Cập nhật tin tức nóng hổi

Người dân khu Nam TP HCM chỉ còn biết chờ phép màu để hết mùi hôi thối

Tuyệt vọng đến cùng cực khi hàng chục năm qua đơn cầu cứu gửi khắp nơi nhưng không hết ô nhiễm do bãi rác Đa Phước đem tới. Những người dân Khu Nam nói với Báo Sạch, họ chỉ còn trông đợi vào phép màu...

Cơn mưa đầu mùa đổ ập. Nhà anh Tùng ở khu Era Town thay vì mở toang cửa sổ đón cái mát lạnh thiên nhiên thì cả nhà vội vã đóng sập chúng. Mấy đứa con anh nhao lên vì mùi thối xâm chiếm khắp các phòng.

Chưa tới 10 tuổi, các bé đã có kinh nghiệm mỗi khi tới mùa mưa. Thậm chí, cô con gái lớp bốn còn biết chắc gió đang thổi là từ hướng Tây Nam.
Người dân khu Nam TP HCM chỉ còn biết chờ phép màu để hết mùi hôi thối
Bãi rác Đa Phước sử dụng công nghệ chôn lấp làm phát tán mùi hôi.

Mùi thối của bãi rác Đa Phước thành bài học sinh động cho môn địa lý và các kỹ năng thoát bệnh viện do viêm hô hấp.

Cũng như hàng ngàn hộ dân ở đây, anh Tùng đã nhiều lần gửi đơn cầu cứu khắp nơi từ cơ quan trung ương đến UBND thành phố HCM.

"Họ (bãi rác Đa Phước -BS) phủ bạt lên rác. Mưa làm bốc mùi thối lên và gió đem mùi ấy tấn công khắp khu Nam. Thật không thể tin được, người dân ở đây bỏ nhiều tỷ đồng để mua nhà và rồi không ở được. Tôi sắp phải dọn đi". Anh Tùng nói.

Chị Nguyễn Thu Hồng, một cư dân ở Phú Mỹ Hưng cho Báo Sạch hay, chị và hàng xóm đã tuyệt vọng vì cấp độ ô nhiễm ngày mỗi tăng lên. Bây giờ, Đa Phước đã là nỗi ám ảnh cho khắp quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh và đôi khi ở quận 2 vẫn nghe mùi tởm lợm của rác thải.

Theo chị Hồng và anh Tùng, công nghệ xử lý rác bằng chôn lấp ở Đa Phước đã quá lạc hậu và VWS cố tình không giải quyết triệt để ô nhiễm.

Đơn cầu cứu vì sức khỏe bị đe dọa, hàng ngàn người dân đã gửi tới Chính phủ, UBND TPHCM, sở Y tế, sở Tài nguyên và môi trường... Chính phủ cũng từng chỉ đạo thành phố giải quyết giúp dân, nhưng rồi tình hình vẫn không được cải thiện.

"Chính quyền phải nhận trách nhiệm vì đã ký hợp đồng với đơn vị cung cứng dịch vụ kém như VWS. Bên cạnh đó, VWS của ông David Dương phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho cư dân. Chúng tôi sẽ đứng đơn cá nhân để đưa VWS ra tòa án".

Chị Hồng khẳng định.

Như Báo Sạch đã phản ảnh, bãi rác Đa Phước được đưa vào hoạt động từ năm 2007. Công nghệ xử lý rác thải của bãi rác này là chôn lấp. Tuy nhiên sau 13 năm hoạt động, Đa Phước trở thành nơi xuất phát ô nhiễm môi trường cho khu Nam.

Người dân Khu Nam đã phải bán nhà đi nơi khác, hoặc đóng cửa nhà để qua quận khác thuê ở. Thậm chí từng được đánh giá là khu đô thị kiểu mẫu của thế giới thì giờ đây Phú Mỹ Hưng là được mệnh danh là "ổ thúi bất trị".

Hiện chưa có luật sư nào đồng ý trợ giúp pháp lý cho bà con Khu Nam! Vì vậy, chị Hồng cho biết chị vẫn sẽ cùng bà con gửi đơn kiện cá nhân lên tòa án để buộc VWS bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Thậm chí đơn tố cáo đến cơ quan điều tra đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường của VWS cũng sẽ được tiến hành nếu vụ kiện dân sự có kết quả ít khả quan.

Theo Báo Sạch , ,

No comments:

Post a Comment