộ kinh doanh là rất lớn. Đây là một phương tiện vô cùng thuận tiện với chi phí thấp để người dân khởi nghiệp và kinh doanh.

Theo quy định hiện nay, cơ quan thuế, muốn áp mức thuế cho hộ kinh doanh phải thông qua Hội đồng tư vấn thuế xã, phường. Hội đồng tư vấn thuế này gồm: Chủ tịch UBND xã, phường, trưởng công an, đại diện mặt trận, đại diện các hộ kinh doanh. Mức thuế cho các hộ kinh doanh cùng ngành nghề gần nhau phải được đăng tải để các hộ kinh doanh này tham gia góp ý kiến.

Quy định là như vậy, nhưng hiện nay hầu như cán bộ thuế liên phường đưa ra số thu thuế như thế nào sẽ được Hội đồng tư vấn thuế phường chấp nhận số đó và mức thuế của hộ kinh doanh cũng không được niêm yết. Việc quản lý hộ kinh doanh theo hình thức khoán sẽ không mang lại hiệu quả, nảy sinh ra nhiều bất cập, phức tạp, trốn thuế.

Thực tế cho thấy, có những hộ kinh doanh thu nhập vài tỉ một tháng, lợi nhuận hàng chục tỉ đồng/năm như hàng xôi, quán phở của Hà Nội cũng không được coi là doanh nghiệp. Nhưng lại có những doanh nghiệp siêu nhỏ thu nhập vài trăm triệu một tháng cũng phải báo cáo tài chính, thực hiện sổ sách, kế toán như doanh nghiệp…

Do đó, không tạo ra sự công bằng giữa những người nộp thuế với nhau và không tạo được động lực trong kinh doanh.

Nên hay không nên đưa 6 triệu hộ kinh doanh thành doanh nghiệp?

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức nói: “Quan trọng nhất không phải là đưa hộ kinh doanh lên doanh nghiệp để nâng tiêu chí, tăng gấp đôi, gấp ba các điều kiện gây khó dễ cho họ. Mục đích chính là tạo điều kiện thuận lợi cho họ phát triển. Do đó, phải nâng dần từng bước, hợp lý hóa từng bước. Nếu không nâng được chuẩn hộ kinh doanh lên, thì buộc phải hạ chuẩn doanh nghiệp siêu nhỏ xuống”.

Mặt khác, tuy Chính phủ đã có những chỉ đạo thiết thực về mặt cắt giảm điều kiện kinh doanh để tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển, nhưng nhiều hộ kinh doanh vẫn còn nhiều nỗi lo. Đầu tiên chính là thuế, thứ 2 là phương hướng cho sự tồn tại phát triển của chính cơ sở sản xuất đó, thứ 3 là vốn. Đặc biệt, thủ tục hành chính về thuế quá rườm rà, mất rất nhiều chi phí và thời gian qua từng khâu khiến doanh nghiệp phải đối diện với nhiều vấn đề “đau đầu” như thanh tra, kiểm tra, chi phí ngầm.

Đáng lưu tâm ở chỗ, trong 6 triệu hộ kinh doanh phần lớn đang hoạt động yên ổn với việc việc đăng ký tại cấp huyện. Việc buộc các hộ kinh doanh phải đăng ký theo Luật Doanh nghiệp sẽ khiến hàng triệu hộ phải đi đến trung tâm tỉnh, thành phố để đăng ký lại.

Cũng trong 6 triệu hộ kinh doanh đó, phần lớn các hộ kinh doanh hiện đang nằm ở khu vực nông thôn, xa trung tâm thành phố nên họ phải di chuyển hàng chục, thậm chí hàng trăm kilomet để thực hiện công việc này. Chỉ riêng việc đi lại với khoảng cách xa hơn cũng làm tốn kém thêm cho các hộ kinh doanh hàng nghìn tỷ đồng, hàng ngàn ngày công mà chưa thấy một lợi ích cụ thể, rõ ràng nào.

Nói cách khác, đưa hay không đưa các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp thì chúng ta không thể chỉ nhìn vào khu vực hộ kinh doanh thông qua hình ảnh của các hộ kinh doanh lớn tại các thành phố lớn mà còn cần nhìn vào hàng triệu hộ kinh doanh với quy mô siêu nhỏ ở các vùng nông thôn, vùng kém phát triển hơn, đang vất vả mưu sinh. Vì thế, không nên áp dụng cùng một quy định, chính sách với toàn bộ khu vực hộ kinh doanh cá thể .

Bên cạnh đó, chi phí tuân thủ cao trong quá trình hoạt động khi đăng ký thành doanh nghiệp cũng khiến các hộ kinh doanh chùn bước trước ý định chính thức hóa. Những quyết định mang tính hành chính, buộc các hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ không thể thắng được sự khắc nghiệt và những hấp dẫn ma lực từ phía thị trường.

Theo tính toán của các chuyên gia, một hộ kinh doanh có khoảng 10 lao động, khi đăng ký theo Luật Doanh nghiệp họ lập tức sẽ phải chi trả chi phí tuân thủ chính thức là 183 triệu/năm, kể cả khi theo hình thức doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp một chủ). Điểm bất cập là hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay đang bắt buộc các doanh nghiệp tư nhân phải tuân thủ tất cả các quy định về chế độ báo cáo, thủ tục nộp thuế, thủ tục bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… giống hệt như công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn.

Vì thế, phải tuân thủ nguyên tắc thị trường, tôn trọng quyền tự do kinh doanh, tự do lựa chọn hình thức kinh doanh của người dân. Với vai trò kiến tạo, Nhà nước nên lựa chọn các giải pháp chính sách phù hợp với thị trường, với thông lệ quốc tế để điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp, người dân hơn là đưa ra các quyết định mang tính bắt buộc, cưỡng ép và có thể gây tổn hại tới hoạt động bình thường của hàng triệu cơ sở kinh doanh và hàng triệu người lao động trong khu vực này.

Phải nói rằng, 6 triệu hộ làm kinh tế và tạo ra số công ăn việc làm lớn nhất trong nền kinh tế. Nhưng “điều quan trọng trong chính sách này là khuyến khích, vận động làm sao để các hộ kinh doanh tự thấy được lợi ích khi chuyển đổi thành doanh nghiệp. Khi đã lên doanh nghiệp sẽ không phải thường trực nỗi lo lắng phải đối diện với nhiều nguy cơ về chi phí ngầm, thanh kiểm tra và hàng loạt những thủ tục hành chính rườm rà khác…” – Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói.

Điều này cũng có nghĩa, kinh tế tư nhân phát triển là tín hiệu quan trọng của nền kinh tế khỏe mạnh. Và việc nên hay không nên đưa 6 triệu hộ kinh doanh này vào Luật Doanh nghiệp cần phải cân nhắc sao cho hợp lý, cần có lộ trình, đồng thời phải cho họ thấy việc làm này nhằm mục đích giúp đỡ, hỗ trợ để họ phát triển chứ không phải áp mệnh lệnh hành chính để “trói buộc”, “quản lý” họ. ,

No comments:

Post a Comment