Cập nhật tin tức nóng hổi

Đầu tư điện mặt trời bán cho EVN: Ăn no “bánh vẽ”

Trông chờ hưởng lợi từ việc bán điện cho EVN, nhiều doanh nghiệp hồ hởi và kỳ vọng đổ tiền của đầu tư vào điện mặt trời. Tuy nhiên chưa kịp hưởng lợi thì các đơn vị này đã phải gánh lỗ, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản do điện không bán được, giá thu mua thấp.

Miếng “bánh vẽ” ngon lành

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, nhiều hộ gia đình nước ta đã đã trở thành nhà đầu tư vào điện mặt trời.

Cụ thể theo Quyết định 11, chủ đầu tư sẽ là các doanh nghiệp, còn hộ dân là các nhà đầu tư thứ cấp, bỏ tiền lắp những tấm pin điện mặt trời trên mái nhà của mình. Việc sử dụng năng lượng được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) sử dụng hệ thống công tơ (đồng hồ) hai chiều. Khi kết thúc một năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện (là Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) theo giá quy định.
Đầu tư điện mặt trời bán cho EVN: Ăn no “bánh vẽ”
Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào điện mặt trời. Ảnh minh họa

Thời điểm Quyết định 11 ra đời nhận được rất nhiều sự hưởng ứng tích cực từ doanh nghiệp và người dân hưởng ứng vì người dân sẽ giảm được chi phí đầu tư đáng kể khi không phải tốn thêm tiền đầu tư bộ tích điện. Điện dùng không hết có thể coi như “gửi” lên lưới điện quốc gia, lúc cần đem xuống dùng mà không tốn tiền mua. Nó sẽ khắc phục được bất cập từ trước tới nay là sử dụng không hết và thường phải “bán” với giá 0 đồng cho EVN. Việc này khuyến khích người dân đầu tư ồ ạt cho điện mặt trời.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất đặt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850 MW điện mặt trời vào năm 2020).

Trong đó, riêng 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời, với tổng công suất đặt 2.027 MW. Dự kiến, đến tháng 12/2020, công suất điện gió và điện mặt trời ở 2 tỉnh này sẽ tăng lên 4.240 MW.

Đầu tư ồ ạt, nhận về trái đắng

Tưởng rằng con đường cho điện mặt trời sẽ rộng mở sau Quyết định 11 nhưng những cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào điện mặt trời chưa kịp hưởng lợi thì đã phải gánh lỗ. Nguyên nhân không phải do sản xuất yếu kém hay thiếu thị trường tiêu thụ, thua lỗ mà vì EVN đã "đem con bỏ chợ" đúng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen!

Cụ thể, theo ông Bùi Văn Thịnh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần điện Thuận Bình cho biết, có ngày dự án điện mặt trời của cơ quan ông phải cắt giảm công suất đến 70%. “Tính toán của chúng tôi đảo lộn hết tất cả, không ai biết thất thoát bao nhiêu. Nếu cứ cắt giảm tiếp như thế này không biết chúng tôi có trả nợ được ngân hàng hay không”, ông Thịnh chia sẻ.

Hệ thống điện đang thiếu hụt nguồn cung, nhưng nhà máy lại không thể phát hết công suất. Điều này gây thiệt hại nặng nề cho chủ đầu tư.
Đầu tư điện mặt trời bán cho EVN: Ăn no “bánh vẽ”
Điện không thể thu mua do quá tải đường dây. Ảnh minh họa

Đáng nói, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho rằng: Để triển khai một dự án điện mặt trời chỉ mất khoảng 6 tháng, trong khi để thực hiện một dự án lưới điện truyền tải 220 kV, 500 kV mất khoảng 3-5 năm. Sự phát triển nóng của các nhà máy điện mặt trời đã dẫn tới tình trạng đa số các đường dây, TBA từ 110-500 kV trên địa bàn 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đều quá tải. Việc quá tải lưới điện truyền tải khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận đã được dự báo từ trước, nhưng với mức giá ưu đãi, các nhà máy điện mặt trời vẫn được đầu tư “ồ ạt” trong thời gian ngắn. Theo cách lý giải này của EVN, các cá nhân, doanh nghiệp tự làm tự chịu.

Trong khi đó, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) - đơn vị thành viên của EVN là doanh nghiệp nhà nước duy nhất có nhiệm vụ phát triển và vận hành hệ thống truyền tải điện trên toàn quốc. Đồng nghĩa đơn vị này hoàn toàn có khả năng cảnh báo quá tải, hoặc chuẩn bị hạ hầng, mở rộng đường điện đảm bảo đủ phục vụ cho việc thu mua điện từ doanh nghiệp. Lẽ nào đơn vị này cũng như EVN không có trách nhiệm gì với khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải?
Đầu tư điện mặt trời bán cho EVN: Ăn no “bánh vẽ”
Ảnh minh họa

Chưa kể tới, ngay từ khi bắt đầu có quyết định mua lại điện, khung giá điện đã được cho là không cao. Mới đây Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời ở Việt Nam. Theo đó, từ 22/5/2020 sẽ áp dụng mức giá 1.943 đồng/kWh để thỏa thuận bán điện mặt trời mái nhà cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các tổ chức, các nhân khác có nhu cầu.

Theo quyết định số 13, giá mua điện áp dụng với cả 3 loại hình gồm điện mặt trời mặt đất, điện nổi và điện trên mái nhà đều giảm so với mức giá ưu đãi cũ cũng như mức giá được Bộ Công Thương trình Chính phủ trong các lần dự thảo quyết định trước đây. Trong khi bảng giá mua điện mặt trời trong dự thảo thậm chí còn thấp hơn mức thu mua điện ở một số nhà máy nhiệt điện than. Đầu tư lớn, không thể sản xuất để bán, giá thu mua thấp, rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào điện mặt trời đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Hà An/thuonghieusanpham.vn , ,

No comments:

Post a Comment