Cập nhật tin tức nóng hổi

Ít nhất 6 tỉnh thành mua máy xét nghiệm giá 5,9 – 8,4 tỉ, liệu có sai phạm như Hà Nội?

Sau Quảng Ninh, đến lượt tỉnh Thái Bình đàm phán và được giảm giá từ trên 6 tỉ còn 5,8 tỉ đồng, chưa tính các ‘quyền lợi’ bảo hành cùng vật tư y tế kèm theo sau khi họ đã mua hệ thống thiết bị xét nghiệm Realtime PCR.

Trao đổi với PV ngày 24-4, lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình cho biết tỉnh đã mua hệ thống thiết bị xét nghiệm Realtime PCR hoàn chỉnh, lắp đặt hôm 31-3 và đưa vào sử dụng chính thức từ 1-4, mua qua hình thức chỉ định thầu.

Mua xong mới đàm phán giảm giá

Tuy nhiên, sau khi lắp đặt thiết bị, đến ngày 15-4 Sở Y tế Thái Bình lại có văn bản đề nghị nhà thầu giảm giá thiết bị. Sau khi đàm phán, giá được giảm còn 5,8 tỉ đồng.

“Nhưng chúng tôi vẫn chưa chấp nhận, mà yêu cầu nhà thầu cung cấp thêm 1.300 bộ xét nghiệm trị giá 600 triệu đồng, ngoài ra còn quyền lợi bảo hành, bình thường bảo hành 1 năm, nhưng chúng tôi đã đàm phán được bảo hành 5 năm, mà chi phí bảo hành mỗi năm, theo nhà thầu thông tin, là trị giá 5% hợp đồng” – vị này cho biết thêm.

Lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình cho biết khi mua thiết bị, tỉnh cũng có hội đồng thẩm định giá, bên cạnh mức giá mà doanh nghiệp được thuê thẩm định đã cung cấp.
Ít nhất 6 tỉnh thành mua máy xét nghiệm giá 5,9 – 8,4 tỉ, liệu có sai phạm như Hà Nội?
Kỹ thuật viên của CDC Quảng Nam thực hiện xét nghiệm trên hệ thống xét nghiệm Realtime PCR – Ảnh: D.L.

Vị này cũng cho biết hệ thống thiết bị xét nghiệm mà Thái Bình đã mua là “hiện đại nhất” (hệ thống Cobas 4800- PV), có thể xét nghiệm nhiều loại bệnh, chứ không chỉ xét nghiệm riêng COVID-19.

Đây là tỉnh thứ 2 đã đàm phán giảm giá thiết bị thành công sau khi đã “chỉ định thầu” và lắp đặt hoàn thiện, đưa vào sử dụng thiết bị.

Giá thiết bị trước đàm phán ở các tỉnh đã mua nhìn chung ở mức 6 – 7 tỉ, thậm chí trên 8 tỉ đồng, trong khi thông thường hệ thống này có thể mua ở mức khoảng 3,5 tỉ đồng.

Ít nhất 6 tỉnh thành mua giá 5,9 – 8,4 tỉ

Có thông tin cho biết ít nhất 6 tỉnh thành đã mua thiết bị xét nghiệm trong vụ dịch này với mức giá 5,9 – 8,4 tỉ đồng (giá trước đàm phán lại).

Ngày 24-4, sau khi có liên tiếp các vụ “lùm xùm” về giá thiết bị xét nghiệm, một lãnh đạo Bộ Y tế cũng khuyến cáo các tỉnh thành mua thiết bị cần tham khảo giá rộng rãi được công bố trên báo Đấu Thầu, nên mua trực tiếp của nhà nhập khẩu hoặc đơn vị phân phối trực tiếp, không mua qua các công ty trung gian, tránh bị đẩy giá cao do các công ty mua bán lòng vòng nâng giá.

Điều 22 Luật đấu thầu quy định có thể chỉ định thầu trong một số trường hợp cấp bách như thiên tai, dịch bệnh…

Tuy nhiên, áp dụng mức giá như thế nào khi chỉ định thầu, một chuyên gia của Bộ Y tế cho biết tùy cơ quan, tổ chức yêu cầu.

“Có nơi căn cứ vào hợp đồng tương tự, chủng loại mặt hàng tương tự, có nơi căn cứ vào báo giá của các nhà cung ứng để chọn nhà cung ứng có mức hợp lý hơn, căn cứ vào giá thẩm định của các bên thẩm định độc lập hoặc của cơ quan chức năng thẩm định” – chuyên gia này nói.

Qua các hợp đồng mua thiết bị giá cao vừa qua cho thấy các bước này đều được tuân thủ, như tỉnh Quảng Ninh có 2 đơn vị thẩm định giá thiết bị xét nghiệm, nhưng sau này giá vẫn “đàm phán” lại được và giảm được đến hàng tỉ đồng.

“Mua sắm tốt nhất thông qua đấu thầu, việc chỉ định thầu tức đã triệt tiêu sự cạnh tranh và qua đó có nguy cơ có thể dẫn đến mức giá không hợp lý” – chuyên gia này cho biết.

LAN ANH/ TTO
, ,

No comments:

Post a Comment