“Con của mình thì mình phải hiểu biết, ai tác động thì mình phải biết. Đây là hình thức ‘chạy’ để giảm nhẹ hình phạt của xã hội, của dư luận với cá nhân họ”, ông Lê Như Tiến nói về trường hợp vợ tác động em chồng nâng điểm cho con nguyên Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh.
Cán bộ nói không biết là ngụy biện
Nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh
Chia sẻ với PV về bản kết luận của Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang công bố danh sách cán bộ, đảng viên địa phương này chịu kỷ luật vì có liên quan đến gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục – Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho biết, vụ việc xảy ra ở Hà Giang có thể gọi nâng điểm, chạy điểm hoặc gian lận thi cử … đều đúng, nhưng ông Tiến cho rằng “gian lận điểm nói đúng bản chất của vấn đề vì có chạy mới có gian lận, có nâng, chứ ai chạy mà hạ điểm xuống đâu, đã chạy là nâng điểm”.
Tất cả những người liên quan đến gian lận điểm thi hoặc tham gia vào việc làm sai lệch điểm thi thì đã được Tỉnh ủy Hà Giang làm rất khẩn trương, có hình thức kỷ luật xứng đáng.
Tuy nhiên, theo ông Tiến, có người tham gia vào quá trình gian lận điểm thi nhưng chỉ bị phê bình hoặc khiển trách là chưa tương xứng với hành vi của họ.
“Những người trực tiếp tham gia thì phải có hình thức kỷ luật nặng hơn đưa ra khỏi ngành hoặc cao hơn nữa là chịu trách nhiệm hình sự. Đây cũng là theo luật, quy định – gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng phải chịu trách nhiệm theo luật, nếu nương nhẹ chỉ phê bình khiển trách thì chưa tương xứng với hành vi của họ”, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.
Trước đây Bí thư tỉnh này khẳng định không có chuyện “chạy điểm” cho con, nhưng nay kết luận thanh tra lại chỉ ra vợ bí thư có “tác động” tới em chồng để nâng điểm cho con. Vậy với vai trò vừa là một lãnh đạo, lại là đảng viên, cán bộ này có vi phạm những điều “đảng viên không được làm hay không?”,
Theo ông Tiến, “việc một số cán bộ lãnh đạo của Hà Giang có danh sách người nhà tham gia tác động để nâng điểm cho con nhưng lại nói tôi không hề biết đây là người nhà thậm chí bà hoặc vợ, có thật bản thân họ không hề biết gì sao?.
Hay đằng sau có điều gì rất khó hiểu hoặc không bình thường? Vì con của mình thì mình phải hiểu phải biết, ai tác động thì mình phải biết. Đây là hình thức ‘chạy’ để giảm nhẹ hình phạt của xã hội, của dư luận với cá nhân họ”, ông Lê Như Tiến khẳng định.
Cựu ĐBQH Lê Như Tiến nhận định, “Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương đã nói rồi, xử lý tham nhũng “không trừ một ai, dù người đó ở cấp bậc nào, chức vụ gì.
Do đó, pháp luật phải nghiêm khắc, công bằng, bình đẳng với mọi người, không phải cứ cấp trên thì được tha bổng, được nương nhẹ, cấp dưới thì nặng tay. Hiện tượng ở Hà Giang cũng như ở Hòa Bình, Sơn La… trong thời gian vừa qua nói rộng ra một số tỉnh là có dấu hiệu chạy điểm, nâng điểm hoặc gian lận điểm thi chúng ta phải làm nghiêm minh, công bằng, bình đẳng, tất cả mọi người đều như nhau”.
Việc xem xét xử lý không gặp trở ngại nào
Liên quan đến vụ việc này, ngày 1/10, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang đã công bố danh sách xử lý 151 cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại địa phương. Trong số này có vợ, em gái nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh.
Sáng nay, trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Tố Oanh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang khẳng định quan điểm chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, thực hiện của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy là “không có vùng cấm”.
Về trường hợp bà Phạm Thị Hà, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Giang (vợ ông Triệu Tài Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, hiện là Phó Ban Kinh tế Trung Ương) và bà Triệu Thị Giang, Phó trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư (em gái ruột ông Triệu Tài Vinh), theo lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang, quá trình thẩm tra, xác minh, xem xét, xử lý kỷ luật không gặp bất cứ khó khăn, trở ngại nào.
Lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang nhấn mạnh, đối với trường hợp của bà Hà hay bà Giang cũng như tất cả các trường hợp khác đều được xem xét, xử lý theo đúng quy định.
“Với trường hợp của bà Triệu Thị Giang, em gái ruột của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh, trong quá trình chúng tôi làm việc, bà Giang đã hợp tác, thừa nhận có tác động và cháu ruột được nâng điểm. Căn cứ các quy định về những điều đảng viên không được làm, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tiến hành kỷ luật Khiển trách và đã có trong thông báo.
Với trường hợp của bà Phạm Thị Hà, vợ của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh, quá trình thẩm tra xác minh xét thấy vi phạm chưa đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật, do vậy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm trước Chi bộ sinh hoạt và Đảng bộ Sở NN&PTNT”, lãnh đạo Ủy ban KTTU Hà Giang thông tin.
N. Huyền/Infonet Chính trị , Giáo dục , Pháp luật
No comments:
Post a Comment