Nhiều phụ huynh cho rằng việc học sinh nghỉ học không giải quyết được vấn đề thậm chí còn khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn. Rằng việc học sinh nghỉ học ở nhà sẽ làm cho nhiều cha mẹ bị xáo trộn lịch làm việc. Đặc biệt với những cha mẹ có con còn nhỏ. Rằng những ban giám hiệu quyết định cho trẻ nghỉ học là trốn tránh trách nhiệm. Rằng xã hội sẽ xáo trộn khủng khiếp khi mà nhiều doanh nghiệp không muốn nhân viên của họ lấy lý do không có ai trông con mà nghỉ việc. Rằng mưu sinh của nhiều bậc cha mẹ sẽ ảnh hưởng…
Tôi lại nghĩ khác. Nhất là trong một tình huống thảm hoạ, hãy nhìn Vũ Hán, hãy nhìn những thành phố tê liệt ở Trung Quốc, để thấy chúng ta còn may mắn hơn họ rất nhiều. Mà ngay cả tại Việt Nam, bao nhiêu doanh nghiệp đang “thấm đòn” khi nguồn cung cấp Trung Quốc bị gián đoạn? Hàng quán những ngày này, bao nhiêu nhà hàng, bao nhiêu công sở, dịch vụ cũng hiu hắt khách? Sao cứ vin vào cớ phải đi làm mà có thể để con “khuất tầm mắt” giữa đại dịch? Dù các trường có hàng trăm biện pháp bảo vệ lũ trẻ nhưng ai dám chắc lũ trẻ đã đủ tỉnh táo, vâng lời để rửa tay và đeo khẩu trang trong suốt 8 tiếng chúng ở trường?
Tôi luôn ủng hộ các cha mẹ có thể huấn luyện con cái tự lập nhưng thực sự đây chưa phải là hoàn cảnh tốt để huấn luyện con. Khi mà ngay cả người lớn chúng ta còn chưa chắc đã nhuần nhuyễn vụ tự bảo vệ mình trước dịch. Huống chi những đứa trẻ mới 4-5-6 tuổi. Và kể cả với lũ trẻ 13-15-17 tuổi nữa. Thế nên thay vì tự cho mình là những cha mẹ dũng cảm, có thể an tâm để con đến trường, tôi chọn về phe cha mẹ nhát gan, tôi muốn con mình ở nhà trong những ngày này…
Dự kiến, tức là nếu không có gì thay đổi thì ngành giáo dục thành phố lại đưa 2 triệu học sinh TP.HCM vào nơi nguy hiểm. Nói nguy hiểm vì trường học dù có khử trùng cỡ nào cũng không an toàn. Học sinh ý thức giữ gìn kém, môi trường sinh hoạt tập trung, lăn lộn vui chơi, ăn uống cùng nhau suốt ngày.
Nào ai kiểm được từng đứa trẻ thời gian vừa rồi có xê dịch ở những nơi có người Trung Quốc hay người từng nhiễm dịch lui tới hay không.
Ngành giáo dục có vẻ muốn gây bão, khi mở trường đúng lúc thông tin về vi-rút Corona liên tục dội về: vi-rút Corona lây lan qua tiếp xúc và qua cả đồ vật cầm nắm như vòi nước, mặt bàn, tay nắm cửa… Nào là thời gian ủ bệnh có thể kéo dài tới 24 ngày (chứ không chỉ 14 ngày như trước).
Không rõ vì cái gì mà ngành giáo dục cứ vội bắt trẻ đi học. Đã thống nhất cùng nhau rằng, học trò có ba tháng hè để học bù, có nhiều cách để học trực tuyến… Thậm chí, hủy cả một năm học để bảo toàn sinh mạng cộng đồng cũng được.
Không học ngay không chết, nhưng vội đi học có khi nguy đấy. Trường hợp nữ sinh lớp Mười ở Vĩnh Phúc ủ bệnh vì vi-rút Corona vẫn đi học ngày 30/1, gây nguy hiểm cho cả lớp chẳng phải đã vỗ vào cái quyết định đi học lại quá sai, quá liều lĩnh đó sao!
Tôi chẳng lạ gì cảnh phụ huynh kêu gào thảm thiết cho con nghỉ học. Rồi khi con được nghỉ lại kêu gào chẳng ai giữ con, sao mà đi làm. Nhưng kêu vậy, chứ gần hai tuần qua trẻ ở nhà, phụ huynh vẫn thu xếp được đấy. Giờ, thảy con cho trường, trường đưa con thí cho rủi ro, rồi nếu có chuyện gì, các hội cha mẹ lại ào ào gào thét trường coi thường sinh mạng con trẻ, coi thường sức khỏe cộng đồng.
Lại nói về cái công văn phúc đáp ngày 9/2 của Bộ Y tế với Bộ GD-ĐT. Cơ quan quản lý sức khỏe đã đá quả bóng trách nhiệm qua cơ quan quản lý đào tạo và các địa phương: “Đối với các địa phương không có dịch có thể cho học sinh đi học sau khi đã tiêu độc, khử trùng lớp học, vệ sinh bàn ghế đảm bảo các điều kiện vệ sinh phòng bệnh cho các cháu”.
Cú “đẩy bóng” này làm phụ huynh nhớ lại thời điểm chục ngày trước, khi Bộ GD-ĐT không dám quyết ngay việc học hay nghỉ, mà đẩy xuống cho các sở, cho hiệu trưởng trường đại học. Các sở cũng không dám chịu trách nhiệm, cứ dùng dằng ngồi ngó nhau.
Tại TP.HCM, chiều Chủ nhật ấy, khi học sinh soạn xong sách vở, ủi xong đồng phục, thì mới đọc báo thấy văn bản hoãn học (chưa đóng mộc đỏ) trên mạng. Nhiều trường tận 23g mới soạn xong tin nhắn gửi phụ huynh. Thật là một đêm hồi hộp.
Buồn phiền nhất là phụ huynh một số tỉnh như Hà Nam, sáng sớm thứ Hai chở con em vượt sương mù và thời tiết đại hàn đi học, 9g đã nghe thông báo giật ngang người là phải tới trường đón con về. Một phụ huynh ở Hải Phòng than: “Thôi đến đón về là yên tâm rồi. Hải Phòng tôi đây, sát nút Trung Quốc, mà học sinh vẫn phải hiên ngang anh dũng tới trường”.
Chuyện qua rồi, nhưng nhắc lại để thấy, từ giờ tới cuối tuần, phụ huynh các địa phương sẽ lại tiếp tục nhảy tim thon thót với ngành giáo dục. Lại tỉnh này đi học, tỉnh kia nghỉ, tỉnh nọ ngồi ngó chờ động thái tỉnh hàng xóm. Lại triệu triệu phụ huynh ngồi trên lửa, không biết lịch học thế nào và phải thu xếp con cái ra sao.
Có ông quan chức ngành y từng trả lời báo giới về việc có nên cho trẻ đi học lại. Ông khẳng định: “Chúng ta có những dấu hiệu rất lạc quan, đó là tỷ lệ trẻ em mắc bệnh rất thấp. Bệnh nhân nhiễm bệnh ở độ tuổi nhỏ gần như không có, mà chỉ tập trung ở những người lớn đã có bệnh nặng, bệnh nền sẵn”.
Ông quan chức lạc quan tếu quá. Em bé ba tháng tuổi ở Vĩnh Phúc bị nhiễm bệnh hôm qua là “thế hệ thứ ba” lây vi-rút Corona đấy. Tức, bà của em bị nhiễm qua người khác, rồi em nhiễm qua bà. Nếu so với tổng 15 ca nhiễm tại Việt Nam tính tới lúc này thì tỷ lệ ấy không hề thấp.
Hàng triệu phụ huynh chúng tôi bây giờ “chấp hết”: thà cho con lưu ban một năm học còn hơn đẩy con vào vùng nguy hiểm.
Theo FB Quyen Nguyen Giáo dục , Tin trong nước , Y tế
No comments:
Post a Comment