Cập nhật tin tức nóng hổi

Liên tục rớt giá, thịt lợn ở chợ vẫn ế khách

Sau chuỗi ngày tăng giá “chóng mặt”, mấy ngày gần đây thịt lợn có dấu hiệu chững giá và bắt đầu giảm mạnh từ 10.000 – 15.000 đồng/kg. So với thời điểm đỉnh giá, thịt lợn nay đã giảm gần 20.000 đồng/kg.

Chỉ tay vào quầy thịt lợn vẫn còn ế, bà Lê Hoa tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) buồn bã nói: “2, 3 hôm nay giá thịt giảm không còn mỗi ngày một giá như mấy tháng vừa rồi, nhưng sức mua vẫn kém”
Liên tục rớt giá, thịt lợn ở chợ vẫn ế khách
Cụ thể tại quầy thịt của bà Hoa, giá thịt mông giảm từ 160.000 đồng/kg xuống 140.000 đồng/kg… ba chỉ dao động khoảng 150.000 đồng/kg, thịt đùi 140.000 đồng/kg, sườn khoảng 170.000-180.000 đồng/kg… giảm ít nhất khoảng 20.000 đồng/kg.

Xuống dưới mốc 80.000 đồng/kg

Theo ghi nhận ở các chợ truyền thống tại Hà Nội như chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chợ Láng Hạ (Đống Đa), chợ Khương Trung (Thanh Xuân)… giá thịt lợn từ đầu tháng 1/2020 đến nay có dấu hiệu chững giá và bắt đầu giảm liên tục mấy ngày gần đây.

Lợn hơi miền Bắc ghi nhận mức giá trung bình của khu vực giao động trong khoảng 82.000 – 90.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Hưng Yên xuống còn 83.000 – 85.000 đồng/kg; Hà Nam giảm xuống 81.000 – 82.000 đồng/kg.

Ở các chợ truyền thống, giá thịt lợn cũng giảm tương tự. Mức giá bán trước đó đều ở ngưỡng 160.000 – 180.000 đồng/kg. Đến nay, giá thịt ba rọi dao động khoảng 150.000 đồng/kg, thịt đùi 140.000 đồng/kg, sườn heo khoảng 170.000-180.000 đồng/kg… giảm ít nhất khoảng 20.000 đồng/kg.

Chị Đào Minh Hiền (Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết, giá thịt lợn tại địa bàn huyện Hương Sơn hiện nay đã giảm. Đơn cử như thịt ba chỉ có giá cao nhất là 165.000 đồng/kg, hiện nay cũng chỉ 140.000 đồng/kg còn những thành phần thịt mông, nạc vai thì giá chỉ khoảng 110.000 – 130.000 đồng/kg.

Tiểu thương này cho biết, cách đây khoảng 10 ngày, giá thịt lợn hơi dao động từ 90.000-95.000 đồng/kg, nhưng nay đã tụt xuống chỉ còn khoảng 83.000 đồng/kg.

Hiện nay, tại khu vực miền Trung, giá heo hơi trong tuần qua cũng giảm đến 10.000 đồng/kg. Đơn cử, tại Thanh Hóa, Hà Tĩnh giá lợn giảm còn 78.000-83.000 đồng/kg tùy địa phương. Còn miền Nam ghi nhận biên độ giảm từ 7.000-13.000 đồng/kg.

Còn tại kênh siêu thị, giá thịt cũng bắt đầu hạ nhiệt so với trước. Giá thịt CP giảm 5.000-10.000 đồng một kg, tuỳ loại so với cách đây một tuần. Thịt ba chỉ 171.000 đồng, giảm 6.000 đồng một kg, sườn non còn 198.000 đồng, giảm 7.000 đồng; nạc thăn heo còn 172.000 đồng…

Theo một số tiểu thương bán thịt lợn, nguyên nhân là khi giá thịt lợn tăng 1 cách quá đáng, người dân đã có vẻ đã quay lưng với thịt lợn. Vì vậy lượng tiêu thụ giảm, thì giá cũng phải giảm vì bán chẳng ai mua.

Chợ vẫn ảm đạm, vắng khách

Mặc dù giá thịt giảm nhưng theo phản ánh của nhiều tiểu thương, thịt lợn vẫn khó tiêu thụ bởi sức mua không cao, người tiêu dùng dần chuyển sang các nhóm thực phẩm khác thay thế.

“Giá thịt lợn đã giảm nhưng sức mua không cao. Được ngày Tết Dương lịch bán nhiều hơn ngày thường, do người dân được nghỉ lễ, nhưng mấy ngày sau sức mua vẫn yếu lắm”, chị Lan – một tiểu thương tại chợ tạm Quan Nhân than thở.

Nhìn vào quầy thịt vắng khách, cô Hà (Đống Đa, Hà Nội) nói: “Thịt giảm nhưng cũng chưa thấy tình hình khả quan hơn. Cứ đà này, tôi cũng không dám nhập về nhiều vì sợ ế. Chỉ mong gần Tết đừng tăng giá nữa để buôn bán thuận lợi hơn”.

Theo nhiều người dân, mặc dù, giá giảm song vẫn còn ở mức khá cao nên họ vẫn chuyển sang ăn các loại thực phẩm khác. “Mặc dù giá thịt lợn đã giảm nhưng giá vẫn ở mức cao nên mình hạn chế ăn tránh tốn kém và làm lợi cho một bộ phận người chăn nuôi găm hàng tích trữ”, chị Nguyễn Thảo (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết.

“Một thời gian thịt lợn tăng giá, nhà mình chuyển sang ăn thịt bò, gà. Bây giờ cả nhà ăn quen rồi, bao giờ thịt lợn về giá như lúc đầu thì mua còn đắt quá thì mua thịt khác ăn chả ảnh hưởng gì”, chị Hồng Nhung (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ.

Nhiều tiểu thương dự đoán rất có thể Tết đến, giá lợn hơi sẽ tăng trở lại, do nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết tăng cao, trong khi nguồn cung lợn tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không còn nhiều. , ,

No comments:

Post a Comment