Việc xây dựng những bệnh viện này trước mắt tập trung vào hai trung tâm đô thị lớn: Hà Nội, TP HCM.
Bệnh viện dã chiến tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh qua website bachmai.gov.vn)
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 142/TB-VPCP kết luận về phương án xây dựng bệnh viện dã chiến cho tình huống khẩn cấp dịch COVID-19.
Thông báo viết: "Dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nếu không kiểm soát tốt sẽ lây lan rộng, từ đó gây áp lực lớn lên hệ thống y tế, do vậy cần phải chuẩn bị tốt mọi phương án ứng phó, trong đó có việc chuẩn bị cho công tác xây dựng bệnh viện dã chiến khi cần thiết," theo Cổng thông tin Chính phủ.
Theo đó, việc xây dựng những bệnh viện này trước mắt tập trung vào hai trung tâm đô thị lớn: Hà Nội, TP HCM, để bảo đảm phòng chống dịch COVID-19 có hiệu quả. Bộ Y tế và một số cơ quan được giao lập kế hoạch và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/4/2020.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế lập thiết kế điển hình, lập dự toán xây dựng bệnh viện dã chiến có quy mô, hình thức khác nhau (xây dựng mới theo hình thức lắp ghép; lều bạt hay cải tạo các công trình sẵn có như sân vận động, nhà thi đấu, hội trường, cơ sở giáo dục…), đáp ứng công năng theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Trong khi đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch, cho biết sáng 5/4 Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm dịch mới. Cả nước vẫn có 240 ca bệnh, trong đó 149 trường hợp từ nước ngoài (chiếm 62%) và 91 người lây nhiễm thứ phát (chiếm 38%).
Trong số các bệnh nhân đang điều trị, 90 người đã bình phục. 21 người có kết quả âm tính lần một, 18 người âm tính lần hai.
“Chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 chưa có giá trị dịch tễ để đánh giá dịch đã lui. Phải ít nhất trong 2 tuần mới có thể nói dịch đã lui hay chưa. Tuy nhiên, đây là một tín hiệu vui", PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói với báo Zing News.
Theo các chuyên gia y tế, đây là đại dịch nguy hiểm nhất ở Việt Nam kể từ năm 1945 và cũng là lần đầu tiên thế giới và Việt Nam thực hiện đồng loạt biện pháp giãn cách xã hội.
Theo NTDVN Tin trong nước , Y tế
No comments:
Post a Comment