Trung Quốc dừng nhập khẩu hàng từ 4 nhà cung cấp thịt bò chính của Úc từ hôm nay, ít ngày trước khi Đại sứ Trung Quốc tại Úc cảnh báo về nguy cơ người tiêu dùng tẩy chay để trả đũa việc Canberra kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế độc lập để làm sáng tỏ nguồn gốc đại dịch COVID-19.
Các nhà phân tích cho rằng bước đi này có thể dẫn đến nguy cơ đối đầu giữa Úc với đối tác thương mại lớn nhất của họ, có thể lan sang các ngành quan trọng khác trong bối cảnh Úc đang nỗ lực khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID-19 gây ra.
Bộ trưởng thương mại liên bang Úc Simon Birmingham hôm nay cho biết việc vận chuyển thịt từ các lò mổ đã phải dừng lại vì những vi phạm “kỹ thuật nhỏ” liên quan đến yêu cầu về chứng nhận y tế và dán nhãn từ phía Trung Quốc.
“Chúng tôi quan ngại rằng việc ngừng mua bán này có vẻ dựa trên các vấn đề kỹ thuật, trong một số trường hợp đã bắt đầu có từ hơn 1 năm trước”, ông nói.
“Chúng tôi sẽ làm việc với ngành công nghiệp và giới chức của cả Úc và Trung Quốc để tìm ra giải pháp nhằm cho phép các doanh nghiệp khôi phục hoạt động bình thường càng sớm càng tốt”, ông Birmingham nói thêm.
Sản phẩm của 4 nhà cung cấp này chiếm khoảng 35% lượng thịt bò xuất khẩu của Úc sang Trung Quốc, với tổng giá trị đạt khoảng 1,7 tỷ đô la Úc, theo đài truyền hình Úc ABC.
Trung Quốc cũng tăng thuế lên lên lúa mạch của Úc vì cáo buộc nước này bán lúa mạch sang Trung Quốc với mức giá thấp hơn chi phí, nghĩa là phá giá. Tạp chí tài chính Úc dẫn các tài liệu mật nói rằng Bắc Kinh định tăng thuế lên 73,6%.
Căng thẳng giữa hai nước gia tăng từ khi Úc bắt đầu kêu gọi cần tiến hành một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc virus corona, bắt đầu từ Trung Quốc trước khi lan ra khắp thế giới, khiến hơn 280.000 người thiệt mạng và hàng triệu người mắc bệnh.
Nhưng lời kêu gọi này vấp phải đe dọa của Bắc Kinh. Đại sứ Trung Quốc Cheng Jingye gọi đó là điều “nguy hiểm”.
Trong bài trả lời phỏng vấn Tạp chí tài chính Úc tháng trước, ông Cheng nói: “Dư luận Trung Quốc rất giận dữ và thất vọng với việc Úc đang làm hiện nay”.
“Nếu tâm trạng chuyển từ xấu sang xấu hơn, mọi người sẽ nghĩ: ‘Vì sao chúng ta nên đến một nước không thân thiện với Trung Quốc như vậy?’ Du khách có thể sẽ nghĩ lại. Quyền quyết định thuộc về người dân. Có thể người dân bình thường sẽ nói: ‘Vì sao chúng ta uống rượu vang Úc? Ăn thịt bò Úc?’, ông Cheng nói.
Ông Cheng cũng dọa rằng lời kêu gọi của Úc sẽ ảnh hưởng đến lượng sinh viên Trung Quốc sang Úc học, một nguồn doanh thu quan trọng vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề vì các biện pháp phong tỏa do dịch bệnh.
Nhưng phát biểu tại Canberra, ông Bermingham nói rằng chính phủ Úc coi thương mại là vấn đề không liên quan đến những bàn luận về chuyện điều tra virus.
“Chúng không có gì liên quan đến nhau, không liên quan đến những thỏa thuận về xuất khẩu thịt bò Úc hay lúa mạch Úc hay bất kỳ thứ gì khác”, ông nói.
“Chúng tôi chắc chắn không thấy mối quan hệ nào, và chúng tôi kỳ vọng không quốc gia nào nên thấy liên hệ giữa những yếu tố đó”, ông Berrmingham nói thêm.
Úc và Trung Quốc vốn đã mâu thuẫn sau khi Úc áp thuế chống phá giá lên nhiều mặt hàng của Trung Quốc như nhôm và thép.
Bắc Kinh cũng khó chịu với quyết định của Canberra về việc cấm tập đoàn viễn thông Huawei tham gia phát triển mạng 5G.
Đang có lo ngại căng thẳng này có thể dẫn đến việc hai nước đối đầu và ảnh hưởng đến thương mại song phương, với tổng kim ngạch 235 tỷ đô la Úc.
“Rủi ro là tình thế này có thể lan sang những ngành quan trọng hơn như quặng sắt, than, giáo dục, khí hóa lỏng…”, Stephen Innes, chuyên gia tại hãng tư vấn AxiCorp nói.
“Nếu chỉ dừng lại ở thịt bò và lúa mạch, thì về kinh tế không phải vấn đề lớn với Úc”, ông Innes đánh giá.
Theo ABC Chính trị , Kinh tế , Tin quốc tế
No comments:
Post a Comment