Đã có những đương sự, bị can, bị cáo sau các phiên tòa, bị oan ức hoặc nghĩ mình oan ức rồi chọn cách tự tước bỏ mạng sống, ngay tại công đường. Chúng ta chưa thể kết luận là oan hay không oan, nhưng đó là những "vết sẹo" của nền tư pháp, trên hành trình Việt Nam cải cách tư pháp.
Bị án Lương Hữu Phước tự vẫn, nói mong “làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước”.
1. Chiều 29/5, dư luận xã hội choáng váng bởi cái chết của ông Lương Hữu Phước (sinh năm 1965, ngụ phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước). Ông Phước đã tới TAND tỉnh Bình Phước, lên lầu 2 và nhảy xuống tự sát.
Choáng váng, là bởi ngay sáng 29/5 cùng ngày, TAND tỉnh Bình Phước tổ chức tuyên án phúc thẩm đối với chính ông Phước mức án 3 năm tù giam về tội danh “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, y án sơ thẩm, chưa thi hành án ngay.
Liên quan vụ án này, tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất, HĐXX đã tuyên phạt ông Phước 3 năm tù giam. Sau đó ông Phước kháng cáo. Đến tòa phúc thẩm, HĐXX đã tuyên hủy án sơ thẩm vì chưa làm rõ nhiều vấn đề, kết tội chưa có cơ sở…
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, tới phiên tòa sơ thẩm (xử lại), HĐXX vẫn tuyên án ông Phước 3 năm tù, vì hành vi: Qua đường không quan sát, không nhường đường xe ngược chiều gây tai nạn. Sau phiên sơ thẩm, ông Phước tâm sự với nhiều người: “Nếu bản án gây bất công, tôi sẽ tự tử”. Khi được khuyên can, ông đã nhẫn nại chờ đợi sự công tâm của tòa phúc thẩm.
Rồi cuối cùng, vẫn là bản án 3 năm tù giam, ông Phước phẫn uất viết trên Facebook cá nhân “Nếu một cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chớ”. Rồi buổi chiều, ông đã tự vẫn tại trụ sở TAND tỉnh.
Trước ông Phước, đã có những đương sự, bị can, bị cáo thực hiện hành vi tự sát ngay tại công đường, vì phẫn uất, bị oan hoặc nghĩ mình oan. Và ngay tại Bình Phước, sau khi nhận bản án phúc thẩm vụ án tranh chấp đất đai ngày 21/7/2015, một người tên Võ Chánh sau đó đã sang nhà nguyên đơn (thắng kiện) tranh cãi rồi gục chết trên vũng máu, bằng chính con dao ông cầm…
2. Ngay sau vụ tự sát của bị án Lương Hữu Phước gây xôn xao dư luận, sáng 30/5, ngành chức năng tỉnh Bình Phước đã tổ chức họp báo để thông tin vụ việc.
Theo TAND tỉnh Bình Phước, việc giải quyết và xét xử vụ án, HĐXX phúc thẩm hoàn toàn công tâm, vô tư, dựa trên nguyên tắc tôn trọng chứng cứ để ra phán quyết…
Báo chí đã đặt ra rất nhiều câu hỏi về những điểm bất hợp lý trong vụ tai nạn giao thông mà ông Phước là bị cáo chưa được cơ quan điều tra làm rõ,… nhưng ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước khẳng định việc xét xử vụ án ông Lương Hữu Phước là công tâm, đúng quy định của pháp luật.
Tất cả những hữu trách tỉnh Bình Phước trong cuộc họp báo sáng 30/5 đều quên mất rằng, tòa cấp phúc thẩm ngày 9/10/2018 đã có phán quyết hủy bản án sơ thẩm ngày 29/3/2018 của TAND thị xã Đồng Xoài, vì một trong những nguyên nhân: "Do có nhiều sai sót trong quá trình điều tra, nên tòa án cấp sơ thẩm xác định lỗi hoàn toàn của bị cáo là chưa đủ căn cứ vững chắc. Những vi phạm thiếu sót trên tòa án cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, nên cần hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại."
Nếu cơ quan hữu trách điều tra lại đầy đủ, khách quan, liệu ông Lương Hữu Phước có phải ròng rã kêu oan nhiều năm trời, rồi cuối cùng phải tìm đến cái chết để mong "làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước"?
Diễn tiến của vụ án vẫn còn ở phía trước, nhưng điều xót xa đối với dư luận ngay lúc này là việc ngành chức năng tỉnh Bình Phước và TAND tỉnh đã chưa có lời chia sẻ, xót thương đúng, đủ cho một sinh mạng mất đi, mà việc vẫn còn những khuất tất trong điều tra, truy tố, xét xử, luật sư đã kiến nghị, báo chí đã phản ánh,… nhưng chưa được làm cho thật sáng rõ, là một trong những nguyên nhân khiến bị cáo uất ức, cạn nghĩ.
3. TAND Tối cao sau khi vụ tự vẫn tại trụ sở tòa Bình Phước đã chỉ đạo TAND Bình Phước báo cáo, đã rút hồ sơ kiểm tra...
Dư luận xã hội vẫn còn găm chặt nỗi hoang mang, bởi ở vụ án Hồ Duy Hải trước đó, dù Đoàn Giám sát của Quốc hội, VKSND Tối cao đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong điều tra truy tố xét xử, thì Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao vẫn cho rằng "có sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ án”. Để rồi, không nhiều người kỳ vọng các bản án vụ ông Lương Hữu Phước sẽ sớm được hủy bỏ, điều tra xét xử lại.
Trong vụ án Hồ Duy Hải, và bây giờ là vụ tai nạn giao thông mà ông Lương Hữu Phước là bị cáo, các ĐBQH, các luật sư, nhà báo và cả xã hội đã và đang rà soát, tìm kiếm hồ sơ, nhập vai thám tử, chứng minh vi phạm tố tụng, cảnh báo nguy cơ gây oan sai,… dù đó là việc của các cơ quan tiến hành tố tụng. Phải chăng khi tòa án chưa cho thấy sự minh bạch, tin cậy, đã làm công chúng thiếu hụt niềm tin vào công lý ở công đường?
Hệ thống tư pháp Việt Nam vốn được thiết lập từ năm 1945, đã trải qua một số lần cải cách, và cải cách tư pháp luôn được xác định có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ quyền con người…
Nay, sau những hàm oan nghiêm trọng xảy đến với những người tù Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén,… cộng với tình trạng nhiều đương sự, bị can, bị cáo tự sát ngay tại tòa, đó càng là yêu cầu, động lực, nhiệm vụ bức thiết để Việt Nam thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nhiệm vụ cải cách tư pháp.
Và để hướng tới một nền tư pháp văn minh, tiến bộ, bảo vệ quyền con người, trước nhất các cấp tòa phải thực sự là nơi "phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư", tôn thờ lẽ công bằng, không vì lý do gì mà bẻ cong, làm trái pháp luật; trước nhất là phải có cơ chế giám sát hiệu quả, ngăn chặn từ xa những cái chết tại công đường bằng việc không để những khuất tất, lấn cấn, chưa rõ trong điều tra, truy tố,... còn ngồn ngộn như hiện nay.
Theo Công Luận Chính trị , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment