Họ thừa hiểu quy trình lập, thẩm tra, phê duyệt, báo cáo và cuối cùng là thông qua một dự án về chính sách, văn bản luật là một chu trình phức tạp và có sự liên đới, nhiều cấp và nhiều vòng tới mức nào.
Nhưng, như Bộ luật Hình sự 2015, dù đã được thông qua tại Quốc hội và chỉ chờ ngày có hiệu lực thi hành, mà vẫn có tới cả trăm lỗi sai rất nghiêm trọng được phát hiện ra sau đó - cái sai lớn như con voi mà không hiểu sao vẫn chui lọt qua tấm lưới đánh cá với những mắt lưới chằng chịt và chi chít nhau. Những sự sai sót, từ nhỏ tới lớn và từ thấp tới cao trong mọi lĩnh vực, đã trở thành một căn bệnh trầm kha và có tính hệ thống.
Và quan trọng hơn, các đạo luật hiện hành đã đều quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân (cả với người đứng đầu cơ quan), tập thể trong việc báo cáo, thiết lập, thẩm định, trình phê duyệt và thông qua dự án là chính sách, văn bản pháp luật - nhưng khi có sai phạm xảy ra, họ lại rất bình thản trong việc bao biện cho những sai trái rất nghiêm trọng ở tầm vĩ mô và quốc gia đó - họ dường như biết họ chẳng phải chịu trách nhiệm gì trước nhân dân cũng như trước pháp luật.
Và có vẻ như họ cũng đã quen với việc sai sót mà họ luôn xem những thứ đó đều là không quan trọng, vốn được coi như những bài học lớn để rút kinh nghiệm, thành thử họ hoặc là tìm mọi cách chối bỏ kể cả là trơ trẽn hay phi lý nhất, hoặc thong thả thừa nhận nhưng coi rằng không đáng gì cả.
Phải đưa những người đứng đầu các cơ quan ở cấp trung ương (Chính phủ, Bộ và tương đương Bộ) và tổ chức quyền lực địa phương có trách nhiệm trong toàn bộ chu trình lập và trình dự án này ra xử lý. Phải xử lý thật nghiêm những người đứng đầu và những người có trách nhiệm với hoạt động của mình thì mới mong rằng những người đảm nhận chức vị của dân trong bộ máy công quyền trở nên trách nhiệm hơn trong mọi hoạt động của họ. Và tiến tới phải bổ sung tội lừa dối quốc hội và tội thiết lập, đệ trình các báo cáo, dự án, đề án không trung thực để xử lý về mặt hình sự đối với các trọng tội liên quan tới các hành động, chu trình vận hành của các cơ cấu quyền lực với mức độ và phạm vi quốc gia này.
Cứ thản nhiên thừa nhận các sai sót trong xây dựng, hoạch định chính sách quốc gia cũng như vui cười bàn giao các núi nợ với hàng trăm ngàn tỷ đồng từ thời kỳ này qua thời kỳ khác do hàng loạt dự án thua lỗ trước toàn xã hội đến khi nào nữa? Quan chức xem thường trọng trách hay là người dân dửng dưng với vận mệnh dân tộc, hay luật pháp không có chỗ để được áp vận vào (ít nhất là đối với quan chức), hoặc là cả ba thứ đó cùng một lúc tồn tại?
Chuyện dân sinh của hàng chục triệu người nhiều thế hệ và của đất nước đang ngày càng khánh kiệt này, thế mà họ nghĩ đơn giản họ nhặt nhạnh, vơ vét số liệu trên mạng như đi xin một mớ rau ngoài chợ vậy - sao chép trên mạng như đứa trẻ cóp bài để qua kỳ kiểm tra trên lớp và...Trời ạ!
-Luật sư Lê Luân- Chính trị , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment