Cập nhật tin tức nóng hổi

“Nâng đỡ không trong sáng” còn bao nhiêu trường hợp như “hot girl Xứ Thanh”?

Cán bộ yếu kém tất yếu đất nước cũng khó phát triển theo quy luật tích cực vốn có, con thuyền đất nước dễ tròng trành trước bão táp. Hiện tượng con cái lãnh đạo, người thân quen,.. ở một số địa phương và bộ, ngành ở trung ương được bổ nhiệm nhờ “đi tàu siêu tốc” đang là những thông tin gây xôn xao dư luận suốt thời gian qua.

Sử dụng bằng giả làm trưởng phòng Hành chính – Quản trị của Văn phòng Tỉnh ủy

Trưa 4-10, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã trao đổi với báo chí liên quan đến vụ việc bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, Trưởng phòng Quản Trị – Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, sử dụng bằng cấp 3 với tên của chị gái để học tập và thăng tiến.

Theo ông Nguyễn Thượng Hải, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, vào tháng 8-2019, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk nhận đơn nặc danh tố cáo bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (SN 1973), chức vụ Trưởng phòng Quản Trị – Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo (SN 1975).

Bà Thảo chưa học hết cấp 3 nhưng lấy bằng cấp 3 của người chị ruột là bà Sa (hiện là hộ lý, công tác tại Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng) để học trung cấp, liên thông lên đại học và đã học đến thạc sĩ. Đồng thời, bà Thảo kê khai lý lịch cán bộ công chức không trung thực (gia đình có 12 anh chị em nhưng trong sơ yếu lý lịch tự thuật chỉ khai 4 anh chị em).
“Nâng đỡ không trong sáng” còn bao nhiêu trường hợp như “hot girl Xứ Thanh”?
Trần Thị Ngọc Ái Sa, Trưởng phòng Quản Trị – Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk được bổ nhiệm thần tốc

Theo ông Hải, sau khi nhận đơn, Ban tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk đã xác minh vụ việc. Qua xác minh, trong sơ yếu lý lịch tự thuật của bà Sa (tên thật là Thảo) khai năm 2003 chỉ có 4 anh chị em ruột như trong đơn tố cáo là đúng.

Bà Thảo giải trình khi vào làm việc tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, bà đã khai sơ yếu lý lịch chỉ 4 anh chị em, khai chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, bà cũng mượn bằng cấp 3 của chị để học tập và làm việc.

Theo trình bày của bà Thảo, thời điểm đó bà còn trẻ, suy nghĩ chưa chín chắn và nông nổi. Chỉ vì muốn có việc làm để mưu sinh trong lúc gia đình rất khó khăn nên đã mượn hồ sơ của chị để xin việc làm, hoàn toàn không có mục đích nào khác. Bà đã thấy việc làm của mình là sai trái, xin nhận kỷ luật.

“Bà Trần Thị Ngọc Ái Sa có tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo như đơn tố cáo là đúng. Bà chưa học hết cấp 3 nhưng lấy bằng của chị như đơn tố cáo là đúng” – ông Hải nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hải, ngày 10-9, bà Thảo đã có tờ trình xin thôi việc tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk và trong lúc chờ giải quyết, bà đang xin nghỉ phép.

Quan điểm của Văn phòng Tỉnh ủy là xử lý nghiêm theo quy định, có thể bà Thảo không có cơ hội khắc phục sai phạm của mình. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đang xem xét, làm rõ trách nhiệm từ người giới thiệu kết nạp Đảng đến các tổ chức và cá nhân liên quan.

“Không có chuyện đã biết bà Thảo dùng bằng cấp của chị nhưng không xử lý. Còn việc có ai nâng đỡ hay không thì tôi không thể biết được” – ông Hải trả lời thắc mắc của phóng viên.

Nhiều trường hợp “nâng đỡ không trong sáng” tồn tại trong thời gian qua

Khái niệm “bổ nhiệm thần tốc”, “tẩu tán hồ sơ”, “tẩu tán nhân sự”… xuất hiện lần đầu từ vụ “hot girl Xứ Thanh” và nhanh chóng trở thành khái niệm khá phổ quát trong các vụ tham nhũng quyền lực.

Cách đây không lâu, vụ Hot girl xứ Thanh Trần Vũ Quỳnh Anh được nguyên giám đốc Sở Xây dựng Ngô Văn Tuấn bổ nhiệm trưởng phòng chỉ sau 3-4 năm làm việc mà lại còn trái nghề. Phải chăng nếu không phải vì vụ lợi, hám vật chất thì cũng phải vì cái gì đó, nói theo từ ngữ trong kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thì đó là sự “nâng đỡ không trong sáng”.

Dư luận có quyền đặt dấu hỏi với vị nguyên giám đốc sở nọ (sau này được lên chức phó Chủ tịch tỉnh), phía sau câu chuyện bổ nhiệm kỳ lạ này liệu còn có ai nâng đỡ hot girl kia mà chưa bị lộ không?

Nâng đỡ không trong sáng bà Trần Vũ Quỳnh Anh, kết quả là cho ra một quan chức từ nhân viên hợp đồng lên đến cấp trưởng phòng, được đề nghị quy hoạch chức danh Phó Giám đốc Sở Xây dựng. Nữ quan chức chín ép này đã cao chạy xa bay vì thấy đường quan đã bế.

Vậy còn trường hợp Trần Thị Ngọc Ái Sa, Trưởng phòng Quản Trị – Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk thì sao? Ai là người đã nâng đỡ, đưa bà Ái Sa lên vị trí quan trọng này mặc dù chưa có bằng cấp 3?

Ông Vũ Huy Hoàng khi ở cương vị bộ trưởng Công Thương đã đưa con trai là Vũ Quang Hải lúc mới có 28 tuổi lên vị trí Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bia, Rượu, nước giải khát Sài Gòn, ý đồ là sẽ nhắm đến vị trí cao hơn nữa khi Bộ chuẩn bị tiến hành cổ phần hoá một doanh nghiệp nhà nước dạng “khủng” với giá trị nhiều tỷ đô la.

Cũng trong giai đoạn này, dư luận báo chí tiếp tục phản ánh những vụ thăng tiến “siêu tốc” kiểu đó tại các địa phương. Chẳng hạn vụ con trai cựu Bí thư tỉnh uỷ Quảng Nam Lê Phước Thanh là Lê Phước Hoài Bảo. Ông Bảo được đôn lên chức giám đốc sở Kế hoạch Đầu tư Quảng Nam và đã tham gia BCH tỉnh uỷ khi mới 30 tuổi.

Rồi chuyện cha con nhà cựu bí thư tỉnh uỷ Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc với cậu ấm Huỳnh Thanh Phong, tỉnh uỷ viên, Giám đốc sở Công Thương khi mới ở tuổi 33 sau có 7 năm công tác nhà nước.

Chính ông Huỳnh Minh Chắc từng là một điểm tựa quan trọng giúp “quy trình” đen tối đưa Trịnh Xuân Thanh được “luân chuyển theo đường tiểu ngạch” về làm phó chủ tịch tỉnh mà ông là người đứng đầu.

Cán bộ yếu kém tất yếu đất nước cũng khó phát triển theo quy luật tích cực vốn có, con thuyền đất nước dễ tròng trành trước bão táp. Đảng, Nhà nước sẽ mất rất nhiều ở ngay chính công tác cán bộ.

Trong nhiều việc cần làm lúc này của Đảng, công tác cán bộ đã và đang được coi như một mắt xích tối quan trọng. Cần phải quy trách nhiệm và kỷ luật nghiêm các tổ chức, cá nhân nào từng ký những văn bản kết luận vụ nọ vụ kia ở các bộ, ngành, địa phương xảy ra sai phạm trong bổ nhiệm, bảo vệ lấy được cái sai của mình, cho là “bổ nhiệm đúng quy trình” mà nay lại bộc lộ cái sai toé loe như thế! Có vụ do thấy khó cãi thì tìm cách huỷ hồ sơ bổ nhiệm để phi tang bút tích cần phải nghiêm trị bằng pháp luật.

“Nâng đỡ” cho ai đó có chức, có quyền là hành vi sai trái đối với nhân dân và cả với người được “nâng đỡ”. “Nâng đỡ” dù với tình cảm vô tư, không vụ lợi, thậm chí như vì con cái mà “hy sinh đời bố, củng cố đời con” thì suy cho cùng cũng không thể gọi là trong sáng được. Lý đã gian, thì tình khó trong lắm.

Nguồn Tổng hợp , ,

No comments:

Post a Comment