Mới đây, website trường Gateway lại thêm vào danh xưng “quốc tế” mặc dù trước đó sau vụ việc liên quan đến bé Lê Hoàng Long, trường đã xoá danh xưng này.
Trường Gateway đã đổi lại danh xưng quốc tế (Ảnh chụp màn hình)
Sau vụ bé Lê Hoàng Long (học sinh lớp 1 trường Gateway) tử vong do nghi bị bỏ quên trên xe đưa đón, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội) Phạm Ngọc Anh khẳng định, trên địa bàn quận không có trường nào được cấp phép với tên gọi trường “quốc tế”. Còn Sở GD-ĐT Hà Nội thông báo sẽ thanh kiểm tra các trường có danh xưng “quốc tế” trên địa bàn.
Ngay sau đó, Sở GD-ĐT Hà Nội công bố danh sách 11 trường có tên kèm hai chữ “quốc tế” trong quyết định thành lập và giấy phép hoạt động. Đây là những trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký hoạt động với Sở theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Website trường Gateway (Ảnh chụp màn hình)
Theo danh sách chính thức được công bố này, không có tên trường Gateway.
Trước thông tin trên, trường Gateway và một loạt trường trên địa bàn đã “lặng lẽ” xoá bỏ hai chữ “quốc tế” trên website hoặc biển hiệu của trường. Cụ thể trên website, trường Gateway thay đổi tên từ “Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway” sang “Trường Tiểu học & THCS Gateway”. Đồng thời sau vụ việc bé Long, trường cũng đổi màu website thành màu xám.
Nhưng sau đó, Sở GD-ĐT Hà Nội đính chính thông tin, cho rằng một số báo nêu Sở công bố chỉ có 11 trường quốc tế trong thành phố là chưa chính xác. Theo Sở, các văn bản hiện hành chưa có định nghĩa về trường “quốc tế” mà hệ thống giáo dục chỉ có 3 loại hình trường là: Trường công lập, trường tư thục và trường dân lập. Trường Gateway được xác định là trường tư thục có giảng dạy chương trình nước ngoài.
Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết tên gọi của các trường phải đúng theo quy định của pháp luật. Nếu trong quyết định thành lập không có chữ “quốc tế” mà trường tự đưa vào để mạo danh là sai phạm.
Quyết định thành lập trường Tiểu học Quốc tế Gateway
Như vậy, nếu trong quyết định thành lập mà có chữ “quốc tế” thì là không sai phạm?
Theo tìm hiểu, ngày 27/5/2016, UBND quận Cầu Giấy ban hành Quyết định số 2148/QĐ-UBND cho phép thành lập “Trường Tiểu học Quốc tế Gateway” do Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung ký ban hành.
Cụ thể, Quyết định 2148 nêu rõ: Việc cấp phép thành lập Trường Tiểu học Quốc tế Gateway dựa trên việc xét hồ sơ, đề án và tờ trình số 08/2016/TTr-Dh ngày 16/5/2016 về việc thành lập trường tiểu học Quốc tế Grateway của Công ty CP Diên Hồng.
“Trường Tiểu học Quốc tế Gateway là cơ sở giáo dục được tổ chức theo loại hình tư thục, thuộc hệ thống giáo dục trên địa bàn quận Cầu Giấy, có tư cách pháp nhân và con dấu riêng”, Quyết định này nêu rõ.
Như vậy, có thể thấy mặc dù Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy trước đó khẳng định là trên địa bàn không có trường nào được cấp phép với tên gọi trường “quốc tế”, thì thực tế từ năm 2016, chính quận này đã cấp phép thành lập cho trường Gateway với tên gọi “Trường Tiểu học Quốc tế Gateway”.
Vậy, có phải vì thông tin đính chính của Sở GD-ĐT Hà Nội và giấy phép của UBND quận Cầu Giấy, mà hiện tại trường Gateway đã thêm lại danh xưng “quốc tế” vào tên trường?
Theo ghi nhận, website của trường đã hiển thị lại màu sắc thay vì màu xám như trước. Ngoài ra, mục Thông tin không có bất cứ thông báo nào về việc thêm lại danh xưng “quốc tế”.
Cho tới thời điểm hiện tại, mặc dù đã hơn 40 ngày kể từ vụ việc bé Lê Hoàng Long tử vong trên xe đưa đón của trường, các cá nhân liên quan của trường Gateway vẫn chưa phải nhận bất cứ trách nhiệm nào mặc dù đều có liên đới trong quy trình đưa đón học sinh thiếu kiểm soát. Trong một vụ việc tương tự vừa xảy ra tại Bắc Ninh, trường mẫu giáo Đồ Rê Mí đã bị đình chỉ ngay lập tức để điều tra sau khi bỏ quên một cháu bé 3 tuổi trong xe đưa đón.
Hiện tại dư luận vẫn đang tiếp tục theo dõi vụ việc và chờ đợi kết luận điều tra từ phía cơ quan chức năng.
Theo Trí thức VN Giáo dục , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment