Thời gian vừa qua, một số đại biểu Quốc hội sau khi bị kỷ luật về mặt Đảng, cách chức vụ trong chính quyền, đều được UB Thường vụ Quốc hội cho thôi nhiệm vụ. Dư luận, cử tri đặt vấn đề, đây không phải là hình thức bất tín nhiệm. Quyết định “cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội” không tương xứng với hình thức kỷ luật Đảng, chính quyền.
Không thỏa đáng khi cứ “dính” kỷ luật lại được cho nghỉ vì lý do sức khoẻ
Ngày 21/10, Khai mạc Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, tại kỳ họp Quốc hội sẽ nghe báo cáo về việc Ủy Ban Thường vụ cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu với ông Hồ Văn Năm – cựu Trưởng đoàn đại biểu tỉnh Đồng Nai. Ông Năm không phải đại biểu đầu tiên gửi đơn xin nghỉ vì lý do sức khoẻ, sau khi nhận kỷ luật vì những sai phạm thời gian trước…
Đây là vấn đề được đặt ra tại cuộc họp báo trước kỳ họp thứ 8 của Quốc hội do Văn phòng Quốc hội tổ chức chiều 18/10. Cụ thể, việc gây băn khoăn là thời gian vừa qua, một số đại biểu Quốc hội sau khi bị kỷ luật về mặt Đảng, cách chức vụ trong chính quyền, đều được UB Thường vụ Quốc hội cho thôi nhiệm vụ.
Ông Hồ Văn Năm – cựu Trưởng đoàn đại biểu tỉnh Đồng Nai
Tuy nhiên, dư luận, cử tri đặt vấn đề, đây không phải là hình thức bất tín nhiệm. Do đó, có ý kiến cho rằng, quyết định “cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội” (nhất là vì lý do sức khoẻ) không tương xứng với hình thức kỷ luật Đảng, chính quyền.
Báo giới đề nghị Tổng Thư ký cho biết quan điểm. Đến khi nào người dân có thể thực hiện quyền trực tiếp bãi nhiệm tư cách người đại biểu mình bầu ra khi người đó không còn xứng đáng, theo đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội?
Trao đổi về vấn đề đặt ra, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận, trong nhiệm kỳ này có một số đại biểu Quốc hội được cho thôi nhiệm vụ. Lý do UB Thường vụ Quốc hội quyết định cho thôi với những trường hợp này là vì luật quy định, đại biểu Quốc hội khi có đơn xin thôi nhiệm vụ vì lý do sức khoẻ hoặc lý do khác thì UB Thường vụ Quốc hội có quyền xem xét, cho thôi.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc dẫn chứng, gần đây nhất, trường hợp ông Hồ Văn Năm (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai). Ông Phúc nhận định, ông Hồ Văn Năm bị kỷ luật về mặt Đảng do vi phạm quy định trong thời gian ông làm Viện trưởng Kiểm soát Nhân Dân.
“Trong quá trình này, ông Năm chắc cũng suy nghĩ nhiều, sức khoẻ suy yếu, nên ông làm đơn và UB Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý cho nghỉ thôi” – Tổng thư ký Quốc hội lý giải.
Còn về việc cử tri bãi nhiệm trực tiếp đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận, Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội đều đã quy định nhưng chưa có hướng dẫn về quy trình. Tổng Thư ký Quốc hội cũng thông tin, vừa qua UB Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ban Công tác đại biểu và các cơ quan liên quan nghiên cứu để ban hành quy trình này.
Vấn đề tiếp tục được lật qua lật lại khi báo giới đề cập những trường hợp cán bộ cụ thể ngoài ông Hồ Văn Năm, như ông Võ Kim Cự (cựu đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh), bà Phan Thị Mỹ Thanh (cựu đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Nai, người tiền nhiệm của ông Hồ Văn Năm). Nhiều đại biểu cứ “dính” kỷ luật lại được cho nghỉ vì lý do sức khoẻ khiến cử tri không thấy thoả đáng. Quốc hội có cơ chế nào để việc xử lý đối với các đại biểu Quốc hội bị kỷ luật một cách nghiêm minh và thuyết phục được cử tri hơn?
Cần luật hóa “xử lý cán bộ về hưu có vi phạm” để không thể “hạ cánh an toàn”
Trên thực tế, không ít cấp ủy, tổ chức đảng lúng túng khi xử lý những cán bộ lãnh đạo, quản lý yếu kém năng lực, uy tín giảm, sức khỏe không bảo đảm, trì trệ trong công tác, làm việc kém hiệu quả hoặc có những biểu hiện như sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”, chỉ tập trung giải quyết những vấn đề trước mắt…
Đây thực chất là việc khó, nhạy cảm, liên quan đến con người, cho nên lúng túng là điều khó tránh. Mặt khác, kém năng lực hay trì trệ cũng là những nội dung khó định lượng. Việc lấy phiếu tín nhiệm nhiều khi cũng phản ánh chưa thật sự khách quan do nể nang, quan hệ dòng họ, thân quen mà bảo vệ nhau; đó là chưa kể tình trạng lợi ích nhóm, bè phái, nội bộ mất đoàn kết, dẫn đến kết quả lấy phiếu tín nhiệm sai lệch. Vì thế, trách nhiệm người đứng đầu rất quan trọng.
Điều 84 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức quy định: “Cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới bị phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm”.
Vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 90-QĐ/TW của Bộ Chính trị, quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định số 89-QĐ/TW của Bộ Chính trị, quy định khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp.
Đây là hai văn bản hết sức quan trọng, thể hiện quyết tâm của Đảng trong đổi mới công tác cán bộ, xác định rõ tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ, để xây dựng đội ngũ cán bộ của cả hệ thống chính trị “vừa hồng, vừa chuyên”, đủ đức, đủ tài, thật sự là “công bộc” của dân. Những cán bộ không đáp ứng các yêu cầu đó cần được thay thế, không đợi đến tuổi về hưu hay hết nhiệm kỳ.
Thế nhưng điều mà nhân dân mong mỏi không chỉ là xử lý không có “vùng cấm” của Đảng, mà cần được thể chế hóa trong quản lý của Nhà nước thông qua việc luật hóa quy định “xử lý cán bộ về hưu có vi phạm” để không thể “hạ cánh an toàn”.
Chỉ khi nào cán bộ công chức, viên chức phải chịu trách nhiệm về những việc làm của mình khi đang còn đương chức thì quyền lực mới được kiểm soát, được sử dụng đúng chỗ, đúng trách nhiệm theo quyền hạn được giao thay vì những quyết định thiếu trách nhiệm hay thiếu tầm nhìn dự báo.
Nguồn tổng hợp Chính trị , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment