Vì sao lại là nước Anh mà không phải là một nước Châu Âu nào khác? Và tại sao người Việt ta nhập cư lậu sang Anh để … trồng cỏ là chính mà không làm một nghề nào khác? Trong bài viết hôm nay tôi sẽ kể vài thứ hay ho cho các anh/chị cùng rõ.
I. Người Việt ở Anh
Anh quốc – nơi mà những người Việt lớn tuổi hay gọi theo kiểu Pháp là Ăng-lê là một quốc đảo biệt lập với phần còn lại của Châu Âu. Xét về độ lỳ và húng thì ở Châu Âu Anh trên Pháp vài boong. Lịch sử đã chứng minh: Để được ly di vợ cũ và thoải mái cưới vợ mới, Henry VIII chơi một cú vô tiền khoáng hậu: Tự tuyên bố tách ra khỏi hội thánh Roma và lập thành Anh giáo và do vua Anh nắm quyền tối thượng. Anh cũng là quốc gia quân chủ đầu tiên thực hiện cách mạng tư sản triệt cmn để: Lôi đầu Charles Stuart lên đoạn đầu đài, chặt thủ cấp vua không khoan nhượng. Cũng chính một đám tín đồ Thanh Giáo bật lại vua Anh tanh tách như tôm, khiến vua Anh đau đầu lệnh cho chúng cút mẹ hết sang châu mỹ khỏi nghĩ ngợi, để rồi gần 100 năm sau chúng tách hẳn thành một quốc gia Hiệp chủng quốc…Nói thế để thấy rằng, nước Anh, người Anh không hề “hiền từ” chút nào. Đối với người VN, sau gần 100 năm Pháp thuộc, người Việt ảnh hưởng bởi văn hóa và lề thói Pháp nhiều hơn. Trước 1975, người Việt ở Anh chỉ chừng 300 mạng, đa số là do công vụ, một số ít thì là du học sinh. Sau biến cố 1975, trong khi Pháp, Bỉ, Bắc Âu nhan nhản người tị nạn thì số người Việt ở Anh cũng chẳng tăng lên bao nhiêu. Thời gian này, người VN ở Anh nổi tiếng là cố Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, ông Thiệu đã ở Anh một thời gian trước khi chuyển sang Mỹ định cư.
Biến cố xảy ra vào năm 1988, khi các trại tị nạn ở Hongkong (Hương Cảng) ngưng tiếp nhận thuyền nhân VN, số người đã qua HK từ trước, còn kẹt lại tại các trại tị nạn mà không thể đến Mĩ được LHQ sắp xếp cho đi định cư tại các nước khác trên thế giới. Đợt này nhiều anh/chị/em được đi Bắc âu và cả Anh quốc. Nếu các anh/chị đã đọc qua bài về người Việt trong trại tị nạn HK do page đã viết trước đây sẽ nhớ nhanh vấn đề này: Anh em tị nạn chính trị thực sự thì ít mà a dua đi theo thì nhiều. Những người bị kẹt trong đợt cuối cùng này, phần lớn là anh em Hải phòng, Quảng Ninh. Đã có khoảng 3000 anh em chọn Anh Quốc làm nơi định cư và đấy là cột mốc quan trọng đối với sự phát triển cộng đồng người Việt ở Anh sau này.
II. Tại sao Cần Sa và tại sao là nước Anh
Nước Anh liệt cần sa vào hàng biệt dược nhóm B từ năm 1928, tội sản xuất và tàng trữ có thể lên đến 5 năm tù và tiền phạt không giới hạn. Người Việt ở các nước trên thế giới thường chọn những nghề đặc trung theo từng quốc gia: Ở Mỹ là nail, ở Đài Loan, Hàn Quốc là công nhân nông trường, ở Trung Đông và Bắc Phi một thời là công nhân xây dựng, ở Đức là buôn thuốc lá lậu, ở Tiệp, Ba Lan, Liên Xô là chạy chợ kiếm cơm … và ở Anh cơ duyên đã trao cây cần vào tay người Việt để làm nên lịch sử.Là một trong những nước sau cùng đón nhận lượng lớn người tị nạn, nhưng lại là những thành phần “chất” nhất của VN, dân hải phòng, Quảng Ninh nhanh chóng bắt sóng được những cơ hội kiếm cắn ở Ăng-lê. Sau khi có quốc tịch rồi thì rất nhanh chóng, một người VN sẽ kéo cả họ hàng hang hốc 7 đời nhà họ sang nước ngoài luôn, ban đầu thì là để phụ giúp công việc, sau là để … “thêm người, thêm mạnh”. Trước năm 2000, dân Hải phòng chiếm đa số người Việt ở Anh, và có tham gia những phi vụ nhỏ lẻ như làm giả hộ chiếu, làm lao động chui trong các tiệm ăn Trung hoa. Buôn cần cũng có nhưng chỉ là nhỏ lẻ. Một người bạn của tôi từng đi học ở Anh quãng năm 2000 cũng thuộc dạng lầy lội từng được các “đại ca” thương mến, cho hẳn 1 kg cần để … xài dần. Ổng thì không thích món này nên cứ quăng đại vào phòng trong ký túc xá, rồi vô tình, một thằng Nga qua chơi nhìn thấy, mấy hôm sau cả đám du học sinh Nga đứng xếp hàng trước cửa phòng hắn để … xin cần. Ông tướng hoảng hồn, nhưng cũng phải cho, còn lại bao nhiêu đem quăng hết xuống mương nước, mà vậy còn chưa hết, cả tuần sau nguyên trường đồn ầm là ông tướng này chơi với cả … mafia.
Cây cần sa chỉ thực sự bén rễ với người Việt ở Anh từ năm 2004 trở đi, trước đó người Việt trồng cần chủ yếu ở Canada để tuồn vào Mỹ. Trước đó nữa, cây cần được trồng chủ yếu ở vùng British Columbia (B.C) – Canada và được sản xuất cũng như phân phối độc quyền bởi băng đảng Hell Angel – hội motor giang hồ lừng danh ở Mỹ. Có thời điểm ngành trồng và bán cần sa ở B.C mang về lợi nhuận 6,5 tỉ USD/năm, chỉ sau … dầu mỏ và khí đốt cho xứ này. Đang ăn ngon thì người Việt nhảy vào. Người Việt ban đầu trồng cần mướn cho Hell Angel nhưng sau đó chính người Việt đã … cách mạng hóa ngành trồng cần sa lên một tầm cao mới: Cây cần sa trồng ngoài tự nhiên một năm chỉ được hai vụ, và dễ bị phát hiện bởi trực thăng cảnh sát và chó nghiệp vụ, người Việt phát hiện ra rằng: Cây cần hoàn toàn có thể trồng trong nhà kính, những bóng đèn dây tóc công suất lớn mở ngày đêm 24/24, hệ thống quạt thông gió chạy liên tục cùng với phân bón, chất kích thích tăng trưởng và hệ thống tưới tiêu khép kín. Cần trồng trong nhà kính dù kích thước sẽ bị hạn chế so với trồng ngoài tự nhiên nhưng vòng đời lại ngắn hơn trong khi sản lượng là tương đương, trồng trong nhà kính thì 1 năm có thể thu đến … 4 vụ, chưa kể hàm lượng marijuana, chất tạo độ “phê” của cần lại tăng lên gấp đôi. Nói cách khác, người Việt đã ứng dụng công nghệ sinh học và khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất vào ngành trồng cần, hehe. Từ vị trí người làm thuê, dân Việt bắt đầu tách ra làm riêng và bắt đầu chơi … láu cá, báo cho cảnh sát những vườn cần sa lộ thiên của dân bản xứ… chính bọn Hell Angel, từ chỗ thuê người Việt trồng cần, nay bị mất thị trường và trở thành ... bạn hàng lớn của người Việt trồng cần.
Qua đầu thập niên 2000, cảnh sát Canada bắt đầu thu thập hồ sơ về một nữ doanh nhân người Việt có cái tên rất đẹp: Lê Thị Phương Mai. Bề ngoài là một nữ doanh nhân mới nổi nhưng phía sau sự huy hoàng ấy là cả một bộ máy trồng và cung cấp cần sa khổng lồ. Trong hai năm, băng nhóm của Mai và cộng sự là Ze Wai Wong – Hà Thế Hoàng thâu tóm toàn bộ thị trường cần sa Toronto và Ottawa, trong khi Vancouver, nơi có khu phố tàu sầm uất nhất thế giới là lãnh địa bất khả xâm phạm của gia tộc Madame Lee - bà Lý - một trùm Tam Hợp Hội.
Sinh năm 1966, quê gốc Kiến An Hải Phòng, nhưng trong hồ sơ tự khai là sinh năm 1977, quê Phú Yên để dễ bề hưởng trợ cấp thuở mới chập chững sang Canada, bà trùm Phương Mai nhanh chóng móc ngoặc với các tay anh chị đất cảng tuyển người đưa sang Canada làm việc trong các trang trại trồng cần kín đáo. Lúc ấy, chỉ cần chịu đi, toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở sẽ được bà trùm lo liệu tất. Người làm công chỉ việc im lặng và làm tốt công việc của mình. Đường dây của bà trùm Mai khép kín đến nỗi nếu một trại cần bị cảnh sát úp sọt thì người làm trong trại cũng … chả biết gì mà khai. Sau 2 mùa trồng cần - tức là 6 tháng như thế, nếu êm xuôi, “nông dân” sẽ được cho hồi hương và lận lưng một số tiền kha khá, đổi tốp khác sang thay. Bà trùm kiêm luôn việc chuyển tiền về tận tay thân nhân người "nông dân" với giá cả hợp lý và uy tín cực cao. Tuy nhiên, mạng lưới phát triển ngày càng lớn đòi hỏi phải có thêm nhiều nhân công, nhiều đường dây khác để đưa người đi. Có cung ắt có cầu, qua giới thiệu của các đồng hương Hải Phòng, Phương Mai từng ngồi "nói chuyện" với Kim Anh - nữ tướng của Năm Cam - nhưng cuộc gặp này không đi đến đâu, chủ yếu vì boss Phương Mai không xem Kim Anh vào nửa con mắt. Boss Phương Mai cho Kim Anh chỉ là dạng scrubber (ông nào ko biết từ này thì search gg nhé, từ này là tiếng lóng, rất bậy, còn tệ hơn chữ whore) không hơn không kém, chưa đủ đẳng ngồi ngang hàng với mình.
Gần 1 năm sau, bà trùm Mai Phương mới có dịp tiếp kiến ông trùm Năm Cam nhân dịp Năm Cam đưa cháu ngoại đi Mỹ du học. Đáp lại lời đề nghị của Phương Mai, cậu Năm lạnh lùng gằn từng tiếng: Never ! – Tức là: Năm Cam sẽ không bao giờ dính vào ma túy, ông thừa hiểu nếu dính tới ma túy, cả đế chế của ông sẽ sụp đổ ngay lập tức… (đoạn này nghe giống giống God Father của Mario Puzzo nhỉ?). Rồi 1 năm sau cả đế chế của Năm Cam vẫn ko tránh khỏi bị triệt phá, 1 năm sau nữa, bà trùm Phương Mai dự định đầu tư vào 1 khu du lịch ở Khánh Hòa để rửa tiền từ buôn ma túy thì lúc này FBI đã sờ gáy. Toàn bộ đường dây của bà trùm sụp đổ, cảnh sát phát hiện ra đường dây này đã kịp bén rễ tới 16 thành phố lớn của Mỹ và doanh thu mỗi tuần lên đến 5 triệu USD.
Tất nhiên, cảnh sát không thể bắt cho sạch những đối tượng trong đường dây này được, những kẻ lọt lưới nhanh chân té khỏi Bắc Mỹ và Anh quốc được chọn làm điểm đến tiếp theo. Ngoài sự tương đồng về ngôn ngữ, pháp luật, văn hóa với Canada, ở nước Anh có những trang trại rộng lớn, những vùng đất bỏ hoang ở vùng nông thôn biệt lập đến nỗi: "Người ta cứ nghĩ những tội ác trứ danh phải xảy ra trong những khu phố nhếch nhác, ngoằn nghoèo ở thủ đô. Mấy ai biết rằng, chính những điền trang rộng lớn, biệt lập như thế này lại là những nơi mà tội ác xảy ra kín đáo và được che giấu một cách hoàn hảo nhất" - và người đã đưa ra nhận xét chí lý trên chính là ... Sherlock Holmes. Ngoài ra còn 1 số nguyên nhân khác thu hút người Việt sang Anh:
- Mệnh giá bảng Anh luôn cao nhất, thời năm 2004 kẻ hèn này nhớ 1 Bảng đổi ra ăn 34 ngàn VND, ngày nay thì chắc tầm hơn 30k. Như vậy, dù đi trồng cần hay làm nail, chạy bàn thì tiền cầm về vẫn nhỉnh hơn các xứ khác.
- Thể chất người VN nhỏ con, gặp ông nào chừng 20 - 21 mà bị tóm, khai dưới 15 có khi còn được miễn truy tố và được nhà nước nuôi ăn học, tái hòa nhập cộng đồng.
- Trồng cần ở Anh khác với buôn ma túy, ít va chạm thanh trừng với các băng đảng hơn và nếu có bị cảnh sát úp cũng chỉ ngồi chừng 5 năm (nhưng từ 2010 tới nay thì vế đầu ko còn đúng nữa).
Từ sau 2004, người Việt vượt biên sang Anh chủ yếu là dân Nghệ An, Hà Tĩnh vì hai vùng này dân đông là một. Có tính địa phương, tương trợ lẫn nhau là 2 (khi một người đã qua trót lọt, họ sẽ giới thiệu và dìu dắt cho anh em, họ hàng trong nhà hoặc đồng hương, đồng quán). Kín mồm miệng, không chưng diện se sua là ba và chịu khổ chịu cực giỏi là bốn. Khổ cực thế nào thì xem phần tiếp.
III. Muôn nẻo sang Tây
Sang được Ăng lê, tất nhiên chỉ có thể đi từ Pháp (sang từ Bắc Âu cũng được, nhưng rất khó, mà nếu đã đi đường Bắc Âu thì ở lại mẹ Na Uy hay Thụy Điển có khi còn khá hơn đến Ăng lê). Còn từ VN đến Pháp thì đủ đường. Có các con đường như sau:- Express : Dành cho dân lắm tiền nhiều của, người ta sẽ sắp xếp cho anh/chị đi thẳng sang Pháp bằng máy bay dưới danh nghĩa du lịch. Sang Pháp rồi chỉ còn chờ lên xe cont chạy thẳng qua eo biển Manche hoặc đi phà qua Dove là tới (bước đến Pháp và chờ xe để đi lậu vào Anh là bước kế cuối, áp dụng chung cho cả những trường hợp ở dưới).
- Qua ngả trung âu: Người vượt biên sẽ đi ngược lên Trung Quốc, sang Nga, vào Ba Lan, qua Hungary, Đức rồi vào Pháp.
- Qua ngả Balkan: Từ Trung Quốc đi qua các nước Trung Á, qua Serbia, rồi Rumani, rồi đến Ý, rồi đến Pháp.
Tất nhiên, giá tiền thì tùy theo gói, gói nào càng nhiều chặng thì càng ... ít tiền. Khi tham gia vào đường dây, có nghĩa là người vượt biên mặc định phó thác tính mạng vào tay bọn mafia quốc tế. Vì hành trình qua rất nhiều quốc gia nên đường dây này có sự tham gia của rất nhiều tổ chức số má trên giang hồ: Hội Tam Hoàng của Tung Của, mafia Nga, mafia Ý, thậm chí cả ... mafia người Việt. Hành trình đến Ăng lê cũng khá gian nan: từ Nga sang châu Âu có khi phải chờ cả tháng trời để gặp được đúng kíp biên phòng ăn rơ với đường dây. Đi được sang Ba Lan nhiều khi phải cuốc bộ băng đường rừng trong cả tuần lễ mới tới được bãi hàng, rồi mới có xe hàng chở vào Pháp. Đây là đoạn gian nan nhất, người vượt biên được yêu cầu xé bỏ hộ chiếu, bỏ lại điện thoại, ko hành lý, chỉ mang theo đúng quần áo trên người, ăn uống có người của tổ chức lo... Nhưng không có gì bảo đảm những người này sẽ đến được nơi họ muốn, chuyện phát sinh chi phí, bị trấn lột, bị hiếp, bị đánh đập là chuyện xảy ra thường xuyên... Không ít anh chị em trên bước đường bôn ba vạn lý đã ngả lòng, chấp nhận ở lại quách Nga, Đức hay Ba Lan buôn bán làm thuê lặt vặt để chờ ngày về quê hương. Anh chị em nào có sức khỏe thì nếu êm xuôi tầm tháng rưỡi là có mặt ở Pháp, tuy nhiên hành trình gian nan nhất cũng chính là ở đây.
Các xe container vào Anh phải đi qua trạm kiểm soát tầm nhiệt. Trừ khi phím được với hải quan Anh thì không nói, cách duy nhất để qua trạm trót lọt là ngồi trên cont chở thịt đông lạnh. Cont này luôn cài đặt nhiệt độ âm và bít kín hoàn toàn để nhiệt độ không thoát ra ngoài được nên máy tầm nhiệt sẽ ko hiển thị. Một vài cont sẽ có thiết kế đặc biệt, có những lỗ thông gió đóng mở được từ bên ngoài để người bên trong duy trì sự sống nhưng phần lớn thì không. Năm 2008, nhà chức trách Anh phát hiện 1 container chở 58 người châu Á, trong đó 56 người đã chết ngộp, chỉ còn 2 người trẻ nhất và lên xe sau cùng, ngồi gần cửa nhất là còn sống. Lý do là lái xe ... quên mở lỗ thống gió sau khi đóng lại để qua trạm. Trong vụ 39 người vừa qua, có thể nguyên nhân chết ngạt là vì chiếc xe cont đã bị kẹt lại quá lâu tại trạm kiểm soát.
Nếu may mắn không bị chết ngộp, anh em coi như đã có cơ hội đổi đời: Thu nhập của một cần nông tại Anh năm 2014 (giờ chắc cao hơn rồi) là 6000 bảng, một tháng tầm 25.000, ăn uống do chủ bao cấp toàn bộ. Với mức thu nhập đó, chỉ sau tầm 2 tháng là cần nông trả được chi phí 30.000 bảng để sang Anh cho tổ chức. Còn lại những tháng ngày sau đó thì cứ cày mà kiếm tiền cho tương lai. Nói thêm một chút về quy mô ngành trồng cần sa ở Anh:
Tại Anh, có tới 2,7 triệu người tiêu thụ hơn 1.000 tấn cần sa với giá trị ước tính 5,9 triệu bảng Anh (9,17 triệu USD) mỗi năm, đó là chưa kể số lượng cần được chuyển ngược sang các nước Châu Âu và Hà Lan, Bỉ, Pháp qua Đức và Nga. Thông thường, các nạn nhân bị đưa đi tản mác ở khắp nước Anh, tránh xa các thành phố lớn để tránh tầm ngắm của cảnh sát. Để trồng thành công cần sa trong nhà, những kẻ đầu tư sử dụng nhiều loại người. Một số là thợ điện có thể câu trộm điện từ mạng lưới điện nhà nước để đem điện vào nhà trồng cây, số khác có nghề về hàn xì để thiết kế nhà xưởng, lắp đường ống nước. Những người khác thì chăm chỉ nhưng không có kỹ năng đặc biệt gì mới được giao nhiệm vụ kín đáo chăm sóc cây. Người trồng cần thường phải ăn ngủ và sinh hoạt ngay tại nơi trồng cần, lúc đầu người Việt thường chọn thuê những căn nhà rộng ở ngoại ô để trồng, nhưng sau đó, một là hóa đơn điện nước tăng đột ngột, hai là vào mùa đông trong khi cả làng cả tổng tuyết phủ trắng mái nhà thì những nhà nào trồng cần trên mái hầu như chẳng có tý tuyết nào. Đơn giản là vì trong nhà trồng cần lúc nào cũng bật đèn dây tóc công suất lớn và quạt thổi gió cực mạnh, vì cần sa là loài cây nhiệt đới, cần nhiệt độ và ánh sáng để sinh trưởng. Người Việt nhanh chóng nhận thấy những bất cập này nên xoay qua hướng mới: Họ tìm thuê những nhà kho, nhà xưởng cũ hay thậm chí là bệnh viện cũ, và cả … hầm trú ẩn hạt nhân từ thời chiến tranh lạnh để trồng cần, bí quá thì anh em dùng luôn cả … container. Cần nông phải túc trực 24/24 trong nhà xưởng, mặc quần áo cách nhiệt kín mít và không được tiếp xúc với ánh mặt trời trong nhiều ngày nên nghề trồng cần bào sức khỏe rất nhanh, ít có phụ nữ trụ được lâu dài với nghề, chỉ đàn ông mới làm được (cho nên mình nghi là chị VN trong quan tài tập thể 39 người kia đến Anh có thể để làm nail thôi, chứ chưa chắc trồng cần). Một lý do nữa để luôn túc trực bên cây cần, đó là chăm cây thì ít mà để canh cảnh sát và đồng hương thì nhiều. Đồng hương đây là người VN, đã làm cái nghề phạm pháp này thì xác định luôn là chỉ có xài luật rừng với nhau, rủi mà bị đánh cướp thì một là chơi khô máu, hai là bỏ của chạy lấy người mà thôi. Trong một số trường hợp, bỏ của chạy lấy người tưởng thoát rồi, ai dè còn bị chủ trại nghi ngờ, cho đàn em móc ra bằng được, rồi đánh đập, tra khảo đến mất mạng, thế nên có câu Giàu vì bạn, khốn nạn vì đồng hương. Nếu may mắn giữ được mạng và qua mặt được nhà chức trách sở tại, sau 2 năm, cần nông có thể hồi hương với khoảng 500,000 bảng, quy ra VND tầm 15 tỷ. Với số tiền đó trở về thì anh em quả thật xem như tái sinh lần 2 vậy, còn … có đáng để đánh đổi hay không? – Câu trả lời nằm ở bản thân mỗi người chúng ta vậy…
Vy Nguyễn Kinh tế , Tin quốc tế , Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment