Không ít người bất ngờ và phẫn nộ trước thông tin tàu Trung Quốc từ chối cứu hộ tàu cá Việt Nam thả trôi trên quần đảo Hoàng Sa cho dù đã đến hiện trường.
Ảnh minh họa
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết “Theo Ủy ban Quốc gia về Ứng phó Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn của Việt Nam, sau khi nắm được thông tin về tàu cá QNA90569TS bị gãy trục lát và thả trôi vào ngày 29/9/2019 tại khu vực đảo Bạch Quy, quần đảo Hoàng Sa, Ủy ban Quốc gia về Ứng phó Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn đã phối hợp với Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc tham gia cứu hộ”.
Trái ngược với mong muốn từ phía cơ quan chức năng của Việt Nam, tàu Trung Quốc xác định sự cố tàu QNA90569 chỉ là cứu hộ, không phải cứu nạn rồi từ chối, chỉ giới thiệu đến cơ quan cứu hộ, nếu muốn được cứu hộ thì phải trả tiền theo thỏa thuận. Đúng là theo Luật Hàng hải, nếu là cứu hộ thì phải trả tiền nhưng ở tình huống có thể nguy hiểm đến tính mạng con người mà tàu Trung Quốc vẫn mở miệng “tiền, tiền” rồi quay lưng bỏ đi là điều khó chấp nhận được. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh một điều rằng: “Các tàu cá khi hoạt động trên biển có trách nhiệm thực thi các công ước quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 và các sáng kiến của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), theo đó các tàu cá có trách nhiệm đối xử nhân đạo và hỗ trợ ngư dân gặp nạn trên biển”.
Trung Quốc đã bất chấp Luật pháp quốc tế để bỏ rơi tàu Việt Nam gặp nạn nhưng đáng lên án nhất vẫn ở góc độ tình cảm con người, tinh thần nhân đạo. Chẳng may con tàu gặp sự cố của Việt Nam lúc ấy rơi vào vùng áp thấp nhiệt đới, bị sóng biển nhấn chìm thì sao? Tài sản mất không đáng nói nhưng có thương vong thì sao? Đằng sau mỗi người đàn ông trụ cột của gia đình căng buồm ra khơi còn biết bao nhiêu người cha, người mẹ, người vợ và các con đang chờ đợi họ trở về. Mặc dù tàu cá Việt Nam chưa chìm nhưng ai đảm bảo nếu không được đưa vào bờ kịp thời thì sẽ không có tang thương. Không còn một từ nào có thể diễn tả hết hành động vô nhân đạo của những con người trên chiếc tàu Trung Quốc đó.
Đúng là thời gian qua, căng thẳng giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng tất cả vấn đề này đều xuất phát từ tham vọng muốn độc chiếm biển Đông thành cái ao nhà của Trung Quốc, dã tâm xâm chiếm biển đảo Việt Nam. Mặc dù căng thẳng chưa dừng lại nhưng chưa bao giờ Việt Nam thấy chết mà không cứu như trường hợp của tàu Trung Quốc vừa qua.
Nhớ lại trước đây, một thuyền viên người Trung Quốc trên tàu đi từ Thái Lan đến Hong Kong, khi đi ngang qua vùng biển Quảng Ngãi đã bị đau bụng dữ dội. Bất chấp thời tiết ở khu vực đó có gió cấp 7, giật cấp 8 sóng cao 4m rất nguy hiểm nhưng tàu cứu nạn chuyên dụng SAR 412 cùng các y bác sĩ của Trung tâm cấp cứu y tế 115 Đà Nẵng vẫn rời bến đi cứu nạn, cố gắng tiếp cận tàu Trung Quốc để tiến hành sơ cấp cứu nạn nhân thoát khởi con nguy kịch. Cũng chính tàu SAR 412 đã từng cứu một thuyền viên người Trung Quốc bị gãy xương đùi trên biển, đưa vào bờ thành công. Mà đâu chỉ cứu một, hai người, hồi tháng 7 mới đây, tàu cá ngư dân Việt Nam hành nghề lặn ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) đã phát hiện một con tàu của Trung Quốc bị chìm và cứu tới 32 ngư dân của nước này, thậm chí còn chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ ăn uống trên đường đưa người bị nạn về đất liền. Vậy mà khi tàu cá của ngư dân Việt Nam gặp nạn, tàu Trung Quốc lại lấy oan báo ơn, thậm chí còn đặt tiền lên trước tính mạng của con người?
Khác hẳn hoàn toàn cách hành xử vong ơn bội nghĩa của Trung Quốc, trong vụ tàu Việt Nam giải cứu tàu cá Gem-Ver 1 của Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở khu vực bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa nước ta. Trước lời thanh minh sai sự thật của Trung Quốc, phát ngôn viên Hải quân Philippines, đại tá Jonathan Zata đã lên tiếng khẳng định: “Đó là tàu cá Việt Nam giải cứu ngư dân của chúng tôi, chứ không phải tàu cá Philippines”, đồng thời cảm ơn thuyền trưởng và thủy thủ của tàu Việt Nam vì đã cứu mạng sống của 22 ngư dân Philippines. Đó không chỉ là hành động báo ơn từ phía Philippines trước ân nhân cứu mạng mà còn cho thấy tàu Việt Nam đã thực hiện tốt nghĩa vụ quốc tế khi hoạt động trên biển theo UNCLOS 1982 và công ước IMO mà Việt Nam là thành viên và tất nhiên không thể thiếu tinh thần nhân đạo của người Việt.
Tàu Việt Nam cứu thuyền viên Trung Quốc gặp nạn.
Đức Phật đã từng dạy rằng “Cứu một mạng người hơn xây 7 tòa tháp” nhưng có lẽ từ lâu một số người dân Trung Quốc đã bị chính lòng tham, sự ích kỷ và vô nhân tính ngự trị tâm hồn. Nhìn lại những năm qua thì có thể thấy tàu Trung Quốc chỉ muốn tàu cá nước ta chết chìm chứ làm gì có chuyện muốn cứu. Nhiều lần tàu của đất nước họ gây hấn, rượt đuổi, ép tàu cá của ngư dân Việt Nam va vào đá ngầm, bị chìm ở vùng biển Hoàng Sa rồi bỏ đi. Chưa nói đến sự độc ác, vô nhân tính mà nói trên cơ sở pháp lý thôi thì Trung Quốc đã hoàn toàn vi phạm Luật biển quốc tế. Bởi lẽ quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền vùng biển Việt Nam, nước ta có quyền khai thác tài nguyên biển tại đây, Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép còn hành động ngang ngược, khiêu khích lực lượng chấp pháp của ta.
Nhà văn Nam Cao đã từng viết rằng: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình”. Trung Quốc vừa kỷ niệm 70 năm Ngày Quốc khánh cho thấy đất nước này đã ”trỗi dậy, trở nên giàu có và mạnh mẽ hơn trong những thập kỷ qua” nhưng nhìn lại hành động thấy chết không cứu, thấy hoạn nạn quay lưng, gây hấn, chèn ép ngư dân Việt Nam của Trung Quốc trong suốt thời qua thì phải đặt lại một câu hỏi nước này có thực sự là kẻ mạnh giàu có hay không?
Đặng Trường Chính trị , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment