Việt Nam là quốc gia có nhiều di tích, thắng cảnh, vừa mang giá trị lịch sử lâu đời, vừa mang lại nguồn thu cho du lịch. Thế nhưng, những năm gần đây, vì di tích nhiều nên xâm hại di tích cũng diễn ra nghiêm trọng. Vậy chúng ta phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này?
Đơn vị quản lý thiếu trách nhiệm, để xảy ra các vụ xâm hại di tích tràn lan
Tính đến tháng 8 năm 2017, Việt Nam có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh trong đó có hơn 3.300 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 7.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Mật độ và số lượng di tích nhiều nhất ở 11 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng với tỷ lệ chiếm khoảng 70% di tích của Việt Nam. Trong số di tích quốc gia có 62 di tích quốc gia đặc biệt và trong số đó có 8 di sản thế giới…
Liên quan đến việc công trình đồ sộ có tên Panorama ngang nhiên xây dựng trái phép trên đèo Mã Pí Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) gây xôn xao dư luận, trao đổi với Đất Việt chiều 4/10, ông Vương Duy Bảo, nguyên Cục phó Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tỏ ra vô cùng bức xúc.
Tòa nhà 7 tầng làm khách sạn, nhà hàng trên đèo Mã Pí Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Theo ông Bảo, đèo Mã Pì Lèng không chỉ là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia mà còn nằm trong Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận năm 2016.
Theo Luật Di sản, nghiêm cấm tất cả các hoạt động chiếm đoạt, làm sai lệch di sản, xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích danh lam thắng cảnh. Khu vực đèo Mã Pì Lèng không cho phép xây dựng mà chủ yếu khai thác cảnh quan, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch sinh thái.
“Di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia tại địa phương bị xâm hại mà tỉnh không hề biết, đó là điều vô lý. Hơn nữa, con đường đi qua đèo Mã Pí Lèng là con đường độc đạo, lãnh đạo tỉnh cùng lãnh đạo các sở ban ngành thậm chí là cả Trung ương qua lại rất nhiều, chẳng lẽ các vị lại không biết?
Bất kể một hoạt động xây dựng nào trong khu di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia mà cụ thể ở đây là đèo Mã Pí Lèng phải có sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thậm chí trong một số trường hợp phải có cả ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang và UBND tỉnh Hà Giang là những đơn vị được giao trực tiếp quản lý di tích danh lam thắng cảnh này. Để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trong khu di tích như vậy chứng tỏ đơn vị quản lý đã thiếu trách nhiệm”, ông Vương Duy Bảo nhấn mạnh.
Được biết, công trình có tên Panorama đã đi vào hoạt động nhưng chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chưa được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng; chưa được cấp giấy phép xây dựng và công trình chưa có văn bản thỏa thuận đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trước việc di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia bị xâm hại một cách ngang nhiên, diễn ra trong một thời gian dài mà không bị xử lý, nguyên Cục phó Cục Văn hóa Cơ sở đặt nghi vấn: “Liệu rằng có người đứng ra bao che, chống lưng cho công trình sai phạm này không?”.
Theo ông Vương Duy Bảo, không thế chấp nhận phương án hợp pháp hóa để cho nhà hàng Panorama tồn tại. Công trình xâm phạm di tích danh lam thắng cảnh phải bị phá bỏ, hoàn trả lại nguyên trạng.
“Trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện theo yêu cầu phá dỡ, cơ quan chức năng có thể cưỡng chế xử lý. Những sai phạm như vậy phải được xử lý thật nghiêm, tránh tạo tiền lệ xấu, phá vỡ cảnh quan danh lam thắng cảnh của Hà Giang.
Luật Di sản nêu rõ, những hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến di tích danh lam thắng cảnh quốc gia có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cách đây không lâu một sự kiện nhức nhối khác diễn ra ngay tại vùng lõi của khu di tích Tràng An, Ninh Bình. Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận và trở thành di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam khi đáp ứng cả hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên. Tràng An hiện cũng là di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Trước đó, nhiều di tích danh thắng nơi đây đã được Chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng như Khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch
Tam Cốc – Bích Động, chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư… Nói như thế để thấy vị trí đặc biệt quan trọng của Tràng An.
Nhưng Công ty cổ phẩn du lịch Tràng An đã xây dựng trái phép cầu thang bê tông dài 1.115 m với 2.234 bậc lên đỉnh núi Cái Hạ (Huyền Vũ), thuộc xã Trường Yên (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Công trình đã được hoàn thành và được chủ đầu tư đưa vào sử dụng. Xem ra chính quyền địa phương, các cơ quan chịu trách nhiệm về di sản đã không có biện pháp ngăn chặn.
Khi dư luận lên tiếng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào cuộc xử lý thì công trình mới được phá dỡ, nhưng phá dỡ kiểu đối phó, chỉ dỡ đi phần bậc còn nhiều đoạn khung bê tông vẫn còn nguyên. Nếu tiếp tục tình trạng này thì không biết đến ngày nào, cầu thang bê tông này lại được phục hồi để hoạt động.
Các chuyên gia cảnh báo, hành động vi phạm này có thể dẫn đến hậu quả UNESCO xem xét lại việc công nhận Di sản thế giới đối với Tràng An.
Phải xét xử nghiêm minh các đối tượng xâm hại di tích
Vấn đề xâm hại di tích hiện nay diễn ra muôn hình vạn trạng, do nhiều nguyên nhân như nhận thức hạn chế, do buông lỏng quản lý, do trục lợi… nếu không có biện pháp mạnh thì e rằng sự hủy hoại di tích dưới danh nghĩa trùng tu, tôn tạo sẽ xóa sổ nhiều di tích, nhiều viên ngọc quý nhuốm màu thời gian, ghi dấu tài năng, tâm hồn và trí tuệ của cha ông ta, làm nên bản sắc văn hóa dân tộc sẽ biến mất vĩnh viễn.
Một trong những nguyên nhân để tình trạng này ngày càng nghiêm trọng hơn, chúng tôi cho rằng do có sự xuê xoa, nương nhẹ trong xử lý, đặc biệt là Nhà nước hầu như chưa xử lý bằng pháp luật hình sự đối với hành vi xâm hại di tích, trong khi các Bộ luật Hình sự từ 1985 đến nay đều có quy định về tội danh này.
Điều 345 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng như sau:
“1. Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh, gây hư hại di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh hoặc đã
bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2.Phạm tội trong trường hợp gây hư hại di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia hoặc cấp quốc gia đặc biệt, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm”.
Điều 178 năm 2015 về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có hình phạt cao nhất đến 20 năm tù cũng quy định về những tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại; tài sản bảo vật quốc gia…
Như vậy, Bộ luật Hình sự đã dự liệu những tội phạm xâm hại di tích và quy định tội danh, hình phạt chặt chẽ. Do đó, đã đến lúc phải khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các đối tượng xâm hại di tích để tăng tính răn đe, ngăn ngừa. Những người có trách nhiệm quản lý di tích ở các địa phương để xảy ra những vụ xâm hại di tích nghiêm trọng cũng cần xem xét xử lý nghiêm minh.
Lâu nay chúng ta quan ngại về hiện tượng hình sự hóa các quan hệ dân sự nhưng tình trạng không xử lý hình sự những vụ việc có dấu hiệu hình sự chính là bỏ lọt tội phạm, khiến đối tượng mà pháp luật hình sự bảo vệ bị xâm hại ngày càng nghiêm trọng hơn.
Nguồn Tổng hợp Chính trị , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment