Cập nhật tin tức nóng hổi

Chuyến đi ‘bão táp’ của du thuyền bị hắt hủi Westerdam

Tàu du lịch Westerdam đã bị 5 cảng khác nhau từ chối cho cập bến vì sợ virus corona (Covid-19). Dịch bệnh này có thể khiến ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. 

Khi lên tàu MS Westerdam, các hành khách của tàu này chỉ nghĩ rằng họ sẽ có những bữa tiệc tráng miệng hoành tráng và xem các tiết mục ảo thuật hàng đêm. Thay vào đó, 2.257 hành khách – chủ yếu đến từ Mỹ, Canada và Anh – và thủy thủ đoàn trên chiếc du thuyền treo cờ Hà Lan đã phải đối mặt với những ngày hoang mang trên biển sau khi tàu bị từ chối bởi năm cảng khác nhau.
Chuyến đi ‘bão táp’ của du thuyền bị hắt hủi Westerdam
Tàu Westerdam khi rời cảng Hong Kong vào ngày 1/2. Ảnh: South China Morning Post.

Con tàu khởi hành từ Hong Kong vào ngày 1/2 và dự định cập cảng Yokohama, Nhật Bản hai tuần sau đó. Tuy nhiên, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines và đảo Guam đã từ chối cho tàu này cập cảng trước khi Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul hôm 11/2 tuyên bố sẽ từ chối cho phép tàu vào cảng Laem Chabang, cách Bangkok 80 km về phía đông.

Tuy nhiên, vào đầu ngày 12/2, có tin đồn lan truyền trên Twitter rằng thuyền trưởng tàu thông báo các cơ quan y tế quốc tế, cũng như chính phủ Mỹ, Canada, Anh và Hà Lan, đang hợp tác để tìm cảng cho tàu vào.

Ông Stephen Hansen, một hành khách đi du lịch trên tàu Westerdam cùng vợ, cho biết những hành khách trên tàu đang dần mất kiên nhẫn.

“Chúng tôi không chỉ là một nhóm du khách gặp bất tiện nữa”, ông Hansen viết trong email. “Nếu không sớm cập cảng, chúng tôi sẽ bắt đầu cạn kiệt lương thực, nhiên liệu và thuốc men. Chính phủ của chúng tôi cần làm việc với các nước châu Á để tìm ra giải pháp. Thủy thủ đoàn và công ty tàu biển Holland America đang làm tất cả những gì họ có thể, nhưng đây là một tình huống liên quan đến chính trị cũng như sức khỏe”.

Bị xa lánh vì dịch bệnh

Du thuyền do công ty Holland America Line, công ty con của Carnival Corporation, vận hành có thể bị buộc phải đợi cho đến khi không chịu được nữa (hết nước, thực phẩm hoặc nhiên liệu). Lúc này, các công ước luật biển quốc tế sẽ bắt buộc quốc gia gần nhất phải cho tàu vào cảng hoặc cung cấp sự giúp đỡ, ông Jean-Paul Coleue, giáo sư tại Đại học Hofstra ở New York, nói với Bloomberg News.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Thái Lan Atirat Ratanasate cho biết trong một bài đăng trên Facebook vào hôm 11/2 rằng nước này sẽ sẵn sàng giúp cung cấp nhiên liệu, thuốc men và thực phẩm cho tàu nhưng không đưa ra thông tin chi tiết.

Theo Hiệp hội Tàu biển Du lịch Quốc tế, ngành công nghiệp du thuyền ở châu Á đã tăng gấp ba công suất lên tới 4,26 triệu hành khách trong giai đoạn 2013-2018. Tuy nhiên, sự bùng phát của virus corona mới (có tên chính thức là Covid-19) đã làm ngành công nghiệp này bị ảnh hưởng nặng nề.

Một con tàu khác thuộc sở hữu của cùng một tập đoàn với tàu Westerdam, tàu Diamond Princess, đã bị cách ly ở Yokohama. 174 trường hợp nhiễm Covid-19 đã được phát hiện trên tàu này, khiến 3.700 hành khách của tàu bị giam cầm trong cabin. Ở những nơi khác, tàu du lịch World Dream đã cập cảng trong 5 ngày tại Hong Kong sau khi ba trường hợp nhiễm virus liên quan tới tàu. Tất cả hành khách và thủy thủ đoàn sau đó có kết quả âm tính với virus và được phép rời đi.
Chuyến đi ‘bão táp’ của du thuyền bị hắt hủi Westerdam
Tàu Diamond Princess đang bị cách ly vì các ca nhiễm virus Covid-19. Ảnh: South China Morning Post.

Công ty Holland America trong một tuyên bố cho biết không có lý do gì để tin rằng có bất kỳ trường hợp nhiễm virus corona nào trên tàu Westerdam.

“Chúng tôi biết các vấn đề về việc cập cảng Thái Lan của tàu Westerdam”, công ty tuyên bố. “Chúng tôi đang tích cực làm việc với vấn đề này và sẽ cập nhật thông tin khi có thể”.

Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul đã hỏi vào ngày 12/2 rằng liệu Carnival Corporation có thể chắc chắn không có lý do để tin rằng có ca nhiễm Covid-19 nào trên tàu hay không. “Chúng tôi phải nghĩ về sự an toàn của người dân”, ông Anutin nói. “Chúng tôi đã nghe rằng không có ca nhiễm nào trên tàu, nhưng làm thế nào chúng ta có thể chắc chắn điều đó?”.

Trong một diễn biến mới nhất, Reuters dẫn thông báo của công ty Holland America Line ngày 12/2 cho biết chính phủ Campuchia đã cho phép du thuyền Westerdam cập cảng tại nước này.

Ảnh hưởng đến ngành du lịch

Các chuyên gia y tế cho biết khi tàu Westerdam được phép cập cảng, có khả năng hành khách sẽ được giữ trên tàu thêm 2 tuần để qua thời gian ủ bệnh nhằm đảm bảo không có ca nhiễm nào.

Tuy nhiên, các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng nếu có bất kì ca nhiễm mới nào trên tàu Westerdam giống như việc đang xảy ra với tàu Diamond Princess, hành khách có thể bị giữ lại trên tàu lâu hơn 14 ngày.

Bà Jennifer Nuzzo, học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins ở Washington, cho biết việc giữ hành khách gần nhau trên tàu có thể khiến virus lan rộng hơn hoặc bùng phát các bệnh khác.
Chuyến đi ‘bão táp’ của du thuyền bị hắt hủi Westerdam
Tàu World Dream neo đậu ở cảng Hong Kong trong lúc thủy thủ đoàn được xét nghiệm virus Covid-19. Ảnh: Reuters

“Người ta ngày càng quan tâm đến quyền con người của các cá nhân trên tàu”, bà Nuzzo nói. “Tiêu chuẩn hành động của chúng ta nên luôn luôn là bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tiên. Tuy nhiên, khi chúng ta thấy cả thành phố bị phong tỏa có thể cản trở việc vận chuyển vật tư y tế hoặc một con tàu gồm những người đang bị giam lỏng với nhau, chúng ta phải hỏi: chúng ta phải trả giá như thế nào khi làm những điều này?”.

Trên tàu Westerdam, không có dấu hiệu nhiễm virus nào. Cuộc sống trên tàu vẫn tiếp tục như bình thường, ông Hansen cho biết. Các hành khách cố gắng giữ tâm trạng tích cực mặc dù họ không chắc chắn điều gì sẽ xảy ra.

Sau nhiều lần đối đầu với sự bùng phát của norovirus (nhóm virus gây viêm dạ dày), ngành công nghiệp tàu biển đã phát triển các giao thức để ngăn ngừa virus trên tàu.

Nhưng để hồi hương hành khách, “trước tiên họ sẽ bị cách ly”, ông Eric Feigl-Ding, nhà dịch tễ học và nhà kinh tế y tế tại Trường Y tế Công cộng Harvard Chan nói. Ông Eric cũng lưu ý rằng không may là hội chứng NIMBY (Not In My Back Yard) đang xảy ra. Hội chứng này chỉ việc người dân phản đối những thứ gây hại được xây dựng hoặc mang đến đất nước hoặc nơi họ sống và họ chỉ ủng hộ nó khi diễn ra ở nơi khác. Hiện tượng đặc biệt mạnh mẽ ở Nhật Bản khi nước này chuẩn bị tổ chức Olympic 2020, ông Eric nói. Người dân Nhật đang hoảng loạn đòi hủy Olympic vì lo sợ virus Covid-19.

Theo ông Feigl-Ding, lựa chọn tốt nhất sẽ là cho các hành khách trên du thuyền cách ly tại một căn cứ quân sự cho đến khi họ vượt qua thời gian ủ bệnh 14 ngày của virus.

Nhiều hành khách trên tàu Westerdam là công dân Mỹ, và tình hình này có thể ảnh hưởng đến số lượng du khách Mỹ đi du thuyền trong tương lai.

Bà Candyce Stapen, một chuyên gia du lịch gia đình tại Frommer, nói dịch bệnh hiện tại có khả năng ảnh hưởng tới ngành du lịch, đặc biệt là khi các gia đình bị từ chối hoàn tiền cho các chuyến đi trả trước. Điều này là vì những gói bảo hiểm giá rẻ chỉ bao gồm “trường hợp y tế khẩn cấp phát sinh” mà không có “lo sợ cho mối nguy về sức khỏe”.

“Các gia đình có khả năng hủy các chuyến đi mà nhiều người ở gần nhau trong một khu vực. Chỉ cần một người bệnh thôi cũng sẽ gây ra vấn đề”, bà Stapen nói.

Trong khi đó, bà Kyle McCarthy, đồng sáng lập và biên tập viên của trang web lập kế hoạch kỳ nghỉ Family Travel Forum, cho biết gần đây, người xem trang web của cô tìm kiếm ý tưởng cho kỳ nghỉ gần nhà hơn.

Covid-19 cho đến nay đã khiến hơn 1.100 người tử vong và đã lây nhiễm hơn 44.000 người ở 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Hồng Anh (Theo Bloomberg, Reuters) , , ,

No comments:

Post a Comment