Theo PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nếu Thái Nguyên “thất thủ” trong phòng dịch COVID-19 thì Hà Nội cũng “thất thủ”, do hầu hết người Hàn Quốc làm việc tại Thái Nguyên đều cư trú ở Hà Nội và đi về trong ngày.
Kỹ thuật viên của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thực hiện xét nghiệm chẩn đoán COVID-19. (Ảnh: baothainguyen.vn)
Hơn 1.000 người từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã đến Thái Nguyên
Ngày 1/3, PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Thái Nguyên.
Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên Đặng Ngọc Huy cho biết tính đến 9h sáng ngày 29/2, tỉnh chưa có trường hợp nào nhiễm virus corona (nCoV), nhưng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất lớn do có 1.065 người nước ngoài từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã đến Thái Nguyên, trong đó có 150 người đến từ vùng dịch (có 86 người Hàn Quốc). Số người trên đang được theo dõi sức khỏe 14 ngày. Tất cả đều có diễn biến sức khỏe bình thường.
Ngoài ra, 181 người Việt Nam từ Trung Quốc qua biên giới về Cao Bằng từ ngày 21/2, đang được cách ly tập trung tại Trung đoàn Bộ binh 832, xã Lục Ba, huyện Đại Từ (công suất từ 250 – 280 giường).
Ông Huy cho biết chiều ngày 26/2, một du học sinh cư trú trên địa bàn tỉnh đang học tập tại Deagu đã lên Seoul để bay về sân bay Cát Bi và lên xe khách về Thái Nguyên. Ngành y tế đã yêu cầu tất cả hành khách trên xe và lái xe, phụ xe về cơ sở y tế để lấy mẫu xét nghiệm; khử trùng xe khách đó và khu vực xe đỗ tại bến xe. Mặc dù tất cả các xét nghiệm đều âm tính, du học sinh hiện vẫn đang được theo dõi cách ly.
Tại Nhà máy Samsung Thái Nguyên, 60.000 người lao động được đo thân nhiệt hàng ngày. Những người về từ Hàn Quốc đều được hướng dẫn theo dõi sức khỏe. Công ty này cho biết đã tạm dừng người từ Hàn Quốc sang làm việc tại nhà máy.
Các bệnh viện tại tỉnh đã chuẩn bị 200 giường điều trị cách ly và có thể tăng lên 1.000 giường. Tỉnh đảm bảo lực lượng bác sĩ tại các khu điều trị trong các tình huống chống dịch, ngoài ra, huy động sinh viên năm cuối tại Trường Đại học Y Thái Nguyên hỗ trợ trong tình huống cần thiết.
‘Nếu Thái Nguyên ‘thất thủ’, Hà Nội cũng ‘thất thủ”
Báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên cho biết, tổng số lao động trong các khu công nghiệp hiện nay là 101.030 người, trong đó lao động trong nước là 100.456 người, lao động nước ngoài là 609 người, trong đó Hàn Quốc 591 người, Trung Quốc 15 người…
Trong số 591 lao động Hàn Quốc, có 5 người trở lại làm việc từ ngày 11/2, hiện đang được cách ly tại chỗ. Trong số 15 lao động Trung Quốc có một người tạm trú liên tục từ tháng 12/2019 không về nước; 14 người sức khoẻ bình thường đã làm việc tại Việt Nam hơn 1 tháng.
PGS. TS Lương Ngọc Khuê, mặc dù các bệnh nhân đã khỏi bệnh, ra viện nhưng hiện nay tình hình dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến phức tạp. “Thực tế cho thấy đường lây của COVID-19 ở Việt Nam rất đa dạng… Do đó, tuyệt đối chúng ta không được chủ quan trong phòng chống dịch. Lơ là sẽ rất nguy hiểm…”, ông Khuê cho hay.
TS Khuê nhận định tại Thái Nguyên có 428 người Hàn Quốc và đa số làm việc ở Nhà máy Samsung Thái Nguyên nên nếu có ca mắc COVID-19 mà không phát hiện sớm thì rất nguy hiểm. Do đó, Thái Nguyên cần có phương án kiểm soát thật tốt người về từ vùng dịch và công tác phòng, chống dịch. Ông Khuê cảnh báo nếu Thái Nguyên “thất thủ” trong phòng chống dịch thì Hà Nội cũng “thất thủ”, do hầu hết người Hàn Quốc làm việc tại Thái Nguyên đều cư trú ở Hà Nội và đi về trong ngày.
Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh nhấn mạnh phải sàng lọc ngay từ đầu, ngay từ nơi đón tiếp người bệnh, trước khi phát số khám cho người bệnh; cần chuẩn bị đầy đủ vật tư, cơ số thuốc và trang thiết bị cho việc điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ, dương tính với COVID-19; đặc biệt phải đảm bảo phương tiện bảo hộ cho cán bộ y tế, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện hoặc ra cộng đồng.
Hiện sau Hàn Quốc, Việt Nam sẽ tạm ngừng miễn thị thực đối với công dân Italy từ 0h ngày 3/3.
Tính đến sáng 2/3, số ca nhiễm COVID-19 tại Italy đã tăng lên 1.701 ca, trong đó 41 người đã tử vong, khiến quốc gia này trở thành vùng dịch lớn nhất châu Âu và thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc và Hàn Quốc).
Theo Trí thức VN Tin trong nước , Xã hội , Y tế
No comments:
Post a Comment