Việc công nhân ở Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (Công ty PouYuen Việt Nam, quận Bình Tân, TP.HCM) mất việc do dịch Covid-19 bị đánh 10% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã nhận được nhiều ý kiến không đồng thuận. Các ý kiến cho rằng, nếu ngành Thuế vẫn kiên quyết thu 10% thuế TNCN đối với số tiền hỗ trợ của doanh nghiệp dành cho công nhân mất việc thì mục tiêu của thuế là đảm bảo công bằng xã hội không đạt được.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công nhân Công ty PouYuen Việt Nam phải chịu cảnh mất việc. Khi được công ty trợ cấp một khoản tiền, nhiều người bị “sốc” khi phải đóng 10% thuế TNCN.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty PouYuen Việt Nam sụt giảm đơn hàng, buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động với 2.786 công nhân. Ngoài những khoản trợ cấp theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội, Công ty PouYuen Việt Nam chi trả thêm cho công nhân bị chấm dứt hợp đồng lao động với mỗi năm làm việc là 1 tháng lương. Mức trợ cấp cao nhất theo ghi nhận là gần 300 triệu đồng/người và thấp nhất là 3 triệu đồng/người (do mới vào làm); mức trợ cấp bình quân là 60-70 triệu đồng/người. Theo quy định của pháp luật về thuế TNCN, Công ty PouYuen Việt Nam thông báo với công nhân sẽ khấu trừ 10% thuế TNCN trên tổng số tiền mà doanh nghiệp chi trả cao hơn so với quy định của pháp luật. Mỗi công nhân sẽ bị thu từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng tiền thuế TNCN.
Về khoản khấu trừ thuế TNCN 10%, trong báo cáo của UBND quận Bình Tân, ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân đã có kiến nghị Cục Thuế TP.HCM xem xét đề nghị của công nhân về việc không thu 10% thuế TNCN đối với khoản trợ cấp công ty chi trả.
Chị Phùng Thị Tình, công nhân Công ty PouYuen Việt Nam nhận được hỗ trợ hơn 38 triệu đồng. Chị Tình là mẹ đơn thân, con trai chị bị tăng động phải điều trị thuốc mỗi ngày. Với khoản hỗ trợ 38 triệu đồng từ công ty, chị Tình phải đóng hơn 3,8 triệu đồng tiền thuế TNCN, gần 2 tháng tiền thuốc của con chị.
Đối với khoản hỗ trợ của Công ty PouYuen Việt Nam dành cho công nhân mất việc, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, ngành Thuế không nên thu thuế đối với khoản thu nhập này của người lao động. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, công nhân mất việc làm vì dịch Covid-19 đang gặp rất nhiều khó khăn do đó rất cần được cơ quan chức năng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm hỗ trợ. “Về mặt quy định pháp luật hiện hành, cơ quan thuế thu 10% đối với khoản hỗ trợ này là không sai. Thế nhưng, đại dịch Covid-19 là chưa có tiền lệ và nó đã đẩy hàng vạn công nhân tới chỗ mất việc làm. Vì vậy, cơ quan thuế phải nghiên cứu chính sách, để áp dụng hợp lý và nhân văn hơn. Tổ chức Công đoàn nên vào cuộc đề xuất, kiến nghị các cơ quan chức năng không đánh thuế TNCN trong trường hợp này”, ông Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm.
Chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho rằng, những công nhân mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là đối tượng khó khăn trong xã hội. Mục tiêu của thuế là đảm bảo công bằng xã hội, thế nhưng nếu lại lấy tiền của công nhân mất việc, đối tượng khó khăn để chia cho nhóm đối tượng khác thì mục tiêu công bằng của thuế không còn ý nghĩa nữa!
“Cần xác định rõ, khoản tiền hỗ trợ nằm ngoài quy định của pháp luật mà Công ty PouYuen Việt Nam dành cho công nhân không phải là thu nhập thường xuyên. Có thể đây sẽ là lần duy nhất trong đời công nhân nhận được khoản tiền này, khoản tiền họ phải dành rất nhiều năm thanh xuân, tuổi trẻ để lao động trong nhà máy, giờ đây doanh nghiệp hỗ trợ như là để tri ân sự gắn bó đó. Khoản hỗ trợ của doanh nghiệp dành cho người lao động nếu chia bình quân ra các tháng cũng không phải là lớn, trong khi đó, dịch Covid-19 gây ra rất nhiều khó khăn cho đời sống của người lao động, vậy nên cần miễn thuế cho họ”, ông Nguyễn Quang Đồng chia sẻ.
Chuyên gia Nguyễn Quang Đồng lưu ý thêm, hiện nay đa số công nhân mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là những công nhân có thâm niên, gắn bó lâu năm với doanh nghiệp. Họ là những công nhân cao tuổi. Để nhận được khoản hỗ trợ hai, ba trăm triệu đồng đó thì những công nhân đó phải ngoài 40 tuổi, độ tuổi rất khó quay lại thị trường lao động.
“Như vậy, khoản tiền mà doanh nghiệp hỗ trợ được xem như là vốn để họ có thể chuyển đổi công việc, tạo công ăn việc làm mới, không nên xem đó là tài sản lớn để mà thu thuế, chi lại để đảm bảo công bằng xã hội theo mục tiêu của thuế. Cho nên, cần xem xét việc đánh thuế với đối tượng đặc biệt như vậy có hợp tình không?”, chuyên gia Nguyễn Quang Đồng đặt câu hỏi.
Nhiều công nhân Công ty PouYuen Việt Nam bị đánh thuế TNCN từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng từ số tiền hỗ trợ của doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Quang Đồng, tình hình dịch Covid-19 vẫn còn có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, khả năng sẽ có thêm các doanh nghiệp cắt giảm lao động và có thể sẽ có những doanh nghiệp khác có chính sách hỗ trợ cho người lao động mất việc tương tự như Công ty PouYuen Việt Nam. Do đó, việc miễn giảm thuế TNCN cho phần hỗ trợ này nên trở thành một chính sách chung. Tổng LĐLĐ Việt Nam cần dự báo khả năng sụt giảm lao động, doanh nghiệp sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với bao nhiêu người lao động nữa do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để từ đó có đề xuất trực tiếp với Bộ Tài chính để đơn vị này đề xuất với Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét có chính sách miễn giảm thuế TNCN cho phần hỗ trợ ngoài quy định pháp luật mà doanh nghiệp dành cho người lao động.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu ngành Thuế vẫn kiên quyết thu 10% thuế TNCN đối với khoản hỗ trợ của doanh nghiệp dành cho công nhân mất việc như ở Công ty PouYuen thì mục tiêu công bằng của thuế không đạt được
Trước đó, như đã đưa tin, ông Củ Phát Nghiệp – Chủ tịch Công đoàn Công ty PouYuen Việt Nam cho biết, trước khi thực hiện việc khấu trừ 10% thuế TNCN đối với khoản hỗ trợ ngoài quy định pháp luật mà công ty dành cho công nhân, phía công ty cũng có trao đổi với cục Thuế. Việc khấu trừ thuế TNCN 10% này công ty sẽ nộp cho ngành Thuế chứ công ty không giữ.
Thế nhưng, dù được công ty và công đoàn giải thích nhưng một số công nhân vẫn phản ứng và cho rằng việc đánh thuế 10% như vậy đối với công nhân mất việc là không có tình. Công nhân cho rằng, đây là khoản trợ cấp của công ty đối với công nhân lúc mất việc nhưng vẫn phải đóng thuế thì rõ ràng ngành Thuế đang không chia sẻ khó khăn với người lao động, nhiều công nhân bày tỏ sự thất vọng và có tâm lý hoang mang.
Chị Loan nhận được tổng số tiền trợ cấp thôi việc là hơn 178 triệu đồng và cũng bị khấu trừ hơn 15 triệu đồng cho khoản hỗ trợ của công ty, chia sẻ: “Trong lúc khó khăn này, công ty hỗ trợ cho công nhân như vậy là rất mừng nhưng nhìn số tiền thuế bị giữ lại tôi tiếc đứt ruột. Hơn 15 triệu đồng trong lúc khó khăn, số tiền đó không phải là nhỏ, nếu chưa xin được việc, 15 triệu đồng đó gia đình tôi sống được 3 tháng. Công nhân chúng tôi mong ngành Thuế xem lại, miễn phần thuế TNCN này cho công nhân. Mình có hỗ trợ miễn giảm thuế cho doanh nghiệp vì dịch Covid-19 sao không miễn, giảm thuế cho khoản trợ cấp mà công nhân nhận được vì lý do mất việc vì dịch Covid-19”.
Theo Cuocsongantoan.vn Chính trị , Kinh tế , Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment