Cập nhật tin tức nóng hổi

Với bất cứ trường hợp nào, lợi ích quốc gia phải trên hết!

Vấn đề liên quan đến đấu thầu tuyến đường cao tốc Bắc Nam một lần nữa trở thành mối quan tâm lớn được đề cập tại phiên họp báo Chính phủ vừa diễn ra. Đây là điều không hề bất ngờ vì dự án này vô cùng lớn và quan trọng.
Với bất cứ trường hợp nào, lợi ích quốc gia phải trên hết!
Điều đáng nói là tại vòng sơ tuyển 8 dự án xây dựng theo phương thức đối tác công – tư (PPP) của đại dự án này, trong 60 bộ hồ sơ của các nhà đầu tư được nộp thì có tới 30 bộ hồ sơ của nhà đầu tư Trung Quốc hoặc họ liên danh với doanh nghiệp Việt Nam tham gia sơ tuyển tại tất cả 8 dự án.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, vì đây là dự án đối tác công tư (PPP) nên theo Luật Đấu thầu phải thực hiện đấu thầu quốc tế và người viết ủng hộ việc tôn trọng quy định luật.

Tuy nhiên, ông Đông cũng nhấn mạnh tại cuộc họp báo này: “Trong Luật Đấu thầu, trường hợp có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng thì cấp thẩm quyền quyết định. Chúng ta đang giai đoạn sơ tuyển, sau đó đánh giá sơ tuyển, mới chuyển sang bước đấu thầu, chính thức lựa chọn nhà thầu”.

Chính bởi vậy nên công chúng luôn kỳ vọng và hơn thế là yêu cầu về sự tôn trọng tối đa đối với các quy định luật. Và trong tất cả mọi trường hợp, lợi ích quốc gia phải đặt lên trên hết!

Kết quả nghiên cứu về “một số nhận định về vốn đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam” được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố ngày 22/7 cho thấy, nhiều dự án có vốn đầu tư Trung Quốc để lại hệ quả môi trường, xã hội, thị trường lao động, chậm tiến độ ở nước ta.

25/86 dự án thuỷ điện chậm tiến độ thì 8 trường hợp nguyên nhân chậm tiến độ là do nhà thầu, trong số này có 5 trường hợp có sự tham gia nhà thầu Trung Quốc và dự án metro Cát Linh – Hà Đông, có thể coi là ví dụ “kinh điển”.

Như vậy, mối lo ngại của công luận đối với sự có mặt của các nhà thầu Trung Quốc ở những dự án quan trọng không phải không có lý do hay chỉ nằm ở vấn đề “định kiến”, “cảm tính”, mà những nỗi lo ngại ấy hoàn toàn xuất phát trên cơ sở thực tiễn, trên số liệu thống kê, nghiên cứu.

Người viết xin dẫn một phát biểu rất đáng suy nghĩ của ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương): Bất kỳ nước nào cũng muốn đẩy công nghệ cũ ra nước ngoài, không riêng các doanh nghiệp Trung Quốc, song quyền chọn dự án, quyền chọn đối tác nhà thầu là ở chúng ta.

Ông Tuyển đặt vấn đề “Trung Quốc thực tế là một nước rất giỏi về xây dựng hạ tầng, nhưng tại sao dự án Cát Linh – Hà Đông lại như thế?” và theo ông “lỗi tại nhà thầu nhưng cũng có lỗi của chúng ta”.

Do đó, phải lật lại rằng: “Tại bất kỳ án nào chúng ta cũng cần phải nhìn nhận lại đã giám sát chặt chẽ chưa, đầy đủ trách nhiệm chưa? Dòng vốn Trung Quốc có thể sẽ càng ngày càng nhiều hơn. Không còn cách nào khác chúng ta phải nâng cao trách nhiệm của mình lên” vẫn là lời ông Tuyển.

Đáng mừng là theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: “Chính phủ rất quan tâm đến hồ sơ mời thầu tuyến đường cao tốc Bắc – Nam. Đây là tuyến đường rất quan trọng, có cả hồ sơ trong và ngoài nước, vì vậy tinh thần chỉ đạo chung của Thủ tướng là đấu thầu công khai quốc tế, minh bạch, không thất thoát, không tiêu cực, chọn nhà thầu có năng lực”. Được biết, 7 bộ, ngành cũng đã được yêu cầu vào cuộc giám sát lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu cao tốc Bắc – Nam.

Quá nhiều những bài học đau xót đã diễn ra, và chúng ta hy vọng, đặt niềm tin sẽ không phải thêm một lần “rút kinh nghiệm” nào nữa, đặc biệt trong dự án tối quan trọng này!

Theo Dân trí , , ,

No comments:

Post a Comment